Người dân mua trái phiếu chính phủ - tại sao không?

ANTĐ - Năm 2015, giới chuyên gia dự báo USD sẽ tăng giá so với các đồng tiền khác. Ngân hàng Nhà nước dự kiến điều chỉnh lãi suất ngoại tệ tối đa là 2%, nhưng cuối cùng chỉ điều chỉnh 1% và bán ngoại tệ can thiệp để duy trì ổn định. Tính đến thời điểm này, lãi suất chỉ huy động và lãi suất cho vay ngắn hạn đã giảm ở mức khá lý tưởng. Song doanh nghiệp vẫn kêu ca về lãi suất trung và dài hạn. 

Về lâu dài có thể hạ được lãi suất các khoản vay này không? Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, nếu để một nền kinh tế vĩ mô bất ổn, lạm phát gia tăng, thì không thể đòi hỏi hệ thống ngân hàng có một lãi suất thấp, đặc biệt không thể huy động được vốn trung và dài hạn. Lạm phát cao thì lãi suất ngắn hạn cũng phải cao, khi đó người dân thường sẽ chỉ gửi tiết kiệm kỳ hạn ngắn. Do đó, huy động nguồn vốn trung và dài hạn có thể gặp khó khăn nhất thời. Đương nhiên, dù có thế nào thì trên góc độ điều hành, Ngân hàng Nhà nước phải làm cho lãi suất hạ xuống và đẩy niềm tin vào tiền đồng tăng lên. 

Một yếu tố hết sức quan trọng là Ngân hàng phải cố gắng nắn chỉnh lại sự lệch lạc của dòng vốn để phân bổ lại từ gửi tiền tiết kiệm sang đầu tư. Trong khi đó, đối với thị trường trái phiếu chính phủ, hầu như các ngân hàng chiếm vị trí độc tôn và không có mấy doanh nghiệp hay người dân tiếp cận để mua. Ai là người mua trái phiếu cuối cùng, chính là Ngân hàng Nhà nước.

Bởi vậy, hiện trạng này đã đến lúc phải thay đổi: không chỉ một mình hệ thống ngân hàng “ôm” trái phiếu chính phủ. Cũng bởi vậy, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có cơ sở khi ông nhấn mạnh, phải thuyết phục được người dân, tổ chức, thay vì gửi tiết kiệm chỉ vài phần trăm, nên chuyển sang mua trái phiếu có lãi suất cao hơn. Như vậy, sự thay đổi này sẽ giải phóng một lượng tiền rất lớn để “nuôi dưỡng” nền kinh tế, từ đó tăng niềm tin vào tiền đồng.