Người dân bất an vì đê sông Hồng lún, nứt do thi công dự án nhà máy nước mặt sông Hồng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đoạn đê sông Hồng qua địa bàn xã Liên Hà, huyện Đan Phượng, đê cấp quốc gia - bị nứt kéo dài đến 30m khiến người dân trong vùng cảm thấy bất an khi mùa mưa lũ đã cận kề.

Ép cọc cừ trạm bơm của nhà máy nước sông Hồng làm lún, nứt đê

Từ cuối tháng 4/2021, đê sông Hồng, đoạn qua địa bàn xã Liên Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội bắt đầu có hiện tượng nứt và càng ngày càng nghiêm trọng hơn. Đến những ngày đầu tháng 5, vết nứt kéo dài đến 30m, sụt lún chênh lệnh đến 10-15cm.

Khu vực xuất hiện vết nứt này nằm sát với công trình của Nhà máy nước mặt sông Hồng đang thi công. Ngoài ra, một số hộ dân ở cận kề khu vực thi công của Nhà máy nước mặt sông Hồng cũng bị rạn nứt.

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện Đan Phượng, đoạn đê Hữu Hồng (K46+160) xảy ra sự cố nứt dọc mặt đê và mặt hành lang thượng lưu, kích thước vết nứt dài 25,8m, khe nứt rộng 0,5-4cm. Chiều sâu vết nứt đo thủ công khoảng 30cm.

Đê sông Hồng qua xã Liên Hà, Đan Phương bị lún, nứt dài 30m do thi công Nhà máy nước mặt sông Hồng

Đê sông Hồng qua xã Liên Hà, Đan Phương bị lún, nứt dài 30m do thi công Nhà máy nước mặt sông Hồng

Nguyên nhân được xác định do Công ty CP Nước mặt sông Hồng - chủ đầu tư dự án Nhà máy nước mặt sông Hồng đang triển khai thi công hạng mục ép cọc cừ móng trạm bơm nước thô gây ra. Nếu không có biện pháp khắc phục kịp thời, có nguy cơ gây sạt trượt toàn bộ mái cơ đê phía thượng lưu, ảnh hưởng đến an toàn đê điều dân sinh trong khu vực.

Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện Đan Phượng đã phối hợp với Hạt quản lý đê Đan Phượng, UBND xã Liên Hà cắm biển cảnh báo hạn chế xe cơ giới lưu thông qua khu vực; Lập biên bản kiểm tra hiện trường, đánh giá sự cố, yêu cầu Công ty CP nước mặt sông Hồng dừng thi công trong phạm vi sự cố, đảm bảo an toàn đê điều, chỉ được phép triển khai thi công tiếp khi khắc phục xong và được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền.

Người dân bất an vì đê sông Hồng lún, nứt do thi công dự án nhà máy nước mặt sông Hồng ảnh 2 Người dân bất an vì đê sông Hồng lún, nứt do thi công dự án nhà máy nước mặt sông Hồng ảnh 3

Vết lún, nứt kéo dài và rộng khiến người dân trong địa bàn lo ngại khi mùa mưa bão cận kề

Ghi nhận của phóng viên vào ngày 10/5 cho thấy, khu vực đê bị gãy nứt đã được vá víu tạm, ở phía mái đê, Công ty CP nước mặt sông Hồng vẫn đang thi công khắc phục sự cố.

Đáng nói, khi phóng viên đang ghi nhận sự cố thì đã có 2-3 người tự xưng là bảo vệ công trường dự án Nhà máy nước mặt sông Hồng ra cản trở việc tác nghiệp, xua đuổi phóng viên không cho ghi hình, chụp ảnh khu vực đê sông Hồng bị lún, nứt.

Một số hộ dân ở trong khu vực thi công Nhà máy nước mặt sông Hồng cũng bị nứt

Một số hộ dân ở trong khu vực thi công Nhà máy nước mặt sông Hồng cũng bị nứt

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Viết Đạt, Trưởng Phòng Kinh tế huyện Đan Phượng, Phó Trưởng ban thường trực văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện Đan Phượng cho biết, huyện ghi nhận sự cố vào ngày 29/4 sau đó đã báo cáo nhanh về Sở NN&PTNT Hà Nội.

“Qua theo dõi, đến ngày 4/5, vết nứt ngày một nghiêm trọng hơn, kéo dài ra và độ sụt lún mạnh hơn. Các bên cũng đã xác định nguyên nhân là do Nhà máy nước mặt Sông Hồng thi công dự án sát đê. Ngay sau đó, dự án đã phải tạm dừng”- ông Đạt cho hay.

Nhà máy nước mặt sông Hồng đã bị chậm tiến độ so với kế hoạch

Nhà máy nước mặt sông Hồng đã bị chậm tiến độ so với kế hoạch

Nhà dân, đê lún nứt ai chịu trách nhiệm?

Trong bối cảnh mùa mưa lũ đã cận kề, việc thi công của Nhà máy nước mặt sông Hồng gây lún, nứt đê sông Hồng- cấp đê quốc gia đã khiến người dân trong khu vực lo lắng.

Bà Nguyễn Thị Tâm ở Liên Hà, Đan Phượng cho hay: “Không biết họ thi công kiểu gì mà nứt toác cả đê sông Hồng, một số nhà dân ở gần cũng nứt. Mấy hôm trước họ đã tổ chức vá víu tạm nhưng chúng tôi sống sát đê vẫn lo lắm. Nhỡ may có sự cố, gây vỡ đê gây hậu quả nghiêm trọng thì ai chịu trách nhiệm? Sao lại cho thi công dự án nhà máy ngay sát chân đê?”.

Nhà máy nước mặt sông Hồng được đầu tư với số vốn 3.692 tỷ đồng với công suất thiết kế giai đoạn I (2020) là 300.000 m3/ngđ; Giai đoạn II (2030) là 450.000 m3/ngđ đảm bảo cung cấp nước cho khu vực phía Nam sông Hồng.

Theo tiến độ dự án Nhà máy nước mặt sông Hồng thực hiện cấp nước cho người dân Đan Phượng và vùng lân cận từ năm 2018.

Đáng nói, tại khu vực xảy ra lún, nứt cũng mới được Bộ NN&PTNT giao cho Ban QLDA Thủy lợi 1 hoàn thiện dự án “Nâng cấp đê, kè hữu sông Hồng từ K26+580 đến K32+000 và từ K40+350 đến K47+980”. Dự án có tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng từ vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017-2020.

Thời gian thực hiện dự án trên trong giai đoạn 2017 - 2021 nhằm nâng cấp đê hữu Hồng đoạn từ K40+350 đến K47+980 đảm bảo an toàn đê điều, phòng chống lụt bão; bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, chống lấn chiếm hành lang đê; tạo cảnh quan môi trường; kết nối giao thông trên đê hữu Hồng với mạng lưới giao thông theo quy hoạch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ông Nguyễn Văn Thuật, Phó giám đốc Ban QLDA Thủy lợi 1 cho biết, dự án nâng cấp đê, kè hữu Hồng qua huyện Đan Phượng được Ban triển khai từ năm 2019, hoàn thiện vào tháng 5/2020. Đến nay, dự án vẫn còn trong hạn bảo hành.

“Kể từ khi xảy ra sự cố đến nay, Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ NN&PTNT đã có nhiều cuộc họp với Sở NN&PTNT, Chi cục PCTT và TKCN Hà Nội, UBND huyện Đan Phượng và Công ty CP nước mặt sông Hồng để đưa ra giải pháp khắc phục. Tất cả các cuộc họp đều xác định, nguyên nhân là do việc thi công của Nhà máy nước mặt sông Hồng gây ra”- ông Thuật cho hay.

Cũng theo ông Thuật, tại biên bản cuộc họp ngày 10/5 do Tổng cục Phòng chống thiên tai chủ trì đã ghi rõ: “Công ty CP nước mặt sông Hồng khi phát ngôn về sự cố lún nứt đê sông Hồng phải nói rõ là do việc thi công Nhà máy nước mặt sông Hồng gây ra”- ông Thuật thông tin, đồng thời lý giải, có sự việc này là do trước đó, phát ngôn trên phương tiện thông tin đại chúng, đại diện Công ty nước mặt sông Hồng nói sự cố lún, nứt đê sông Hồng là do xe quá tải.

Theo huyện Đan Phượng và Ban QLDA Thủy lợi 1, hiện nay đã chuẩn bị vào mùa mưa lũ, các bên đồng ý cho Công ty nước mặt sông Hồng xử lý tạm thời sự cố, đồng thời phải chuẩn bị nhân lực, vật lực khi có sự cố xảy ra.