Người dân không muốn thả nổi giá cả

ANTĐ - Ngày 23-7, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố báo cáo “Cảm nhận về Nhà nước và thị trường của người Việt Nam năm 2014” (CAMS). Kết quả cho thấy, gần 90% số người được hỏi cho rằng, kinh tế thị trường là ưu việt, nhưng 75% lại cho rằng vẫn cần sự can thiệp của Nhà nước, nhất là trong lĩnh vực quản lý giá.
Người dân không muốn thả nổi giá cả ảnh 1

Giá cả là yếu tố tác động lớn đến cuộc sống hàng ngày của người dân        Ảnh: PHÚ KHÁNH

Quen được Nhà nước can thiệp 

Ông Đoàn Hồng Quang- chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho hay, có đến 75% người được hỏi cho rằng, nên có sự can thiệp của Nhà nước vào giá các mặt hàng thiết yếu, tăng 7% so với cuộc điều tra tương tự năm 2011. “Kết quả này làm chúng tôi ngạc nhiên. Vì sao đa số người dân muốn có nền kinh tế thị trường nhưng vẫn muốn được can thiệp bình ổn giá? Chúng tôi thấy có 2 nguyên nhân. Thứ nhất, do chúng ta đã xây dựng thể chế có sự can thiệp của Nhà nước vào giá cả để người dân hưởng lợi nên giờ rất khó bỏ. Thứ hai, cuộc điều tra diễn ra trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế nên sự can thiệp của Nhà nước rõ ràng hơn” - ông Đoàn Hồng Quang nói. 

Có tới hơn 80% người được hỏi mong muốn Nhà nước can thiệp vào giá điện, thuốc chữa bệnh và xăng dầu. Ngay cả với mặt hàng gạo và thực phẩm, dù Việt Nam là nước xuất khẩu gạo nhiều thứ hai trên thế giới nhưng 69% người dân vẫn mong có biện pháp bình ổn giá. Tỷ lệ này đối với thực phẩm là 68%. Với các dịch vụ cơ bản như: y tế, giáo dục, công chứng, giao thông công cộng, kết quả điều tra cho thấy, phần lớn người dân hài lòng với dịch vụ do tư nhân cung cấp. Đáng chú ý, chỉ có 42% người được hỏi muốn chuyển việc cung cấp dịch vụ từ Nhà nước sang tư nhân. Người dân lo dịch vụ tư nhân giá cao, chất lượng không ổn định và sợ khó tiếp cận. 

Bình luận về điều này, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, người dân thích kinh tế thị trường, giá cả cạnh tranh nhưng vẫn muốn được Nhà nước “ôm ấp” là tâm lý bình thường. Ông Trần Đình Thiên nói: “Xã hội vẫn quen được bao cấp, được Nhà nước lo toan. Hơn nữa, giai đoạn vừa rồi nền kinh tế có nhiều rủi ro, bất ổn nên dựa vào Nhà nước, người dân thấy an toàn hơn. Kinh tế thị trường chống đỡ chưa tốt, chưa thúc đẩy giảm giá, cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ nên người dân trông cậy vào Nhà nước. Người dân dựa vào Nhà nước để được hưởng lợi, nhưng Nhà nước phải có thái độ, đừng tạo tình huống buộc người dân phải dựa vào”. 

Hiệu quả bình ổn giá thấp

Mong muốn Nhà nước bình ổn giá, nhưng hiệu quả người dân nhận được từ các chính sách này lại rất thấp. Theo CAMS 2014, 55% người được hỏi đánh giá chương trình có hiệu quả. Tuy nhiên, chỉ có chưa đến 20% được hưởng lợi từ đây. Trong khi đó, có đến hơn 50% hàng hóa, dịch vụ hiện đang được Nhà nước can thiệp về giá, tăng đáng kể so với năm 2011. 

Để gỡ “nút thắt” này, Tiến sĩ Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính cho biết, cần tạo ra môi trường cạnh tranh hơn cho thị trường xăng dầu, điện và minh bạch về chi phí. “Giá xăng dầu, giá điện tăng liên tục nhưng chi phí của doanh nghiệp khó tính hợp lý. Ngay cả người làm công tác chuyên môn, các chuyên gia, kiểm toán viên cũng chưa hiểu rõ về chi phí của điện và xăng dầu huống hồ người dân. Do đó, để tạo được niềm tin với người dân vào sự can thiệp giá cả của Nhà nước, cần xây dựng thị trường cạnh tranh. Cách thức kiểm soát chi phí của doanh nghiệp hiện nay không khả thi” - ông Nguyễn Đức Độ nhấn mạnh.

Đánh giá chương trình bình ổn giá là “phản thị trường”, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương  cho hay, thể chế thị trường không cho phép một chủ thể vừa hoạch định chính sách, vừa làm thị trường. “Bản thân nó đã chứa đựng xung đột lợi ích. Phải thiết lập thể chế thị trường rồi Nhà nước can thiệp tới đâu mới tính” - ông Nguyễn Đình Cung đề xuất.

CAMS 2014 phản ánh cảm nhận của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và những nhóm cá nhân khác thuộc nhiều khu vực trong nền kinh tế về quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường tại Việt Nam. Với hơn 1.600 người tham gia khảo sát, CAMS 2014 khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân với mô hình kinh tế thị trường.