Người đàn ông Hàn Quốc tự thiêu trước cửa đại sứ quán Nhật Bản

ANTD.VN -  Một người đàn ông Hàn Quốc đã tử vong sau khi tự thiêu trước tòa nhà Đại sứ quán Nhật Bản tại Seoul, trong bối cảnh quan hệ hai nước này đang diễn biến căng thẳng.

Rạng sáng ngày 19-7, một người đàn ông Hàn Quốc đã châm lửa tự thiêu trước tòa nhà Đại sứ quán Nhật Bản tại Seoul, Hàn Quốc. Nạn nhân được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng bị bỏng nặng và tử vong vài giờ sau đó.

Theo điều tra của cảnh sát, người đàn ông này họ Kim ở độ tuổi 70, đã đỗ ô tô gần tòa nhà Đại sứ quán Nhật Bản và tự thiêu trong chính chiếc xe vào khoảng 3h30 sáng, theo giờ địa phương.

Lính cứu hỏa làm việc tại hiện trường vụ tự thiêu– (Nguồn: AFP)Người đàn ông Hàn Quốc tự thiêu trước cửa đại sứ quán Nhật Bản ảnh 2

Các sĩ quan cảnh sát Hàn Quốc tuần tra trước tòa nhà Đại sứ quán Nhật Bản tại Seoul hôm 19-7 – (Nguồn: AP)

Các sĩ quan cảnh sát bảo vệ tòa nhà và lính cứu hỏa đã khống chế ngọn lửa trong 10 phút. Trước khi người đàn ông này qua đời, cảnh sát từ chối tiết lộ tình trạng của nạn nhân. Họ chỉ thông báo rằng người đàn ông này bị bỏng nặng phải nhập viện và từ chối tiết lộ thông tin khác.

Chiếc xe thuộc sở hữu một người bạn của ông Kim, bên trong phát hiện các thùng chứa xăng, khí butan và các vật liệu dễ cháy khác.

Cảnh sát đang tìm kiếm người thân và bạn bè của ông Kim để xác định động cơ gây án. Theo điều tra, một ngày trước vụ việc, ông Kim đã gọi điện cho bạn và thông báo rằng mình sẽ tự thiêu để bày tỏ sự căm phẫn với Nhật Bản. Truyền thông địa phương cũng cho hay, bố vợ của ông từng là nạn nhân bị Nhật Bản cưỡng ép lao động trong thời chiến.

Sự việc diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Seoul và Tokyo đầy căng thẳng kể từ khi Nhật Bản siết chặt kiểm soát xuất khẩu một số vật liệu công nghệ cao sang Hàn Quốc. Những vật liệu này được sử dụng để sản xuất chất bán dẫn và màn hình phẳng tiên tiến – hai mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất của Hàn Quốc.

Một làn sóng ngầm mạnh mẽ chống Nhật Bản tràn ngập Hàn Quốc từ nhiều thập kỷ qua. Những ký ức về sự thống trị thực dân tàn bạo của Nhật Bản từ năm 1990 đến 1945 vẫn được lưu giữ trong các cuốn sách lịch sử và trầm trọng hơn bởi các tranh chấp lãnh thổ thường xuyên và các tranh chấp khác bắt nguồn từ thời kỳ thuộc địa.

Trong những năm qua, phong trào chống Nhật Bản ở Hàn Quốc bùng nổ qua những cuộc biểu tình trước Đại sứ quán Nhật tại thủ đô Seoul. 

Tòa án Hàn Quốc đã yêu cầu các công ty Nhật Bản từng sử dụng lao động cưỡng bức cách đây nhiều thập kỷ phải đền bù cho các nạn nhân. Nhưng Nhật Bản khẳng định rằng tất cả các yêu sách này đã được giải quyết khi Nhật Bản thiết lập lại quan hệ với Hàn Quốc vào năm 1965 và cung cấp cho Seoul 500 triệu USD viện trợ kinh tế.

Cuộc gặp gỡ giữa Ngoại trưởng Taro Kono của Nhật Bản (trái) và đại sứ Hàn Quốc Nam Gwan-pyo (phải) tại Tokyo ngày 19-7- (Nguồn: AP)

Gần đây nhất hôm 17-7, phủ tổng thống Hàn Quốc đã đăng tải các bài viết trên Twitter chỉ trích những tội ác chiến tranh của Nhật Bản và so sánh các nạn nhân với Simon Wiesenthal, một người quốc tịch Áo – nạn nhân may mắn sống sót trong cuộc thảm sát người Do Thái của Đức quốc xã trong Thế chiến thứ Hai.

Nhật Bản hôm qua đã triệu tập Đại sứ Hàn Quốc để phản đối việc Seoul từ chối tham gia hội đồng trọng tài gồm 3 nước để giải quyết các tranh cãi đang diễn ra.