Người đàn ông đi lại được sau cuộc đại phẫu hiếm có trên thế giới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Mắc viêm tủy xương đùi, chân trái của ông Nguyễn Đức Vượng cứ teo ngắn dần và thấp hơn chân phải tới 11cm. Sau cuộc đại phẫu thay toàn bộ đoạn xương bằng kim loại, người đàn ông đã tìm lại được bước đi của mình…
Người đàn ông đi lại được sau cuộc đại phẫu hiếm có trên thế giới ảnh 1 Người đàn ông đi lại được sau cuộc đại phẫu hiếm có trên thế giới ảnh 2

Các bác sĩ chuẩn bị xương bằng kim loại (ảnh trước) và thực hiện thay đoạn xương bị viêm cho bệnh nhân (ảnh sau)

Ông Nguyễn Đức Vượng (63 tuổi, ở Phúc Thọ, Hà Nội) mắc viêm xương tủy xương đùi từ 38 năm trước, đã trải qua rất nhiều ca phẫu thuật tại các bệnh viện lớn, thậm chí đi khắp trong Nam ngoài Bắc, hết dùng thuốc Đông y lại sang Tây y nhưng những cơn đau không hề thuyên giảm.

Thậm chí, do hệ lụy từ việc dùng quá nhiều thuốc giảm đau, corticoid mà ông bị biến chứng suy tuyến thượng thận. Chân trái của ông cứ ngắn dần theo thời gian và so le với chân phải khoảng 11cm, teo hoàn toàn khối cơ mông, cơ đùi trước cơ đùi sau bên trái, khiến dáng đứng trở nên xiêu vẹo như “tháp nghiêng”.

Để mong thoát khỏi cơn đau hành hạ cơ thể, không ít lần ông đã van xin bác sĩ cắt cụt chân trái của mình. Mới đây, trong lần khám tại khoa Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện E, các bác sĩ đã tư vấn cho ông về kỹ thuật rất mới – đó là thay thế toàn bộ đoạn xương bị viêm bằng kim loại.

Sau ca đại phẫu, ngày 19-8, người bệnh đã đi lại được gần như bình thường

Sau ca đại phẫu, ngày 19-8, người bệnh đã đi lại được gần như bình thường

Sau khi hội chẩn, kíp phẫu thuật do PGS.TS Trần Trung Dũng cùng các bác sĩ khoa chấn thương chỉnh hình Bệnh viện E đã tiến hành ca mổ theo 2 thì.

Thì 1: ngày 25/05/2020 bệnh nhân đã được phẫu thuật tháo toàn bộ xương đùi và đặt cement kháng sinh với hai mục đích diệt khuẩn và giữ khoảng chiều dài xương đùi bên phải như… bên trái.

Thì 2: sau 7 tuần sử dụng 3 kháng sinh liên tục theo kháng sinh đồ bệnh nhân được mổ tháo cement kháng sinh thay toàn bộ xương đùi nhân tạo gồm cả khớp háng khớp gối.

Điều vô cùng đặc biệt, sau phẫu thuật ngày thứ 3 bệnh nhân đã tự đứng và bước đi, các triệu chứng đau âm ỉ do viêm xương gần như không còn. Tầm vận động khớp gối và khớp háng cải thiện hơn, phần chênh lệch giữa 2 chân được rút ngắn lại.

Theo các bác sĩ, phẫu thuật thay toàn bộ xương đùi là một đại phẫu rất phức tạp và khó khăn do nó bao gồm cả khớp háng, khớp gối và toàn bộ xương đùi - xương lớn nhất của cơ thể.

Hiện nay, trên thế giới thay xương đùi toàn phần như bệnh nhân Vượng chưa nhiều. Thống kê trên thế giới, trong khoảng 10 năm trở lại đây, chỉ có khoảng 5 ca bệnh được thay toàn bộ xương đùi để điều trị bệnh lý viêm xương tủy xương lành tính nhằm bảo tồn chi thể một cách tối đa.

Việc phẫu thuật thay xương đùi thành công là một bước tiến lớn của y học Việt Nam, khẳng định vị thế với nền y học thế giới nói chung và chuyên ngành chấn thương chỉnh hình nói riêng.