Người đàn bà “chốn thanh lâu” để đoạn tuyệt với quá khứ lầm lạc

ANTĐ - Mang một tuổi thơ bất hạnh, những năm sau giải phóng chị Trần Thị Minh Nguyệt (SN 1952) đã dấn thân vào “chốn thanh lâu” ở Đà thành để mưu sinh. Cuộc đời lận đận của người đàn bà xứ Quảng này tưởng như không có lối thoát nào khác khi 2 lần chị bị bắt lên Trung tâm Giáo dục Dạy nghề 05-06, TP Đà Nẵng. Thế nhưng, nhờ những sự động viên của cán bộ quản giáo, của bạn bè cùng cảnh ngộ chị đã chấp nhận một cuộc sống đơn thân, kham khổ để đoạn tuyệt với quá khứ tội lỗi. 

Ký ức buồn trong quá khứ

Khách ghé thăm nhà chị Trần Thị Minh Nguyệt lúc mặt trời gần đứng bóng. Căn nhà chị đang ở nào có phải của chị mà là của chị Trần Thị Phúc, một người cũng đã từng có một quá khứ lầm lạc. Sở dĩ như vậy cũng là bần cùng bất đắc dĩ do căn bệnh ung thư vú đã “ngốn” sạch căn nhà cũ của chị Nguyệt trước đây. Không còn chốn nương thân sau khi bán nhà để chữa bệnh, chị Phúc đã cưu mang và cho chị Nguyệt đến ở nhờ. Tình cảm ấm áp đó ở vùng quê Lộc Mỹ, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng này không phải là chuyện quá hiếm. Ở nơi được mệnh danh là “thung lũng của những nữ giang hồ hoàn lương” này, cả người dân bản xứ lẫn những người có quá khứ lầm lạc đều sống rất hòa đồng, họ đối xử với nhau bằng thứ tình cảm chân chất, bao bọc lẫn nhau.

Chị Trần Thị Minh Nguyệt, sau ca phẫu thuật ung thư vú năm 2010 sức khỏe yếu đi hẳn, chị không còn phăm phăm lên núi kiếm củi cả ngày hay đi làm thuê được như trước nữa. Gần đây khi đi khám sức khỏe, bác sĩ còn bảo chị bị phù tim, cần phải nghỉ ngơi, không làm việc nặng. “Không đi làm lấy cái chi mà ăn? Nhưng lúc nào cảm thấy khỏe thì đi thôi chú ạ. Ở đây không có đất, không có ruộng để làm, chỉ biết đi làm củi và làm thuê để sống. Làm thuê cho người ta thì thời gian gò bó, tui chẳng còn sức nữa, chỉ khi nào thấy người khỏe khỏe thì đi làm củi, mệt lúc nào, nghỉ lúc đó… như thế cũng được vài ba chục mua gạo với chút rau”, chị Trần Thị Minh Nguyệt tâm sự.

 Kể về quá khứ mù mịt của mình, chị Nguyệt thoáng chút buồn. Chị cho biết, quê gốc của mình ở Chu Lai, Quảng Nam. Bố mẹ chị lấy nhau khi còn đang chiến tranh ác liệt. Khi chị chào đời được 2 năm thì mẹ qua đời. Bất hạnh hơn, người cha của chị cũng bỏ xứ ra đi không tăm tích. Cô bé tội nghiệp lớn lên với tình thương của bà nội. Hai bà cháu sống những ngày đói khổ ở vùng quê xã Tam Anh, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Năm 13 tuổi, biến cố lớn nhất đời xảy đến. Chị Trần Thị Minh Nguyệt trở thành trẻ mồ côi khi bà nội qua đời. 

Không còn nơi nương tựa, cô bé đáng thương lang lang kiếm sống khắp nơi để mưu sinh.

 Chiến tranh mỗi ngày một ác liệt, thân gái một mình chị nhanh chóng bị đưa đẩy đến con đường lầm lạc. Ở độ tuổi trăng tròn, chị Nguyệt cũng là một cô gái sở hữu sắc đẹp mặn mà. Khổ nỗi gia cảnh bần hàn, lại mồ côi nên chẳng ai dám để ý đến. Có chăng chỉ là những gã sở khanh muốn lợi dụng chị. Lang thang suốt quãng thời gian tuổi đời đẹp nhất, chị nhanh chóng bị sa chân vào con đường buôn phấn bán hương để kiếm tiền mưu sinh. Năm 1975 giải phóng đất nước, chị Nguyệt trở thành một trong những nữ giang hồ kỳ cựu “chốn lầu xanh” ở Đà thành lúc đó. Năm 1982, khi chị đã ở “cái dốc bên kia” của nghề thì chị bị lực lượng chức năng bắt giữ và đưa lên trung tâm xã hội, bây giờ là Trung tâm Giáo dục Dạy nghề 05-06, TP Đà Nẵng.

 Ở trong trung tâm, chị Nguyệt chấp hành khá tốt kỷ luật và được đưa đi làm công nhân. Năm 1984, chị được ra trại. Lúc này cuộc đời chị lại trở về “con số không tròn trĩnh”, không gia đình, không chồng con, không nhà cửa, không một xu dính túi…, và cám dỗ đời thường đã lôi cuốn chị trở lại con đường cũ. Tuy nhiên lúc này chị Nguyệt đã 31 tuổi, nhan sắc phai tàn, ngay các ổ chứa cũng không nhận, chị đành ra “đứng đường” bon chen với đời để kiếm miếng cơm. Chẳng được bao lâu sau, chị lại bị bắt và đưa về trung tâm lần thứ 2 vào năm 1985.

Đoạn tuyệt với quá khứ

Khi vào trại lần thứ hai, chị được một quản giáo tên Minh Đức hết lòng quan tâm, khuyên bảo. Chị vẫn nhớ những lời anh ấy nói “Chẳng có việc gì mà mình không làm được cả, nếu đã quyết tâm làm lại cuộc đời thì sau lần này cứ xin ra trại mà sống. Cực khổ một chút nhưng không phải quay lại con đường cũ nữa…”. Người đàn bà ấy đã suy nghĩ rất nhiều và cuối cùng chị cũng nghĩ thấu rằng: “Một khi đã không còn gì để mất thì con người ta sống rất dễ buông xuôi. Mình đã 2 lần sa ngã, nếu rời khỏi vùng đất này, mình lại không kiềm chế được bản thân mà tiếp tục sa ngã hoặc có thể dính vào các tệ nạn khác khi đã quá tuổi nghề…”.

Chị Trần Thị Minh Nguyệt cho biết, ban đầu khi mới ra trại chị cũng rất mặc cảm, rồi ngay lập tức phải đối mặt với các khó khăn chất chồng khiến chị rất chán nản. Lúc đó bạn bè dưới thành phố gọi chị về dưới đó, không ít lần chị đã mềm lòng định bỏ nơi này mà đi. Thế nhưng nhiều đêm chị trằn trọc: Nhờ ơn những người đã giáo dưỡng mình mà mình từ người xấu trở thành người tốt. Hơn nữa, ở đây có nhiều người cùng cảnh ngộ luôn quan tâm, giúp đỡ mình. Không chỉ vậy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân địa phương như các cán bộ phụ nữ thường xuyên gần gũi, động viên chị và trở thành chỗ dựa tinh thần cho chị trên con đường hòa nhập. Ý nghĩ trở về thành phố, trở lại con đường tội lỗi dần dần mất hẳn. 

Nhiều chị em trong trại cùng cảnh ngộ ở đây trước chị Nguyệt, họ phải dựng lều trên núi để sống lúc mới rời khỏi trại, có người có gia đình, có người không. Nhưng ai cũng vậy, qua thời gian, bằng sức lao động chân chính của mình cộng với việc được địa phương hỗ trợ, họ đã có mảnh đất để dựng nhà và sinh sống. Chị Nguyệt may mắn được sự cưu mang của những người đi trước. Cặm cụi lao động, đến năm 2006, nguyện vọng của chị trên vùng đất mà chị đã được giáo dục, hoàn lương và làm lại cuộc đời đã được đền đáp. Các cấp chính quyền đã quan tâm tạo điều kiện, giúp chị có một căn nhà riêng. Niềm hạnh phúc nho nhỏ ấy khiên người đàn bà đơn thân này chảy nước mắt nghẹn ngào. 

Từ khi ra trại, đã gắn bó mấy chục năm với thôn Lộc Mỹ dù không chồng, không con chịu nhiều khốn khó, thậm chí có lúc tủi nhục nhưng chị không hề cô đơn. Chị Nguyệt nhớ lại năm 2010 khi chị bị ung thư vú. Chị phải điều trị bằng hóa chất, phải mổ, lúc đó nhiều người trong làng, xã không biết cứ nghĩ bệnh đó rất ghê gớm có thể lây lan nên xa lánh chị. Có người còn nói chị bị như vậy là do tuổi trẻ đã làm cái nghề đáng khinh kia.

 Những điều đó làm chị vô cùng tủi thân. Tuy nhiên, nhiều người hiểu biết họ vẫn luôn quan tâm, hỏi han chị. Chỉ những câu hỏi thăm, động viên bình thường hay thi thoảng người ta thấy chị thiếu ăn thì cho mớ rau con cá, điều đó cũng làm chị vô cùng hạnh phúc mà có thêm nghị lực để sống tiếp. Rồi đến giờ thì chẳng còn ai dị nghị nữa, mà họ thương cho hoàn cảnh của chị. Thế nên, mặc dù bản thân chị Nguyệt đang mang trong mình nhiều thứ bệnh, căn nhà riêng của chị cũng đã không còn nữa nhưng chị vẫn luôn bằng lòng với cuộc sống hiện tại.

Tuy nhiên, tận sâu trong đáy lòng của một người phụ nữ trải qua không ít sóng gió của cuộc đời, vẫn có nỗi niềm khó nói. Vì một người phụ nữ dù có cứng cỏi đến thế nào chăng nữa cũng có lúc yếu lòng và mong có một nơi để nương tựa, để tâm sự lúc về già và san sẻ những buồn vui. Ở tuổi xế chiều, sức khỏe yếu dần theo năm tháng, chị càng cảm thấy khát khao có một mái ấm gia đình. Điều đó với người khác sao thật dễ dàng, nhưng với chị thật mong manh và xa xỉ quá. Niềm an ủi lớn nhất để động viên chị vươn lên sống tiếp đó là bản thân mình đã tìm lại đúng hướng đi và sống thật với chính mình.