Nâng cao trình độ ngoại ngữ:

Người dân tự học là chính

ANTD.VN - Sau khi đề án dạy học ngoại ngữ giai đoạn 2008-2020 với mức đầu tư tới gần 10.000 tỷ đồng được đánh giá là chưa đạt yêu cầu, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, tới đây, việc dạy tiếng Anh trong nhà trường sẽ phải thay đổi linh hoạt, áp dụng công nghệ hiện đại của thế giới... Cùng đó, xã hội hóa dạy học ngoại ngữ cũng giúp trình độ ngoại ngữ của người Việt được cải thiện.

Tiếng Anh trong trường học cần được đầu tư phù hợp, tránh lãng phí không hiệu quả

Đầu tư lớn vẫn không đủ 

Bộ trưởng Bộ GD- ĐT Phùng Xuân Nhạ đã thẳng thắn thừa nhận, đề án dạy học ngoại ngữ giai đoạn đến năm 2020 sẽ không đạt được mục tiêu đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học có đủ năng lực ngoại ngữ làm việc trong môi trường hội nhập đa ngôn ngữ. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng, dạy và học ngoại ngữ là vấn đề rất lớn, có tính chất lâu dài.

Để đạt được mục tiêu như đề án nêu, cần thời gian và chi phí rất lớn, không thể “ngày một ngày hai”. Bộ trưởng dẫn chứng: Malaysia hay Singapore khi đạt được trình độ cả nước nói tiếng Anh trung bình mất 38 năm. Do đó, nếu không quyết tâm, không có lộ trình rõ ràng, Việt Nam sẽ khó có thể đạt được mục tiêu và rất lãng phí nguồn lực.

Rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai đề án, Bộ GD-ĐT nhìn nhận việc bố trí cơ cấu vốn và triển khai đề án ở một số địa phương, đơn vị còn chưa hợp lý. Tại nhiều địa phương, kinh phí tập trung vào đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy và học ngoại ngữ, chưa chú ý nhiều đến đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên. Thậm chí, một số địa phương khi mua sắm trang thiết bị chưa tính đến điều kiện, khả năng sử dụng dẫn đến lãng phí.

Để khắc phục vấn đề này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, trong thời gian còn lại của đề án, Bộ GD-ĐT sẽ tập trung chủ yếu vào dạy và học tiếng Anh; nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách Nhà nước và đẩy mạnh xã hội hóa trong đầu tư cho các hoạt động dạy và học ngoại ngữ với nhiều giải pháp cụ thể.

Bên cạnh nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên, giảng viên ngoại ngữ, Bộ sẽ rà soát, xây dựng và ban hành chương trình dạy và học ngoại ngữ thống nhất; xây dựng hệ thống kiểm tra, đánh giá hội nhập với chuẩn quốc tế và lập trung tâm khảo thí độc lập.

Bộ cũng tích cực tạo môi trường học tiếng Anh thông qua phong trào sinh viên tình nguyện dạy ngoại ngữ, câu lạc bộ ngoại ngữ, trao đổi giáo viên tình nguyện nước ngoài... Đáng lưu ý, Bộ cam kết sẽ tăng cường các giải pháp công nghệ, phương tiện phát thanh, truyền hình để hỗ trợ tất cả các đối tượng người học có thể tiếp cận với ngoại ngữ, có thể học mọi nơi, mọi lúc... 

Còn phải cố gắng rất nhiều

Trong khi đề án ngoại ngữ của Bộ GD-ĐT chưa đạt được mục tiêu đặt ra thì thời gian qua, việc xã hội hoá học ngoại ngữ lại phát triển khá mạnh. Với nỗ lực chung của người dân, việc cải thiện trình độ tiếng Anh đã có bước tiến được ghi nhận. Cùng với việc rất nhiều gia đình tự đầu tư cho con em mình học ngoại ngữ ngoài nhà trường, trình độ tiếng Anh của lớp trẻ đang được nâng lên rõ rệt.  

Công bố mới nhất của Tổ chức giáo dục quốc tế EF cho thấy, Việt Nam đứng thứ 31 trên tổng số 72 quốc gia tham gia bảng xếp hạng năng lực Anh ngữ EF EPI (EF English Proficiency Index). Khảo sát này được thực hiện trên toàn cầu với gần 1 triệu người trưởng thành (tuổi bình quân 28) tham gia bằng một bài kiểm tra trực tuyến.

Ở châu Á, Việt Nam xếp thứ bảy sau các nước Singapore, Malaysia, Philippines, Ấn Độ, Hàn Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc). Theo đánh giá của Tổ chức giáo dục quốc tế EF, trong 5 năm trở lại đây, trình độ tiếng Anh của người Việt Nam đã cải thiện hơn so với trước đây và nếu từ năm 2012-2014, Việt Nam chỉ lọt vào nhóm thấp, thì 2 năm gần đây đã nâng lên nhóm trung bình.

Bà Cao Phương Hà, Giám đốc của EF Education First Việt Nam cho hay, độ tuổi có năng lực Anh ngữ tốt nhất ở Việt Nam là 18-20. Nhưng kể cả độ tuổi này, nếu so với thế giới thì năng lực tiếng Anh của Việt Nam cũng chỉ ở mức trung bình. Do đó, muốn nâng cao năng lực cạnh tranh, chúng ta còn phải cố gắng rất nhiều, nhất là khi các nước láng giềng đã có sự tiến bộ vượt bậc.