Người dân chưa hài lòng với bác sỹ, công chức

ANTĐ - Khoa Quốc tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) vừa có báo cáo về thực trạng văn hóa ứng xử Hà Nội. Những số liệu thu thập được cho thấy, đa số người dân đánh giá, cán bộ, công chức cơ quan hành chính hay các y tá, bác sỹ trong bệnh viên còn nhiều hành vi ứng xử chưa phù hợp.

94,7% người được hỏi đánh giá công chức ứng xử không phù hợp
(Ảnh minh họa)

“Bắt lỗi” viên chức cơ quan Nhà nước

Cuộc điều tra do Khoa Quốc tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Sở VH-TT&DL Hà Nội tiến hành với mục đích cung cấp thực trạng văn hóa ứng xử tại các cơ quan hành chính, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp, nơi công cộng và khu dân cư ở Thủ đô Hà Nội. Số phiếu điều tra phát ra là  6.300, số phiếu thu về hợp lệ 6.000 (đạt tỷ lệ 95,2%).

Ở khu vực cơ quan hành chính, số phiếu điều tra được phát cho lãnh đạo, công chức, viên chức, người dân và một số đối tượng khác. Đại đa số người được hỏi đều cho rằng tại các cơ quan hành chính hiện nay đội ngũ cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức và người dân đến liên hệ làm việc đều có các hành vi ứng xử không phù hợp. Cụ thể, 88,1% người được hỏi cho rằng cán bộ lãnh đạo có hành vi ứng xử không phù hợp; 94,7% cho rằng công chức, viên chức ứng xử không phù hợp; 95,8% cho rằng người dân đến liên hệ làm việc có hành vi ứng xử không phù hợp.

Các số liệu cho thấy, đối với đội ngũ cán bộ, lãnh đạo, những hành vi ứng xử được nhiều người cho rằng có là “bệnh thành tích”, “tham nhũng” và “thiên vị”. Kết quả điều tra cũng chỉ ra, đội ngũ công chức, viên chức ở các cơ quan hành chính đã thực hiện tương đối tốt các nhiệm vụ như tuân thủ các quyết định của cơ quan, đơn vị; giữ gìn đoàn kết trong tổ chức, đơn vị; chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước; tuân thủ kỷ luật, nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan đơn vị; tôn trọng nhân dân, tận tụy với nhân dân. 

Ngoài ra, số liệu cũng phản ánh thực tế, công chức, viên chức ở các cơ quan hành chính còn dĩ hòa vi quý, bớt xén thời gian làm việc (đi muộn về sớm); có tâm lý sợ đấu tranh; ghen ghét, đố kỵ với người hơn mình; nịnh trên, nạt dưới; bè phái cục bộ; dối trá, bệnh thành tích; nói không đi đôi với làm; đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; ích kỷ, vụ lợi cá nhân chủ nghĩa.

Những người được lấy ý kiến cho rằng, nguyên nhân chính gây nên những hành vi ứng xử không phù hợp trong các cơ quan hành chính trên địa bàn Hà Nội là do việc đánh giá chất lượng cán bộ còn thiên vị, cào bằng. Cùng với đó, cơ chế tuyển dụng, bố trí không đúng người, đúng việc; công tác xử lý kỷ luật còn mang tính hình thức; khen thưởng, bình bầu thi đua không công bằng và điều kiện làm việc không tốt... cũng là tác nhân khiến công chức, cán bộ ứng xử kém.

Y bác sỹ vẫn bị chê

Ở khu vực bệnh viện, phiếu điều tra được phát cho bác sỹ, y tá, cán bộ, nhân viên bệnh viện, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Cụ thể, có tới 91% người được hỏi cho rằng, bác sỹ có các hành vi ứng xử không phù hợp; 95,8% cho rằng y tá/điều dưỡng ứng xử không phù hợp; 92,7% cho rằng cán bộ, nhân viên y tế ứng xử không phù hợp.

44,7% người được hỏi cho rằng, đội ngũ bác sỹ, y tá, điều dưỡng “thiếu tận tình, chu đáo trong việc khám và chữa bệnh”. Gần 40% cho rằng, bác sỹ, y tá, điều dưỡng “thiếu tôn trọng, có thái độ gắt gỏng, quát mắng, xúc phạm nhân phẩm bệnh nhân và người nhà bệnh nhân” và “phân biệt đối xử trong việc khám và điều trị cho bệnh nhân”. 31,1% phàn nàn, bác sỹ, y tá, điều dưỡng, cán bộ nhân viên y tế có hành vi “vòi vĩnh, nhận phong bì của bệnh nhân/người nhà bệnh nhân”. Ngoài ra, có 52,7% thừa nhận, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân có hành vi “đưa hối lộ cho bác sỹ/y tá/điều dưỡng”.

Lý giải cho thực trạng ứng xử đáng buồn nêu trên, phần lớn những người liên quan cho biết, nguyên nhân số một bởi bệnh viện quá đông bệnh nhân và bản thân bác sỹ/y tá/ điều dưỡng luôn căng thẳng, phải chịu sức ép quá lớn của công việc trong khi chế độ đãi ngộ không tốt. Tuy vậy, cũng có 63,6% người được hỏi nhận định, ở đây có tình trạng “lạm dụng nghề nghiệp, vụ lợi cá nhân” và “do bệnh viện còn quá nhiều các thủ tục hành chính rắc rối” (59,5%)...