Người đàn bà trung niên ép nam thiếu niên quan hệ tình dục phải chịu trách nhiệm hình sự

ANTD.VN - Em Trần Quốc H. (15 tuổi) mồ côi cha mẹ từ nhỏ, sống cùng bố nuôi là ông Nguyễn Thế K. Gần đây ông K. phát hiện em H. có nhiều hành động lén lút. Trong một lần H. bỏ đi khỏi nhà 1 ngày, ông K. đi tìm thì thấy H. đang lưu trú tại một nhà nghỉ. Qua nói chuyện với H., ông K. được biết H. do buồn chán đã bỏ nhà đi lang thang. Trong thời gian này H. gặp bà Nguyễn Ánh T. (50 tuổi) là hàng xóm của gia đình H. H. được bà T. cho tiền và chở đi mua sắm quần áo. Sau đó bà T. đã chở H. về nhà nghỉ và ép H. quan hệ tình dục với mình. Sau khi phát hiện vụ việc, ông K. đã làm đơn tố cáo bà T. tới cơ quan công an. Vấn đề đặt ra là trong vụ việc này bà Nguyễn Ánh T. phạm tội gì?

Người đàn bà trung niên ép nam thiếu niên quan hệ tình dục phải chịu trách nhiệm hình sự ảnh 1Ảnh minh họa

Ý kiến bạn đọc

Phạm tội hiếp dâm

Bà Nguyễn Ánh T. đã phạm tội hiếp dâm trẻ em theo Điều 111 và Điều 112, Bộ luật Hình sự. Theo quy định của pháp luật, ngoài việc sử dụng vũ lực nếu chủ thể trong trường hợp này “ép” nạn nhân bằng cách dùng “thủ đoạn khác” để giao cấu với nạn nhân trái ý muốn của họ thì bị coi là tội phạm và chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Trong vụ việc này, bà Nguyễn Ánh T. đã dùng thủ đoạn cho tiền và chở em H. đi mua sắm quần áo rồi sau đó có quan hệ tình dục trái với ý muốn của em H. Do đó, bà T. đã phạm tội hiếp dâm trẻ em.

Nguyễn Thái Sơn (Lê Chân - Hải Phòng)

Phạm tội cưỡng dâm

Bà Nguyễn Ánh T. phạm tội cưỡng dâm trẻ em theo Điều 113 và Điều 114, Bộ luật Hình sự. Theo quy định của pháp luật về tội cưỡng dâm thì hành vi được cho là cưỡng dâm khi “người nào dùng mọi thủ đoạn khiến người lệ thuộc vào mình hoặc người đang trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu”. Trong vụ việc này, khi Trần Quốc H. bỏ nhà ra đi đã được bà T. cho tiền và mua quần áo. Như vậy có thể coi H. đã lệ thuộc vào bà T. Sau đó thông qua thủ đoạn này bà T. đã dụ dỗ H. quan hệ tình dục với mình. Điều này khiến cho H. đang ở trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu với bà T. Như vậy, bà T. đã phạm tội cưỡng dâm đối với H. và cần phải xử lý nghiêm theo pháp luật.

Nguyễn Quốc An (Đồng Đăng - Lạng Sơn)

Bình luận của luật sư

Từ trước đến nay, nhiều người có thói quen nghĩ rằng những tội xâm phạm nhân phẩm con người như hiếp dâm, cưỡng dâm, dâm ô… thì người bị hại phải là nữ giới, chủ thể phạm tội phải là nam giới.

Tuy nhiên, đó chỉ là cách nhìn nhận chịu ảnh hưởng của văn hóa Á đông, và dựa vào đặc tính sinh học của người nam giới là có sức khỏe, thường là phía chủ động trong vấn đề tình dục… Trong khi đó, ở nhiều nước phương Tây, việc Tòa án đem ra xét xử các bị cáo là nữ giới về loại tội danh vừa nêu là điều bình thường (đặc biệt có rất nhiều vụ án liên quan đến việc cô giáo quan hệ tình dục với học sinh nam đã được đưa ra xét xử ở nhiều quốc gia).

Theo Bộ luật Hình sự, tại Chương XII, quy định: “Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người” thì không có quy định về loại tội phạm nào phân biệt chủ thể phạm tội phải là nam giới, bị hại phải là nữ giới. Như vậy, bất cứ người nào có hành vi được miêu tả theo quy định đã được viện dẫn ở trên, có đầy đủ các dấu hiệu khác về mặt chủ quan, khách quan, chủ thể, khách thể tội phạm thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Pháp luật không phân biệt chủ thể của tội này là nam hay nữ nên cần hiểu chủ thể của tội hiếp dâm có thể là nam hoặc nữ.

Trở lại với nội dung vụ việc, đối với ý kiến cho rằng hành vi của bà Nguyễn Ánh T. đối với em Trần Quốc H. là phạm tội hiếp dâm trẻ em theo Điều 111 và Điều 112, Bộ luật Hình sự. Pháp luật quy định về tội hiếp dâm như sau: chỉ cần người đó có hành vi “dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu với nạn nhân trái với ý muốn của họ”, thì bị coi là tội phạm và phải chịu trách nhiệm hình sự. Về mặt lý luận định tội danh, khả năng để phụ nữ trở thành chủ thể của tội hiếp dâm có thể được đặt ra trong 2 trường hợp. 

- Thứ nhất, phụ nữ dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nam giới để thực hiện hành vi giao cấu trái ý muốn của họ nhưng đây là điều khó có thể xảy ra. Trong thực tiễn đấu tranh phòng chống loại tội phạm này, hiện nay hành vi dùng “thủ đoạn khác” để giao cấu với nạn nhân trái với ý muốn của họ có thể là hành vi được thực hiện bởi nữ giới. Ví dụ: cho uống thuốc kích dục… Do đó, không thể loại trừ khả năng này trên thực tế, và hành vi người nữ giới dùng “thủ đoạn khác” giao cấu với nạn nhân trái với ý muốn của nạn nhân thì có thể coi là tội phạm và phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định. 

- Thứ hai, phụ nữ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm trong trường hợp đồng phạm. Trên thực tiễn xét xử thời gian qua, chủ thể tội hiếp dâm chỉ là nam giới, cụ thể nam giới mới là người thực hành trong tội hiếp dâm còn phụ nữ chỉ tham gia với vai trò là đồng phạm bởi đối với hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân thường là nam giới, phụ nữ khó có khả năng thực hiện các hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực vì xét về sức mạnh cũng như cấu tạo cơ thể không bằng nam giới.

Hơn nữa, việc nữ giới cưỡng ép nam giới giao cấu trái ý muốn của họ khó xảy ra hơn so với nam giới bởi để thực hiện được những hành vi này, trong một số trường hợp phải dùng sức mạnh cơ học, mà nữ giới thường sẽ hạn chế hơn nam giới. Ngoài ra, về góc độ sinh học thì nam giới không thể giao cấu khi mà họ không chủ động. Và khi nam giới không chủ động thì nữ giới không thể tự thực hiện hành vi này được, giống như hành vi của nam giới đối với nữ giới. Và đến nay, nam giới bị truy tố, xét xử về tội hiếp dâm là chính yếu và rất ít vụ án nào mà phụ nữ là người thực hiện hành vi hiếp dâm hay bị xét xử về tội hiếp dâm. 

Về ý kiến cho rằng bà Nguyễn Ánh T. phạm tội cưỡng dâm. Người bị hại trong vụ án cưỡng dâm cũng có thể là nam giới, nhưng chủ yếu là nữ giới. Tuy nhiên, dù là nam hay nữ, thì họ phải là người lệ thuộc vào người phạm tội, nếu không phải là người bị lệ thuộc thì cũng phải là người đang ở trong tình trạng quẫn bách.

Người bị lệ thuộc vào người phạm tội cũng giống như sự lệ thuộc trong các tội hành hạ người khác, tội bức tử bao gồm sự lệ thuộc về tinh thần cũng như lệ thuộc về mặt vật chất bắt nguồn từ nhiều quan hệ khác nhau như: cha với con, thầy với trò, thầy thuốc với bệnh nhân, cha cố với con chiên... Người ở trong tình trạng quẫn bách là người tuy không có mối quan hệ lệ thuộc với người phạm tội, nhưng do nhiều nguyên nhân họ rơi vào trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu với người phạm tội, người rơi vào trong tình trạng này không còn sáng suốt lựa chọn một xử sự bình thường như những người khác hoặc trong lúc bình thường khác.

Dù là người bị lệ thuộc vào người phạm tội hay người ở trong tình trạng quẫn bách thì việc họ giao cấu với người phạm tội là do miễn cưỡng. Sự miễn cưỡng của người bị hại là ý thức chủ quan của họ, nên trong nhiều trường hợp việc xác định nó không phải bao giờ cũng dễ dàng. Vì vậy, để xác định người bị hại có miễn cưỡng giao cấu với người phạm tội hay không cần phải căn cứ vào các tình tiết khách quan của vụ án mà đặc biệt là mối quan hệ lệ thuộc giữa người bị hại với người phạm tội, hoàn cảnh lúc xảy ra việc giao cấu. Trong vụ việc này quan hệ giữa em H. và bà T. không phải là quan hệ lệ thuộc và khi gặp bà T., em H. cũng không ở trong tình trạng quẫn bách. Do đó, bà T. không phạm tội cưỡng dâm.

Căn cứ vào nội dung vụ việc, theo chúng tôi có cơ sở để khẳng định bà T. đã phạm tội giao cấu với trẻ em. Theo quy định của pháp luật, giao cấu với trẻ em là hành vi của một người đã thành niên giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi không trái với ý muốn của nạn nhân.

Người bị hại trong vụ án giao cấu với người dưới 16 tuổi có thể là nam giới nhưng chủ yếu là nữ giới. Như vậy, chủ thể của tội phạm này có thể là nữ giới, nhưng đa số là nam giới. Có thể thấy, đối chiếu với quy định trên thì bất cứ đàn ông hay đàn bà đã là người thành niên (đủ 18 tuổi trở lên) mà lại giao cấu với trẻ em khác giới ở tuổi từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi đều phạm tội.

Điều luật này muốn bảo vệ đối tượng bị hại đang ở độ tuổi từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi để không bị xâm hại về tình dục. Mặt khác, luật cũng không phân biệt đó là “trẻ em gái” hay “trẻ em trai” nên có thể hiểu là cứ bị người thành niên khác giới xâm hại về tình dục là được pháp luật bảo vệ. Do chủ thể của tội giao cấu với trẻ em không phân biệt là nam hay nữ và nếu đủ điều kiện quy định của điều luật thì phải chịu trách nhiệm hình sự. 

Luật sư Đoàn Mạnh Hùng (Văn phòng Luật sư Hùng Mạnh)