- Công nghiệp quốc phòng Mỹ tê liệt vì đòn đáp trả của Trung Quốc?
- Mỹ hoãn thuế đối ứng 90 ngày: Xuất khẩu cá tra có thêm cơ hội?
Hàng nhập đắt đỏ, người dân đổ xô đi mua đồ cũ
Ghi nhận tại nhiều nơi ở Mỹ thời gian qua cho thấy người tiêu dùng Mỹ do lo ngại trước nguy cơ giá quần áo tăng do thuế nhập khẩu đã đổ xô đến các cửa hàng đồ cũ để mua cho tiết kiệm hơn. Tại bang California (Mỹ), các cửa hàng bán quần áo đã qua sử dụng ghi nhận lượng khách tăng đột biến trong những ngày gần đây. Nguyên nhân xuất phát từ lo ngại về việc giá quần áo mới sẽ tăng mạnh khi các mức thuế nhập khẩu mới được áp dụng trong thời gian tới.
![]() |
Người tiêu dùng Mỹ có xu hướng thắt lưng buộc bụng do căng thẳng và bất ổn từ chính sách thuế quan |
Đánh giá về xu hướng tiêu dùng theo hướng thắt chặt chi tiêu trên, bà Emily Gittings, Giám đốc điều hành Công ty Archive - đơn vị chuyên hỗ trợ doanh nghiệp phát triển hoạt động kinh doanh quần áo cũ - cho biết, các mức thuế nhập khẩu mới sẽ áp dụng lên phần lớn các sản phẩm, khiến chi phí mua vào của các nhà nhập khẩu đáng kể. Điều này buộc họ phải điều chỉnh giá bán tăng cao hơn. Người tiêu dùng Mỹ vì vậy phải xoay xở, tìm cách mua sắm tiết kiệm hơn và mua đồ cũ là một sự lựa chọn vào lúc này.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump sau khi nắm quyền trong nhiệm kỳ thứ hai đã thực thi một loạt chính sách thuế quan, mà theo vị chủ nhân mới của Nhà trắng là nhằm bảo vệ nền kinh tế Mỹ, giảm thâm hụt thương mại và thúc đẩy sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, trong động thái bất ngờ, trưa 9-4, tức chỉ khoảng 12 tiếng sau khi thuế đối ứng với 180 đối tác thương mại của Mỹ có hiệu lực, Tổng thống Donald Trump lại thông báo giảm thuế đối ứng xuống còn mức chung là 10% và hoãn thi hành 90 ngày nhưng chỉ với những nước “không trả đũa”. Ông Donald Trump cho biết, lý do hoãn áp thuế đối ứng là do hơn 75 quốc gia đã liên lạc với giới chức Mỹ để đàm phán thỏa thuận thương mại, chứ không phải có các biện pháp trả đũa thương mại với Mỹ.
Đối tác thương mại duy nhất không trong diện hoãn áp thuế là Trung Quốc, cũng là đối tác thương mại lớn bậc nhất của Mỹ. Trái lại Trung Quốc còn bị tăng thuế lên 125%, bởi điều mà Tổng thống Donald Trump cho là “sự thiếu tôn trọng của nước này với thị trường toàn cầu”. Cuộc chiến thuế quan giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục leo thang khi Mỹ tiếp tục nâng thuế lên tới 245% đối với hàng hóa Trung Quốc, một mức thuế được cho “đóng chặt” cánh cửa thị trường Mỹ với quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới. Trung Quốc cũng không nhượng bộ khi cũng liên tiếp có các đòn đáp trả, nâng thuế bổ sung với hàng hóa Mỹ lên 125%.
Thắt chặt chi tiêu trước nguy cơ suy thoái
Chính sách thuế quan của chính quyền Tổng thống Donald Trump không chỉ ảnh hưởng tới các đối tác thương mại của Mỹ mà còn tác động trở lại với doanh nghiệp, thị trường nội địa và chính người tiêu dùng nước này. Các động thái áp thuế của Tổng thống Donald Trump và sự trả đũa qua lại từ các đối tác thương mại lớn cũng đã khiến doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ vào tình trạng bất an, buộc các công ty phải cảnh báo khả năng tăng giá, kéo theo nguy cơ lạm phát tăng và tăng trưởng kinh tế giảm.
Ngày càng có thêm những lo ngại từ các chính sách thuế quan của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Có thể thấy phần nào những diễn biến lo ngại việc các nhà đầu tư rút khỏi thị trường chứng khoán để chuyển sang các tài sản trú ẩn an toàn, đẩy giá vàng liên tiếp phá đỉnh lịch sử sau khi lần đầu tiên vượt ngưỡng 3.000 USD/ounce, rồi tiếp tục leo cao tới 3.400 USD/ounce
Một số ngân hàng và nhà phân tích Phố Wall hạ dự báo tăng trưởng cho nền kinh tế lớn nhất thế giới trong bối cảnh dữ liệu ảm đạm hơn và tâm lý bi quan về những tác động của thuế quan đến lạm phát. Một dữ liệu từ Khảo sát người tiêu dùng của Đại học Michigan được công bố cho thấy, chỉ số tâm lý đã giảm mạnh 10,5%, xuống chỉ còn 57,9 điểm trong tháng 3, mức thấp nhất kể từ tháng 11-2022 và đánh dấu 3 tháng liên tiếp niềm tin của người tiêu dùng Mỹ suy giảm.
Theo kết quả khảo sát mới nhất của Đại học Michigan (Mỹ), kỳ vọng lạm phát tại Mỹ trong năm tới đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 1981 khi mà Tổng thống Donald Trump đang đẩy mạnh các chính sách áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu. Một phân tích mới của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED cũng cho thấy, người tiêu dùng có lý khi cho rằng chi phí từ các mức thuế quan mới sẽ được phản ánh trực tiếp vào hóa đơn mua sắm của họ. Nhiều chuyên gia cảnh báo, người tiêu dùng Mỹ nên chuẩn bị cho một đợt tăng giá mới, đặc biệt là với các mặt hàng nhập từ Trung Quốc, nền kinh tế hiện đang chịu mức thuế lên đến 245%. Trong khi đó, các doanh nghiệp đã điều chỉnh hoặc chuẩn bị tăng giá bán lẻ.
Theo ông Torsten Slok, nhà kinh tế trưởng tại công ty quản lý tài sản Apollo Global Management, việc áp thuế nhập khẩu của Chính phủ Mỹ đang khiến tăng nguy cơ suy thoái đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ông Torsten Slok ông biết, các mức thuế áp lên hàng hóa nhập khẩu từ những quốc gia khác có thể làm tăng trưởng GDP của Mỹ giảm tới 4 điểm phần trăm - dự báo được đưa ra dựa trên kinh nghiệm từ năm 2018 khi các mức thuế đầu tiên được áp lên hàng hóa Trung Quốc và đã khiến tăng trưởng kinh tế Mỹ chững lại rõ rệt.
Nguy cơ suy thoái kinh tế và nhất là tác động trực tiếp đời sống của từng gia đình người Mỹ từ chính sách thuế quan đã dẫn tới những phản ứng tại nước này. Trong bức thư tiêu đề “Tuyên bố Thương mại và Thuế quan: Tuyên bố về các nguyên tắc thịnh vượng của Mỹ” được ký bởi các nhà kinh tế nổi tiếng, trong đó có các chủ nhân giải Nobel Kinh tế James Heckman và Vernon Smith, đã chỉ trích chính sách thuế quan đồng thời cảnh báo nguy cơ “tự gây ra suy thoái kinh tế”. Bóng ma suy thoái càng lớn, người tiêu dùng Mỹ càng lo lắng, buộc phải “thắt lưng buộc bụng”.