Người dân Philippines bức xúc vì Uber bị đình chỉ trong 1 tháng

ANTD.VN - Hãng Uber vừa thông báo chấp nhận quyết định đình chỉ hoạt động trong một tháng của nhà chức trách Philippines sau nỗ lực kháng cáo không thành.

Xe taxi lưu thông trên đường phố Thủ đô Manila ngày 16-8

Hôm đầu tuần, Cơ quan cấp phép kinh doanh vận tải đường bộ Philippines (LTFRB) đã ra quyết định đình chỉ hoạt động của Uber một tháng vì công ty này không chấp hành việc dừng tiếp nhận đơn xin cấp phép cho các lái xe mới.

Phớt lờ quy định

LTFRB từng cáo buộc Uber hoạt động trái phép tại Philippines hồi năm 2014 vì không cung cấp các thủ tục pháp lý cần thiết cho các lái xe, tạo ra sân chơi không công bằng đối với các dịch vụ vận tải công cộng khác. Năm ngoái, LTFRB cũng tạm dừng việc chấp nhận và xử lý đơn đăng ký mới cho tất cả dịch vụ đi chung xe, trong đó có Uber.

Động thái này nhằm hỗ trợ các nhà làm luật có thêm thời gian nghiên cứu về cách thức quản lý lĩnh vực này. Trong khi đó, ngay tháng trước, Uber và đối thủ Grab đã bị phạt tiền vì không tuân thủ lệnh ngừng xét duyệt các đơn xin lái xe mới. Trong khi Grab tôn trọng lệnh cấm, Uber tiếp tục “phớt lờ” quy định, dẫn đến việc bị đình chỉ.

Người phát ngôn của LTFRB Aileen Lizada khẳng định “Đây không phải là một quyết định phổ biến nhưng chúng tôi đang thực thi những điều hợp pháp và đúng đắn”. Bà Lizada cũng cho biết 2 lái xe Uber đã bị bắt trong ngày 15-8 vì đã vi phạm lệnh đình chỉ. Họ sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt 120.000 peso (2.280 USD)và bị thu xe trong 3 tháng.

Để phản đối lệnh đình chỉ, hôm 15-8, Uber bắt đầu kháng cáo và tiếp tục cung cấp dịch vụ trong khi chờ phán quyết cuối cùng. Tuy nhiên, LTFRB đã bác bỏ đơn kháng cáo, vì vậy, Uber đã thông báo rằng sẽ tuân thủ lệnh đình chỉ này.

Bị đình chỉ tạm thời tại Philippines được coi là thất bại mới nhất của Uber - một trong những hãng khởi nghiệp giá trị nhất thế giới của Mỹ, chuyên cung cấp dịch vụ cho khách hàng sử dụng ứng dụng trên điện thoại thông minh trực tiếp kết nối với lái xe và được trả một mức giá rẻ hơn so với các hãng taxi truyền thống. Sau khi bị một loạt quốc gia trong Liên minh châu Âu như Pháp, Italy, Tây Ban Nha cấm hoạt động, Uber tiếp tục đối mặt với lệnh phạt hoặc hạn chế hoạt động tại Hàn Quốc, Hồng Kông và Đài Loan (Trung Quốc) hay Thái Lan.

Philippines là quốc gia đầu tiên tại Đông Nam Á điều chỉnh lại hoạt động của dịch vụ gọi xe thông qua ứng dụng sau khi đưa các điều luật vào năm 2015. Hãng công nghệ này đang phải chật vật phục hồi do một loạt scandal liên quan đến việc phân biệt giới tính và cáo buộc quấy rối tình dục cũng như tìm kiếm một nhà lãnh đạo mới sau khi Giám đốc điều hành kiêm nhà đồng sáng lập Uber Jeff Jones bất ngờ từ chức.

“Tàn nhẫn và vô lý”

Đó là quan điểm của một nghị sĩ Philippines được đưa ra trong phiên họp Quốc hội nước này bàn thảo về dự luật liên quan đến dịch vụ gọi xe dùng chung thông qua các ứng dụng trên điện thoại thông minh. Thượng nghị sĩ Grace Poe, người đứng đầu Ủy ban giao thông của Hội đồng thượng viện nhấn mạnh “Quyết định đình chỉ Uber của LTFRB là tàn nhẫn và vô lý”. Bà Poe cho rằng các hình thức gọi xe như Uber đang góp phần cải thiện và thúc đẩy nỗ lực thay đổi các dịch vụ vận tải truyền thống đã lỗi thời và kém chất lượng tại Philippines.

Uber hiện khá phổ biến ở Philippines. Thống kê mới nhất của Uber cho thấy có 68.000 lái xe ở Philippines, cung cấp dịch vụ cho 150.000 lượt khách một ngày. Khách hàng tại quốc gia Đông Nam Á này đánh giá cao dịch vụ của Uber vì cho rằng nó tin cậy, giá hợp lý và cạnh tranh hơn các loại hình giao thông công cộng khác.

Chính vì thế, lệnh đình chỉ của LTFRB đã khiến người dân Philippines vô cùng bức xúc và làm dấy lên làn sóng phản đối trên các trang mạng xã hội. Trong ngày 15-8, hàng chục nghìn người đi làm đã bị mắc kẹt hàng giờ đồng hồ khi các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt bị quá tải, còn dịch vụ gọi Uber trên mạng không thể truy cập. “Điều này khiến cuộc sống của chúng tôi trì trệ và lạc hậu đi rất nhiều” - một người dân nói.

Trong khi đó, phát ngôn viên của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, ông Ernesto Abella, đã bảo vệ quyết định của cơ quan vận tải LTFRB, nhưng một mặt Chính phủ cũng khẳng định “Uber là một dịch vụ tích cực và có lợi” đối với cộng đồng.