Người dân thờ ơ gửi tiền, ngân hàng liên tục tăng lãi suất huy động

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tín dụng tăng trưởng ngoạn mục trong khi tiền gửi của người dân tăng chậm khiến các ngân hàng phải liên tục tăng lãi suất huy động để hút khách.

Phân hóa lãi suất mạnh

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính từ đầu năm tới ngày 24/6/2024, huy động vốn của các tổ chức tín dụng chỉ tăng 1,50%, trong khi tín dụng tăng tới 4,45% so với cuối năm 2023. Còn theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 30/6, tăng trưởng tín dụng đã đạt tới 6% so với cuối năm 2023.

Như vậy, tín dụng đã có bước tăng trưởng “thần tốc” trong tháng 6, với mức tăng bằng cả 5 tháng trước đó cộng lại (hết tháng 5, tín dụng toàn ngành mới chỉ tăng trưởng 2,41%). Tốc độ tăng trưởng tín dụng cũng đang cao gấp khoảng 3 lần so với tốc độ tăng huy động vốn.

Dù thời điểm hiện tại, thanh khoản các ngân hàng chưa quá căng thẳng, song nếu tốc độ tăng trưởng tín dụng những ngày gần đây được duy trì, nhiều khả năng một số ngân hàng sẽ rơi vào tình trạng thiếu hụt thanh khoản.

Trước diễn biến này, làn sóng tăng lãi suất huy động tại các ngân hàng không ngừng lan rộng. Chỉ trong vòng hơn 10 ngày đầu tháng 7/2024, thị trường đã chứng kiến thêm gần chục ngân hàng tăng lãi suất huy động.

Có thể kể đến những cái tên như: MB, Eximbank, NCB, SeABank, VIB, BaoViet Bank, Saigonbank, VietBank… Trước đó, trong tháng 6/2024, cũng đã có tới hơn có 20 lượt tăng lãi suất tại các nhà băng.

Tính từ tháng 3 đến nay, có những nhà băng đã điều chỉnh tăng lãi suất đến 4 – 5 lần.

Tăng trưởng tiền gửi thấp hơn nhiều so với tăng trưởng cho vay

Tăng trưởng tiền gửi thấp hơn nhiều so với tăng trưởng cho vay

Làn sóng tăng lãi suất huy động chủ yếu đến từ các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, trong khi khối Nhà nước vẫn đang đứng ngoài cuộc. Điều này khiến mặt bằng lãi suất tiết kiệm đang dần phân hóa lớn.

Cụ thể, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng của nhóm ngân hàng quốc doanh (big 4) đang dao động quanh 1,6-2%/năm, trong khi nhóm ngân hàng TMCP tư nhân lên tới 3-3,4%/năm.

Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 3 tháng của nhóm big 4 là 1,9-2,3%/năm, còn của khối cổ phần tư nhân là 3,5-4%/năm. Tương tự, với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất của nhóm big 4 ở mức 3-3,3%/năm, trong khi lãi suất của ngân hàng TMCP tư nhân có nơi lên tới 5,6%.

Đối với kỳ hạn dài 12 – 18 tháng, trong khi các ngân hàng có vốn Nhà nước vẫn duy trì ở mức thấp 4,7%/năm thì nhóm tư nhân có tới 11 ngân hàng niêm yết lãi suất lên tới trên 6%. Nhiều ngân hàng thậm chí còn áp dụng lãi suất rất cao, đi kèm điều kiện về số tiền gửi.

Có thể kể đến PVCombank niêm yết lãi suất lên tới 9,5%/năm cho kỳ hạn gửi 12-13 tháng với số tiền gửi tối thiểu 2.000 tỷ đồng. Hay HDBank với mức lãi suất 8,1%/năm cho kỳ hạn 13 tháng và 7,7%/năm cho kỳ hạn 12 tháng với số dư tiền gửi tối thiểu 500 tỷ đồng. Với tiền gửi thông thường, mức lãi suất cao nhất tại nhà băng này cũng là 6%/năm.

Tương tự, MSB cũng áp dụng mức lãi suất lên tới 8%/năm cho kỳ hạn 13 tháng. Điều kiện áp dụng là sổ tiết kiệm mở mới hoặc sổ tiết kiệm mở từ ngày 1/1/2018 tự động gia hạn có kỳ hạn gửi 12 tháng, 13 tháng và số tiền gửi từ 500 tỷ đồng.

Hay DongA Bank với kỳ hạn 13 tháng trở lên, lãi cuối kỳ với khoản tiền gửi từ 200 tỷ đồng cũng được áp dụng mức lãi suất 7,5%/năm.

Các ngân hàng đang duy trì lãi suất tiền gửi cao nhất từ 6%/năm gồm: NCB, VRB, OceanBank, OCB, ABBank, BVBank, Cake by VPBank…

Mặt bằng lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng

Với làn sóng tăng lãi suất thời gian qua, lãi suất huy động toàn thị trường đã tăng khoảng 0,5 điểm phần trăm so với cuối tháng 3 năm nay. Dù vậy, con số này vẫn thấp hơn 0,15 - 0,45 điểm phần trăm so với cuối năm ngoái.

Theo các chuyên gia, lãi suất huy động tăng trên diện rộng thời gian qua chủ yếu do tiền gửi vào hệ thống ngân hàng tăng chậm. Ngoài ra, áp lực tỷ giá vẫn rất lớn khiến Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bán ngoại tệ, hút ròng tiền đồng về cũng gây áp lực lên thanh khoản tiền đồng của hệ thống ngân hàng.

Hai động lực này dự báo sẽ vẫn tiếp tục duy trì, đẩy mặt bằng lãi suất huy động có thể tiếp tục đi lên nửa cuối năm.

Ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành kinh doanh tiền tệ Ngân hàng UOB cho rằng, các ngân hàng tăng lãi suất huy động nhằm đưa kênh tiết kiệm cạnh tranh với các kênh đầu tư khác trên thị trường.

Theo ông Quang, trong nửa cuối năm 2024, lãi suất tiết kiệm có thể tăng 0,5 - 1%/năm, tùy kỳ hạn.

Còn các chuyên gia nghiên cứu Công ty Chứng khoán VDSC cũng dự báo, lãi suất huy động sẽ tăng thêm 0,5 - 1%, trở về mức trung bình trước dịch Covid-19. Tuy vậy, mức tăng sẽ không đột biến như năm 2022 do bối cảnh vĩ mô khác nhau.

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, lãi suất tiết kiệm trên thị trường tăng nhẹ như thời gian qua là hợp lý, giúp cân bằng lợi ích các bên, giữ chân người gửi tiền.

Với hệ thống ngân hàng, điều quan trọng nhất hiện nay vẫn là giữ được lãi suất điều hành ổn định và mặt bằng lãi vay ở mức thấp để nền kinh tế phục hồi.