Người dân không thể mãi đóng thuế để cõng cả bộ máy hành chính cồng kềnh

ANTD.VN -  “Cuộc cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước dù phải lấy đá ghè chân chính mình thì chúng ta cũng phải làm, vì đã đến lúc người dân không thể mãi đóng thuế để cõng cả một bộ máy hành chính cồng kềnh nhưng kém hiệu quả”, đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) ví von.

Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau)

Bộ máy tổ chức hành chính phình to tạo gánh nặng cho ngân sách, tinh giản biên chế “bóp trên thì phình dưới”, đạo đức và năng lực công chức đáng báo động… là những vấn đề được các đại biểu (ĐB) xoáy sâu phân tích trong phiên thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước, sáng 30-10.

Gánh nặng cho ngân sách

Đề cập vấn đề tinh giản biên chế, ĐB Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) cho rằng kết quả đạt được vẫn rất khiêm tốn: “Nhóm công chức trong cơ quan hành chính Nhà nước từ năm 2011 đến nay mới giảm hơn 3.000 người. Trong khi nhóm viên chức làm việc ở các đơn vị sự nghiệp công lập nhằm cung cấp các dịch vụ công lại tăng nhanh, đến nay đã lên tới hơn 2 triệu người. Đây là nhóm cần giảm nhưng lại tăng rất mạnh so với nhóm kia, điều này tạo gánh nặng rất lớn cho ngân sách Nhà nước”.

“Những hạn chế của bộ máy hành chính ở ta có nguyên nhân gốc rễ là do hệ thống cơ quan hành chính Nhà nước và hình thức tổ chức bộ máy thời gian qua chưa thực hiện đúng nguyên lý, tức là tổ chức quyền lực và phân công quyền lực. Chúng ta nhấn mạnh đến phối hợp nhưng ở đây phối hợp lại đẻ ra một loạt các cơ chế trung gian, một loạt ban chỉ đạo và đùn đẩy trách nhiệm khi có vụ việc… Một nguyên nhân khác là chúng ta chưa xây dựng thể chế nhân sự hoàn chỉnh, đủ điều kiện, đủ căn cứ cho việc đánh giá cán bộ, tuyển chọn, lựa chọn và sử dụng cán bộ”. 

Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau)

Dẫn lại báo cáo của Chính phủ cho biết, hiện cả nước có hơn 2 triệu công chức, viên chức đang làm việc; 8 triệu người hưởng lương chiếm 8,3% dân số; hàng năm ngân sách phải bỏ ra 20% chi thường xuyên dành cho quỹ lương, ĐB Phùng Đức Tiến (đoàn Hà Nam) đánh giá: “Đội ngũ công chức lớn nhưng hiệu lực, hiệu quả thực hiện công việc chưa cao”. 

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Minh Sơn (đoàn Tiền Giang) so sánh ngân sách Nhà nước như cái bánh, chia kiểu nào cũng không đủ, rất muốn tăng tỷ trọng chi cho đầu tư phát triển thì chi hành chính sự nghiệp lại thiếu nên cứ căn kéo mãi. 

Tinh giản biên chế “bóp trên phình dưới” 

Đánh giá tinh giản biên chế là nội dung quan trọng trong cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước, song theo ĐB Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum), thời gian qua số lượng tinh giản rất ít, chưa tinh giản được đúng đối tượng là người có đạo đức công vụ và trình độ năng lực yếu kém mà chủ yếu tập trung ở nhóm nghỉ hưu trước tuổi, theo báo cáo giám sát tỷ lệ này là 90%.

“Ta có thể hình dung thực trạng biên chế và tinh giản biên chế như hình phễu, đầu vào rất to nhưng đầu ra lại nhỏ. Nguyên nhân là việc chưa tinh gọn được tổ chức bộ máy ở cơ quan đầu mối như Bộ, Sở không tăng nhưng các đơn vị trực thuộc vẫn tăng. Như chúng ta vẫn thường nói, hiện tượng này là “bóp trên phình dưới”, ĐB Tô Văn Tám nói. 

Cũng với quan điểm này, ĐB Mai Thị Phương Hoa dẫn chứng thêm về sự cồng kềnh nhiều tầng nấc trong nhiều Bộ đó là việc thành lập các phòng trong vụ chuyên môn: “Hiện nay, cơ cấu tổ chức của Bộ phổ biến theo mô hình truyền thống, đó là trong một Bộ có tổng cục, vụ. Trong tổng cục thì cũng có cục vụ. Trong cục vụ thì có phòng ban, chi cục. Việc thành lập phòng trong vụ gây tình trạng lãnh đạo nhiều hơn công chức”.

Quan tâm tới tình trạng “loạn cấp phó” trong bộ máy hành chính, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) cho biết quy định của các Bộ là không quá 4 Thứ trưởng nhưng có Bộ vượt lên đến 9 Thứ trưởng, việc làm này dẫn đến tình trạng cấp phó tăng nhanh.  

Vì sao quan chức hách dịch dân? 

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) cho rằng, đạo đức công vụ của nhiều công chức còn hạn chế, nổi bật là không ý thức được mình là công bộc của dân. “Vì sao có tình trạng này? Theo tôi nguyên nhân khiến không ít quan chức vô cảm, quan liêu, hách dịch với dân là do họ ít phụ thuộc vào dân. Từ việc tuyển chọn, bổ nhiệm, đề bạt đến nâng lương, đánh giá, khen thưởng, công chức chỉ phụ thuộc vào cấp trên của mình. Công chức chỉ tiếp xúc với dân trong vai người đến xin việc này, việc kia cho nên dễ quên rằng chính những người đang có việc nhờ cậy họ giải quyết mới là những người đóng thuế trả lương cho mình, tức là ông bà chủ thực sự của mình”, bà Nguyễn Thị Kim Thúy phân tích.

Về giải pháp, ĐB Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An) cho rằng cần có chế tài mạnh, xử lý nghiêm khắc, khẩn trương đưa ra bộ quy tắc điều chỉnh hành vi tức là pháp lý hóa đạo đức công vụ, nghề nghiệp. “Các cơ quan Nhà nước cần mạnh tay đưa ra khỏi bộ máy những người mất đạo đức, hành vi ứng xử thiếu chuẩn mực, làm ảnh hưởng xấu đến cơ quan, tổ chức”, ĐB Nguyễn Hữu Cầu kiến nghị. 

Theo ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy, một hạn chế khác của công chức là không thạo việc, trình độ thực chất không tương xứng với bằng cấp họ có. Do công chức không thạo việc nên thường khó giải quyết nhanh chóng việc cho dân, cũng ít khi tham mưu cho cấp trên những chủ trương tốt. “Chúng ta đã và đang cải cách hành chính, nhưng nếu người thực hiện cải cách không đủ tâm, đủ tài thì thủ tục đơn giản mấy cũng thành khó khăn, công nghệ hiện đại mấy cũng vô dụng”, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy nhấn mạnh.