Người dân trong khu vực giãn cách xã hội phải tuân thủ quy định gì để tránh bị phạt?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Gọi điện đến Đường dây nóng Báo ANTĐ, nhiều bạn đọc hỏi: Để phòng chống dịch Covid-19, TP.HCM và một số địa phương đang áp dụng giãn cách xã hội. Vậy, việc phát cơm hỗ trợ người nghèo có bị cấm trong thời gian giãn cách không? Cá nhân dùng giấy đi đường do cơ quan cấp khi tham gia giao thông có bị xử phạt?

Về nội dung trên, theo Luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội, Chỉ thị 16 của Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 yêu cầu mọi người dân ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: Mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác; Các trường hợp khẩn cấp như cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn, tang lễ…

Trường hợp ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; không tập trung quá 2 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, bệnh viện và phải giữ khoảng cách tối thiểu 2 m.

Nhằm giúp đỡ những người dân có hoàn cảnh khó khăn không có thu nhập do ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã triển khai các hoạt động từ thiện như tổ chức các điểm phát tiền, gạo, cơm và các nhu yếu phẩm thiết yếu…và được các địa phương khuyến khích, ủng hộ. Tuy vậy, việc làm này phải đảm bảo yêu cầu phòng dịch, tuân thủ yêu cầu về giãn cách, không tụ tập đông người, người phát quà và người nhận phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn…

Cá nhân không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế, ra đường không có lý do chính đáng, không đeo khẩu trang, không giữ khoảng cách 2 m... sẽ bị phạt từ 1-3 triệu đồng (theo điểm a, khoản 1, Điều 12 Nghị định 117 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế).

Một trong những điểm bị phong tỏa tại TP.HCM

Một trong những điểm bị phong tỏa tại TP.HCM

Về băn khoăn của người dân liên quan đến hiệu lực của giấy đi đường do công ty, doanh nghiệp cấp, Luật sư Nguyễn Thị Thu cho rằng, Chỉ thị 16 của Thủ tướng nêu rõ, trong thời gian giãn cách xã hội , phương tiện giao thông cá nhân “hạn chế đi lại” chứ không phải “dừng lưu thông”.

Người lao động của các công ty thực hiện chức năng kinh doanh mà Chỉ thị 16 không quy định phải dừng và họ ra đường với giấy xác nhận của công ty một cách rõ ràng thì lực lượng chức năng cần tạo điều kiện cho họ được lưu thông thuận lợi. Trường hợp có đủ căn cứ cho thấy người đi đường đã gian dối, sử dụng giấy xác nhận giả hoặc giấy của người khác để qua các chốt kiểm dịch thì lực lượng chức năng tại các chốt này có thể buộc họ trở lại điểm xuất phát.

Trong trường hợp xử phạt hành chính, để xử phạt đúng quy định, người có thẩm quyền xử phạt phải chứng minh được cá nhân đó đã thực hiện hành vi vi phạm trên thực tế. Bên cạnh đó, để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính…