Người dân Campuchia "mắc kẹt" trong khoản "tín dụng vi mô" để thoát nghèo

ANTD.VN - Tờ Der Spiegel (Đức) đưa tin, hàng triệu người dân Campuchia tìm đến “tín dụng vi mô” với mong muốn thoát nghèo nhưng cuối cùng lại rơi vào tình trạng nghèo đói. Lý do của tình trạng này là sự bấp bênh của mùa vụ khiến họ không thể trả nợ mà phải tiếp tục vay thêm những khoản nợ mới. 

Người dân Campuchia "mắc kẹt" trong khoản "tín dụng vi mô" để thoát nghèo ảnh 1Nông dân trồng lúa ở tỉnh Kampong Chhnang, Campuchia

“Lãi mẹ đẻ lãi con”

Có lẽ, khi Sokha - một người nông dân người Campuchia tìm đến tín dụng vi mô 3 năm trước, anh không bao giờ nghĩ đến những rắc rối có thể gặp phải. Vợ chồng Sokha có 5 người con, gia đình anh sống nhờ vào nguồn thu từ việc trồng sắn. Sokha đã vay 3.250 USD từ Ngân hàng Sathapana với mục đích mua máy móc cho việc trồng sắn nhưng không may sau đó, giá sắn giảm mạnh.

Sokha không có khả năng trả nợ, phải lấy 1ha đất làm tài sản thế chấp. Dưới sức ép nợ của ngân hàng, Sokha buộc phải bán đất với giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Sau đó, Sokha tiếp tục vay thêm một khoản khác để trả hết nợ vay lần đầu. Giá sắn tiếp tục giảm và các khoản nợ của Sokha thêm chồng chất. Giờ đây, ước tính, khoản nợ của Sokha đã lên con số hơn 11.000 USD. Vì tuyệt vọng, anh buộc phải cho con nghỉ học để giúp việc gia đình. 

Sokha đã chia sẻ câu chuyện của mình với các nhân viên của các Tổ chức thúc đẩy và bảo đảm nhân quyền Campuchia (LICADHO) và Sahmakum Teang Tnaut (STT). Hai tổ chức phi Chính phủ (NGO) đã phỏng vấn hơn 60 người vay “tín dụng vi mô” từ 4 tỉnh ở Campuchia, trong đó có Sokha. Một số người được phỏng vấn nói rằng, họ buộc phải bán tài sản trước đó dùng thế chấp để trả nợ. Thậm chí, nhiều người báo cáo rằng, thường xuyên đói hoặc ăn thực phẩm chất lượng thấp để tiết kiệm tiền trả nợ. Trong 13 hộ gia đình, trẻ em bị buộc phải làm việc để kiếm tiền hỗ trợ cha mẹ trả nợ. 

Hơn 1,9 triệu người đã tìm đến “tín dụng vi mô” 

“Tín dụng vi mô” (Microloan) là giải pháp để giúp hỗ trợ những người dân nghèo, khó tiếp cận với các khoản vay ở khu vực Đông Nam Á này. Theo Hiệp hội Tài chính vi mô Campuchia, hơn 1,9 triệu người Campuchia đã tìm đến “tín dụng vi mô” vào tháng 3 năm nay. Tổng khoản vay có thể lên tới hơn 5,5 tỷ USD, chiếm hơn 1/5 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Campuchia. Một số chuyên gia nói rằng, khoản vay thậm chí có thể đạt gần 8 tỷ USD. Ở một số quốc gia khác trên thế giới, “tín dụng vi mô” cũng khá phổ biến.

Có những lý do lịch sử của vấn đề này. Trong thời gian dài, lĩnh vực ngân hàng ở Campuchia không phát triển mạnh. Tín dụng vi mô được xem là một cách tốt giúp các gia đình nghèo vay tiền để có thể mở doanh nghiệp riêng, tự mình thoát nghèo. “Đỉnh điểm” của tín dụng vi mô là vào năm 2006 khi Muhammad Yunus, người Bangladesh và mô hình ngân hàng tài chính vi mô Grameen của ông đã giành giải thưởng Nobel Hòa bình. Nhưng sau 4 năm, nhiều người vay vốn đã tự sát ở bang Andhra Pradesh, Ấn Độ vì không thể trả các khoản nợ đang tăng lên từng ngày. 

Tín dụng vi mô hiện là vấn đề nhận nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận. Theo điều tra của LICADHO và STT, nhiều người trong số những người bị ảnh hưởng bởi tín dụng vi mô cho biết bị áp lực phải bán đất - tài sản chính kiếm sống để trả nợ. 

(* Tên nhân vật đã được thay đổi)