Hồi sinh từ những tấm lòng:

Người đàn bà liệt trong ngõ cụt

ANTĐ - Hạnh phúc thật giản dị, nhưng hạnh phúc cũng khó với tới biết bao. Bởi thế, có người được vun đầy theo năm tháng, lại có người cả cuộc đời tìm kiếm mãi không ra. Thôn Hạ Vĩ có người đàn bà liệt tận khổ, bất hạnh, nửa cuộc đời không thể tìm được niềm vui.

Chị Quý là trụ cột của gia đình

Niềm vui ngắn ngủi 

Trời tối đen như mực, ngỡ giờ ấy gia đình phải buông bát, đũa bữa tối rồi, ấy thế mà bếp núc nhà chị Quý vẫn nguội tanh, nguội ngắt. Nhà chị giờ đây chỉ còn 4 mẹ con, đứa lớn 18 tuổi bị bệnh nằm liệt một chỗ từ khi mới 2 tuổi. Chồng chị mất cách đây 4 năm. Gia cảnh chị như con ngõ cụt tăm tối của đêm đông không đèn. Nhà chị ở con đường cụt cuối thôn Hạ Vĩ, xã Nhân Chính, Lý Nhân, Hà Nam. Tôi đứng ở cửa nhà chị gọi mãi chỉ thấy tiếng mấy con chó hàng xóm sủa ông ổng. Thế rồi, lát sau cũng có tiếng người thưa yếu ớt trong khu vườn phủ đầy bóng tối. Tôi lắng nghe thật kỹ xem tiếng nói ở góc nào trong ruộng rau vọng ra, nhưng chỉ nghe thấy tiếng gậy khua lịch kịch cùng bước lê chân khó nhọc. Con bé Thảo rọi ánh sáng như con đom đóm đực của cái điện thoại cầm tay cũ kỹ xuống hướng ruộng rau rồi nói, mẹ cháu đấy. Một người đàn bà gầy quắt, chống chiếc nạng gỗ đi về phía tôi rồi cất tiếng chào nhỏ nhẹ. Vừa mời khách vào nhà, chị Quý vừa trả lời câu hỏi của tôi về việc chị vừa làm. Chị Quý bảo, vùi nốt mấy cây rau diếp, để qua đêm ngày mai nó héo chết.  

Chẳng ai muốn cố như vậy, nhưng chị thì phải làm thế bởi giờ đây chị là trụ cột của 3 con nhỏ. Chị bị liệt chân đã là khốn khổ, lại vừa làm cha, vừa làm mẹ nuôi dạy những đứa con còi cọc. Gia cảnh như thế nên sớm hôm, tần tảo cũng chẳng thể tránh được cơ cực. Bé Thảo năm nay đã 12 tuổi, người bé tý tẹo như lên 6 tuổi. Ấy thế mà nó đã làm được rất nhiều việc giúp mẹ. Thằng cu Tú 9 tuổi, cũng gày còm, nhưng ngoài nấu cơm còn biết bón cháo cho chị cả Nguyễn Thị Hường. Tú và Thảo thường xuyên phải thay nhau giúp mẹ chăm chị từ việc ăn uống, vệ sinh... Hường là con lớn của chị Quý, năm nay đã bước sang năm thứ 18 nó ở trong bóng tối của căn buồng chật chội. Sở dĩ bị như thế là vì năm lên 2 tuổi, bé Hường bị bệnh não không có thuốc chữa trị. Cứ thế, người mẹ nghèo thương con trong nỗi cực nhọc. Cuộc sống của chị Quý trở nên bất hạnh hơn kể từ khi hai vợ chồng làm xong ngôi nhà ngói 3 gian được một thời gian. Niềm vui ngắn chẳng tày gang, vay mượn để cất ngôi nhà che mưa nắng cho con đỡ khổ, chứ ai ngờ nó lại là nguyên nhân gây ra bất hạnh. Sau khi xây cất xong xuôi, chị Quý để chồng con ở nhà vào miền Nam làm thuê. Mong tích cóp được một khoản tiền về trả nợ công sá, ai dè lại có đêm định mệnh đen tối đó. Trong một đêm ngủ trên vuông gác xép nhỏ không lan can, chị bước hụt và rơi xuống sàn tầng 1. Từ đó chị vĩnh viễn bị liệt đôi chân do chùn cột sống. Từ bệnh viện về nhà được vài ngày, thì người chồng chị cũng đổ bệnh và mãi mãi ra đi khi mới ngoài 30 tuổi...

Sớm hôm con dắt mẹ đi chợ Chủ

Chị Quý phải nhờ người chở mỗi lần đi chợ

Chắc bạn đọc của Báo An ninh Thủ đô vẫn còn nhớ đến người đàn bà khốn khổ cùng 3 đứa con nhỏ của thôn Hạ Vĩ mà mình đã gửi tiền để giúp vượt qua cơn bĩ cực cách đây 3 năm. Hồi đó, Nguyễn Thành Khoa - chồng chị ngã bệnh mất, chị còn không có nổi tiền để mua một bộ áo quan. Cuộc đời cơ cực đó may sao được một bạn đọc thương cảm viết thư gửi tới tòa soạn. Báo An ninh Thủ đô sau đó đã tiến hành một “chiến dịch” kêu gọi sự giúp đỡ của bạn đọc. Số tiền 50 triệu đồng của bạn đọc gửi tới gia đình chị tuy không lớn, nhưng nó thực sự là một sợi dây kéo cả cái gia đình khốn khổ này khỏi đáy vực của sự cơ hàn. Ngồi với chúng tôi nhớ lại chuyện cũ, chị Quý ứa nước mắt: “Đời em tàn phế thế này coi như bỏ rồi, nhưng nếu không có sự giúp đỡ ấy, em cũng không biết lúc đó, cuộc đời các cháu sẽ đi về đâu”.

Giờ cuộc sống chị Quý có bớt kham khổ hơn so với cách đây 3 năm. Gọi là bớt cơ cực thôi chứ “tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”. Nhất lại là gia đình toàn người bệnh tật. Thế nhưng, trong lúc đại họa ập tới, trong nhà chẳng có gì đáng giá vài trăm nghìn thì vài chục triệu đồng do bạn đọc gửi ủng hộ cũng là tài sản lớn và quý giá biết nhường nào đối với gia đình chị. Người mẹ khổ thì chịu đựng được, nhưng mấy đứa con trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn đã phải làm lụng việc của người trưởng thành thay cha giúp mẹ. Sớm nào cũng vậy, dù mưa hay nắng, dù đông giá hay ấm áp, bé Thảo cũng phải dậy từ sớm tinh sương sắp rau vào sọt đèo ra chợ Chủ cho mẹ bán. Chợ Chủ cách nhà chừng cây số, nhưng với thân thể như thế sao mà chị lết ra được. Con bé Thảo ngồi yên xe đạp còn chới với, vậy mà cứ sớm tinh mơ đã chở rau ra chợ cho mẹ, rồi quay về chở mẹ ra bán mới về nhà sắp đồ đi học. Công việc của bé Thảo giờ lặp lại theo thời gian như đã định. Tan học lại quay về đón mẹ. Còn cu Tú bé hơn nên làm việc nhẹ, chăm sóc chị cả mỗi khi đi học về.  

Cái vòng mưu sinh của mẹ con chị Quý chẳng rộng hơn được con đường mòn từ nhà đến chợ Chủ. Có cố gắng đến mấy đôi chân liệt cũng chỉ quẩn quanh chống gậy lê lết bòn 2 sào vườn kiếm cái bỏ miệng cho bản thân mình và 3 đứa con còn lại. Mùa nào thức ấy, nhưng chủ yếu mấy loại rau sống, rau thơm mà thôi, chị bảo, loài cây đó dễ trồng mà bớt vất vả. Tôi hỏi: “Thu nhập từ 2 sào vườn ấy được bao nhiêu tiền?”. Chị Quý bấm đốt ngón tay: “Một năm được độ 2 tạ thóc, quy ra tiền khoảng 1 triệu đồng. Gặt lúa xong thì trồng rau, hành, việc này các cháu mới làm được”. Tôi nhẩm nhanh một phép tính: 1 triệu đồng chia cho 4 người, tính ra gia đình này thu nhập chỉ có 300 nghìn đồng/người/năm, tức là mỗi người được khoảng hơn 20 nghìn đồng/tháng và đấy là mới chỉ dám nghĩ tới khi mưa thuận gió hòa. 

Thằng cu Tú từ sân chạy vào nói với mẹ, cho con mượn ngọn nến để soi bón cháo cho chị Hường ăn. Miệng vừa nói, tay nó đã cầm ngọn nến - ánh sáng duy nhất để bàn nơi chị tiếp chuyện chúng tôi. Ngoài sân, con bé Thảo khua chổi giữa trời đen như mực, tôi nói như thế sao nhìn được mà quét thì chị bảo ở đây thường bị cắt điện nên việc làm trong bóng tối mấy mẹ con đã trở nên quen. Về thành phố ghé vào quán ăn đêm đèn rực sáng, nghe tiếng hô cạn ly bên phía bàn đầy ắp món sơn hào hải vị, tôi quẩn quanh trong ngẫm nghĩ, rồi tự mình cắt ghép 2 khung cảnh ở hai nơi rồi lại tự nghiệm về sự ngẫu nhiên giữa tên thôn Hạ Vĩ và cuộc đời của người đàn bà đang ở. Một phận đời mãi tìm hạnh phúc mà không ra.

(Còn tiếp)