Người đàn ông làm "sống lại" văn hóa cồng chiêng của người Thổ

ANTĐ - Nhớ tiếng cồng chiêng của cha ông để lại, ông Hoàng Văn Thái (xã Nghĩa Mai, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An) đã khăn gói “xuất ngoại” tìm mua bộ chiêng mới. Ông luôn tâm niệm, phải khôi phục lại văn hóa cồng chiêng của người dân tộc Thổ. 

“Xuất ngoại” mua cồng chiêng

Những ngày đầu xuân, người dân ở xã Nghĩa Mai, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An lại được sống trong những tiếng cồng chiêng vang vọng khắp núi rừng. Ít ai biết rằng, có một thời gian dài, những tiếng cồng chiêng vắng hẳn trong đời sống của người dân nơi đây...

Lẫn trong những lo toan của cuộc sống ông Hoàng Văn Thái (SN 1950, trú ở xóm 7B, xã Nghĩa Mai) vẫn đau đáu nỗi niềm làm thế nào để khôi phục lại tiếng cồng chiêng năm nào.

Ông Thái sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông nghèo ở xã Nghĩa Mai. Lớn lên, ông Thái tham gia chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên. 13 năm lăn lộn nơi chiến trường, ông Thái phục viên về quê và công tác tại UBND huyện Nghĩa Đàn.

Người đàn ông làm "sống lại" văn hóa cồng chiêng của người Thổ ảnh 1Ông Thái bên bộ cồng chiêng của mình

Xã Nghĩa Mai có 73% người dân là đồng bào dân tộc Thanh, Thái và Thổ sinh sống. Bản thân ông Thái là người dân tộc Thổ nên bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc nơi đây luôn in đậm trong suy nghĩ của ông. 

Ông Thái chia sẻ: “Ngày trước, khi mà văn hóa tân tiến chưa phát triển thì cồng chiêng được xem là nét văn hóa riêng của người Thổ. Dù người Thanh và người Thái cũng có cồng chiêng nhưng giai điệu và cách chơi rất khác nhau. Vào những dịp vui của bà con nơi đây như đám cưới, lễ mừng cơm mới, lễ mừng nhà mới thì tiếng cồng chiêng rền vang cả một vùng. Thế nhưng, khi con người ta lao vào làm ăn, những bộ cồng chiêng cũ rồi cùng hư hỏng. Từ đó, nét văn hóa này ngày bị mai một và lãng quên”.

Năm 2001, ông Thái tình cờ tìm thấy bộ cồng chiêng của người cha để trong tủ đã lâu. Ông Thái đem ra xem thì một số chiếc cồng chiêng này đã bị thời gian làm cho hư hỏng không thể sử dụng.

Người đàn ông làm "sống lại" văn hóa cồng chiêng của người Thổ ảnh 2

Từ ngày phát hiện ra bộ cồng chiêng đó, ông Thái luôn mường tượng về cảnh những nam thanh, nữ tú vui vẻ ca hát, nhảy múa bên những đống lửa trong tiếng cồng chiêng vang vọng. “Lần đó, tự nhiên trong tôi muốn thanh niên bây giờ biết đến những điệu hát lam vông, những tiếng cồng chiêng từ thời xa xưa. Suy nghĩ đó như thôi thúc tôi tìm lại, gây dựng lại nét văn hóa này”, ông Thái cho biết thêm.

Nghĩ là làm, năm 2009, sau khi nghỉ hưu theo chế độ, ông Thái quyết định đi tìm một bộ cồng chiêng để làm sống lại văn hóa cồng chiêng cho người dân trong xã. Dành dụm được ít tiền, ông lặn lội lên các huyện Quỳ Châu, Quế Phong để chọn mua cồng chiêng nhưng không có bộ nào ưng ý.

Khi điều trăn trở của ông Thái được một người bạn chia sẻ, người này đã bày cho ông sang Lào tìm mua vì bên đó có nhiều cồng chiêng tốt. Nghe bạn nói, ông Thái khẩn trương khăn gói “xuất ngoại” sang Lào. Trong chuyến đi này, ông Thái chọn được bộ cồng ưng ý với 4 chiếc mang về. Từ đó, việc “thức tỉnh” văn hóa cồng chiêng của ông Thái bắt đầu.


Nỗi niềm trăn trở

Người đàn ông làm "sống lại" văn hóa cồng chiêng của người Thổ ảnh 3

Nhiều người yêu thích tiếng cồng chiêng cùng tụ họp tại nhà ông Thái

Với bộ cồng chiêng mới mang về, ông Thái gọi mấy người trong xã đến đánh. Tiếng cồng chiêng vang lên, nhiều người tìm đến xem, không ai bảo ai dần dần mọi người kéo đến nhà ông Thái xem đánh cồng chiêng rồi cùng nhảy múa và ca hát. Những câu hát vang lên lẫn trong tiếng cồng chiêng hàng đêm đã khiến người người xích lại gần nhau hơn. Lâu dần, tiếng cồng chiêng được nhiều người sử dụng trong đám cưới, hội hè.

Khi mọi người đã biết đến, thích nghe tiếng cồng chiêng thì có nhiều người muốn sở hữu trong nhà một bộ cồng chiêng để sử dụng. Những gia đình này lại tìm đến ông Thái để nhờ dẫn đi mua.

Ông Thái chia sẻ: “Từ đó đến nay, tôi đã mua giúp được 5 bộ cồng chiêng mới cho 5 gia đình trong xã và 5 bộ cho người dân ở xã khác. Tôi rất vui khi mọi người lại yêu mến tiếng cồng chiêng như vậy. Càng nhiều gia đình biết đến cồng chiêng thì nét văn hóa này mới không bị mai một và lãng quên”.

Người đàn ông làm "sống lại" văn hóa cồng chiêng của người Thổ ảnh 4

Những ngày lễ, ngày hội nhất là dịp Tết Nguyên đán khi người đi làm ăn xa trở về ăn Tết. Tiếng cồng chiêng lại nhịp nhàng vang lên nó như là món ăn tinh thần của người dân nơi đây.

Cồng chiêng từng là nét văn hóa riêng của đồng bào dân tộc thiểu số thì đến nay, chính nhờ những tiếng cồng chiêng này mà người Thanh, người Thái, người Thổ và cả người Kinh đoàn kết hơn, gần gũi nhau hơn. Dưới sự hướng dẫn của ông Thái, nhiều năm liền xã Nghĩa Mai đã đạt giải nhất, nhì, ba về những tiết mục cồng chiêng trong lễ hội làng Vạc được tổ chức vào tháng 2 (âm lịch hàng năm). 

Khơi dậy được tiếng cồng chiêng tưởng chừng đã mất đi nhưng ông Thái vẫn còn rất nhiều trăn trở. Với người đàn ông này, làm sống lại được nét văn hóa của người xưa là thành công lớn nhưng giới trẻ bây giờ du nhập văn hóa hiện đại rất nhanh.

“Nhiều lần thấy lớp thanh niên trẻ bây giờ cứ hát hò, nhảy múa với dòng nhạc ngoại nhập của tây, tàu là tôi buồn lắm. Thanh niên bây giờ chơi cồng chiêng cũng ít dần so với thế hệ trước, văn hóa cồng chiêng ngày càng mai một với văn hóa hiện đại nhạc trẻ nhảy xập xình. Tôi luôn mong muốn có nhiều thanh niên gắn bó với cồng chiêng hơn, tôi sẵn sàng chỉ dạy cho những người đam mê cồng chiêng” ông Thái tâm sự.

Người đàn ông làm "sống lại" văn hóa cồng chiêng của người Thổ ảnh 5

Vào ngày lễ, tết nhiều người quây quần với điệu nhảy lam vông bên ché rượu cần và tiếng cồng chiêng rền vang

Vì muốn tiếng cồng chiêng mãi vang lên trong cuộc sống người dân hằng ngày cũng như trong những dịp đám vui, đám cưới ông Thái luôn vận động họ trai hoặc họ gái tổ chức chơi cồng chiêng trong đêm để người già cũng như thanh niên không quên đi bản sắc văn hóa của mình.

Ông Ngô Minh Tú  - chủ tịch UBMTTQ xã Nghĩa Mai cho biết: “Ở địa phương ông Thái luôn là người dẫn đầu trong các phong trào văn hóa văn nghệ về bản sắc văn hóa cồng chiêng. Những lần địa phương có tổ chức ngày hội, hè ông Thái luôn tình nguyện đưa cồng chiêng đến để nhân dân cùng chơi và vui. Chính bản thân tôi ngày trước cũng không hiểu lắm về cồng chiêng, nhiều lần được ông Thái hướng dẫn cảm thấy rất thú vị nên cũng chơi được cùng bà con”.