Người dân Keangnam kêu mãi, bao giờ được cứu?

ANTĐ - Đã gửi 12 công văn tới Keangnam Vina và Chestnut Vina, yêu cầu hợp tác, giải thích rõ về những sai phạm của hai đơn vị này trong thời gian vừa qua, tuy nhiên tới nay vẫn chưa có phản hồi nào.

Sau vụ việc anh Trần Thanh Hiền, cư dân tại phòng 1803 của tòa nhà chung cư Keangnam Landmark Tower bị hành hung do phản đối việc Keangnam Vina sử dụng sân chơi chung để kinh doanh, cho thuê địa điểm làm sân khấu, Ban Đại diện lâm thời và người dân tại đây đã có các hoạt động phản đối Keangnam Vina và Chestnut Vina. Đơn kiến nghị, tố cáo các sai phạm của 2 đơn vị nói trên đã được gửi đi rất nhiều nơi, trong đó bao gồm cả UBND TP Hà Nội, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, tập đoàn Keangnam Investment... bao gồm 5 nội dung:

1- Tòa nhà chung cư Keangnam đã được bán đến hơn 70% số căn hộ và các chủ sở hữu đã chuyển tới sinh sống tại đây được gần 8 tháng mà Keangnam Vina vẫn chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp theo qui định của Pháp luật về quản lý sử dụng nhà chung cư.

2- Keangnam Vina đã tự ý cho thuê mặt bằng thuộc phần diện tích sử dụng chung trong nhà chung cư như tầng hầm, sân chơi trẻ em làm địa điểm kinh doanh mà chưa có sự đồng thuận của tập thể cư dân, trái với các cam kết trong hợp đồng bán nhà.

3- Keangnam Vina đã tự áp đặt mức giá dịch vụ nhà chung cư cao gấp 4,5 lần so với qui định của UBND Thành phố Hà Nội mà không có sự thỏa thuận của cư dân.

4- Keangnam Vina không thực hiện các qui định về trách nhiệm công khai, minh bạch đối với các khoản Thu, chi, hạch toán giá dịch vụ nhà chung cư và các khoản thu, chi khác.

5- Chesnut Vina không phối hợp với Ban đại diện cư dân và tổ dân phố trong việc bảo vệ an ninh, trật tự dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Chesnut Vina đã không kịp thời cung cấp bằng chứng xác thực cho cơ quan điều tra về vụ việc hình sự xảy ra trong khuôn viên nhà chung cư do Chesnut quản l.

Theo tố cáo nói trên của người dân sinh sống tại tòa nhà thì khu chung cư này đã liên tiếp làm sai các cam kết trong hợp đồng mua bán nhà và sử dụng mặt bằng khu chung cư. Không chỉ áp dụng mức giá dịch vụ trên trời mà còn làm ngơ trước hành vi côn đồ của nhân viên công ty cổ phần Mai Linh để gây ra hậu quả nghiêm trọng tại khuôn viên tòa nhà.

Trước đó, báo An ninh Thủ đô cũng đã đưa thông tin về vụ việc nói trên và phản ứng của người dân tại đây trước việc anh Trần Thanh Hiền bị hành hung. Cho tới nay, Ban Đại diện lâm thời của tòa nhà đã cung cấp thêm thông tin về các sai phạm khác của Keangnam Vina tại tòa chung cư cao cấp này. Vụ việc này lại gợi nhớ chuyện tương tự cách đây hơn 3 năm tại khu chung cư The Manor cũng tại huyện Từ Liêm; từ đó đặt ra câu hỏi về chất lượng quản lý, dịch vụ tại mỗi khu nhà gắn mác chung cư cao cấp. Số tiền người dân bỏ ra để mua nhà có đi đôi với dịch vụ họ nhận được hay không? Liệu chủ đầu tư có làm đúng những gì mà trước đó họ vẫn ngon ngọt mời chào khách mua nhà? Và các cơ quan có thẩm quyền sẽ có những hành động cụ thể nào để bảo vệ quyền lợi cho người dân?