Người đàn bà 2 lần hỏi vợ cho chồng và trở thành bà mẹ vĩ đại “chưa một lần sinh con”

ANTĐ - Khi biết mình không thể mang lại hạnh phúc và làm tròn bổn phận của một người phụ nữ thì người đàn bà ấy đã quyết định ra đi và tự mình đi tìm hạnh phúc mới cho chồng. Người đàn bà ấy cũng là người đã nâng đỡ mảnh đời bất hạnh để rồi trở thành bà mẹ “chưa một lần sinh con” nhưng có hàng chục người con. Đó là một hành động cao cả của người phụ nữ tên Nguyễn Thị Đỗ (SN 1950) trú tại xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội.

Người đàn bà 2 lần hỏi vợ cho chồng và trở thành bà mẹ vĩ đại “chưa một lần sinh con” ảnh 1Bà Nguyễn Thị Đỗ bên cạnh các con cháu của mình (Ngồi giữa mặc áo dài, bế đứa trẻ)

Người vợ bất hạnh

Đây có lẽ là một người phụ nữ đặc biệt nhất khi hai lần tự đi đi hỏi vợ cho chồng. Không phải chị không yêu chồng, hoặc cuộc sống không hạnh phúc mà chỉ vì chị lo lắng vì chị mà chồng không làm tròn bổn phận với cha mẹ, dòng họ. Hàng chục năm chị trở thành “bà mai bất đắc dĩ” tìm vợ cho chồng. Để tìm hiểu câu chuyện đầy cảm động đó, chúng tôi đã tìm gặp người đàn bà có cái tên Nguyễn Thị Đỗ, người mà người ta thường gọi “người phụ nữ vĩ đại”. Ngồi tiếp chuyện, người phụ nữ gầy gò nhưng đôn hậu ấy chỉ cười khiêm tốn nói: “Chuyện đó đã qua lâu rồi, và cũng chẳng có gì to tát đâu cháu. Tất cả do hoàn cảnh và suy nghĩ của từng người thôi”. Rồi bà kể lại quãng thời gian ngắn ngủi của hạnh phúc gia đình.

Hồi nhỏ, khi học hết cấp 2 do điều kiện khó khăn nên chị đã ở nhà tham gia vào công tác địa phương. Sau đó chị xin đi học lớp sư phạm và trở thành cô giáo mầm non của làng. Ngày ấy do thiếu thốn, lớp học chẳng có chỉ là những lều tạm, hầm trú ẩn để tránh bom đạn cho các cháu. Gian nan là thế nhưng với lòng yêu trẻ chị quyết tâm không bỏ cuộc. Chị cùng những người dân phải lấy từng thanh tre, từng bó lá để xây dựng lớp cho các em nhỏ. Rồi chị nhặt nhạnh những tấm ván để làm bàn học cho các em học sinh.

Đến năm 1970, tình cờ duyên số đã cho cô giáo làng gặp một người lính và nên đôi lứa. Năm đó chi đoàn thôn tổ chức kết nghĩa cùng một đơn vị bộ đội đóng quân gần xã Minh Phú. Trong lúc giao lưu có một anh lính trẻ quê tận miền Trung đã để ý đến cô giáo làng trẻ xinh đẹp, dịu dàng. Cũng do cảm mến sự thật thà chất phác của anh lính Cụ Hồ nên một thời gian sau những cánh thư qua lại, anh chị đã “trao trái tim cho nhau”.

Cũng phải tới tận năm 1972 thì chị mới kết hôn cùng người lính đó. Thế nhưng cuộc đời làm vợ lính vô cùng gian truân, tiếng là cưới nhưng không được sống cùng nhau vì chồng chị phải tham gia vào chiến trường giải phóng miền Nam. Sau khi đất nước thống nhất thì cũng chẳng được gần nhau vì anh phải công tác theo sự phân công của đơn vị ở rất xa. Mãi tới năm 1982 thì vợ chồng chị mới được đoàn tụ sau bao năm thành vợ thành chồng phải xa cách đằng đẵng, tuổi xuân quý giá của cuộc đời cũng đã mất đi một phần. Chị và chồng chọn quê của chị là xã Minh Phú để hai vợ chồng lập nghiệp.

Thiệt thòi là thế, nhưng một bất hạnh khác lại đến với chị. Đoàn tụ với nhau mong có mụn con cho hạnh phúc trọn vẹn nhưng càng chờ càng chẳng thấy đâu. Mãi mấy năm sau thì chị mới có mang trong niềm vui của gia đình, nhưng rồi hạnh phúc lại vuột khỏi tay chị khi đứa bé chưa kịp chào đời. Lần đó bác sĩ thông báo là chị khó có thể sinh con lại. Niềm hạnh phúc của cô giáo làng khi muốn bù đắp cho người chồng bao năm xa cách biền biệt đã vụt tắt.

Dứt bỏ hạnh phúc của mình

Thời gian đầu chị chán nản vô cùng, nhưng sau được chồng và mọi người khuyên nhủ động viên chị đã tìm cách chữa trị nhiều nơi với hy vọng sẽ sinh được mụn con. Chị về tận Thanh Hóa khám chữa bệnh, rồi ra bệnh viện Phụ sản Trung ương để chữa trị. Nhưng thời gian cứ qua đi mà kết quả vẫn không le lói lấy một tia hy vọng nhỏ nhoi.

Là một người vợ, việc không sinh con được cho chồng khiến chị vô cùng day dứt.  Và hơn nữa chồng chị lại là con trai duy nhất, điều đó khiến chị càng thêm áp lực. Sau bao đêm suy nghĩ cuối cùng chị đưa ra một quyết định táo bạo đó là “sẽ lấy vợ khác cho chồng để chồng có thể trọn vẹn hạnh phúc”. Nghĩ là làm vì trong thâm tâm chị tình yêu chị dành cho chồng quá lớn, chị nghĩ: “Là người lính đã phải hy sinh qua nhiều trong chiến tranh rồi. Bây giờ về hạnh phúc đời thường vẫn không được hưởng trọn vẹn khi không thể có một đứa con thì thật là thiệt thòi. Mà mình lại không thể làm tròn bổn phận làm vợ nên phải lấy vợ khác cho anh ấy”. Tuy nhiên để đi đến quyết định đó chị đã phải vô cùng dằn vặt, đau khổ nhiều đêm thao thức.

Lần đầu tiên khi nói ý định đó chồng chị vô cùng ngạc nhiên và nhất quyết không đồng ý. Chị Đỗ kể lại câu nói của chồng: “Nếu anh không yêu em thì đâu có trở về đây, chọn quê vợ để lập nghiệp… Con cái là quý, nhưng chúng ta có thể nhận con nuôi còn việc bảo anh lấy người khác thì không bao giờ”. Thuyết phục chồng chẳng được chị không đành lòng, cuối cùng chị đành cứng rắn với anh: “Nếu anh không chịu lấy người khác thì em cũng nhất quyết ra đi”. 

Thuyết phục được chồng, việc còn lại chị tìm người thay thế cho mình, chị đã chọn cô gái ngay trong thôn để mai mối cho anh. Do cảm phục tấm lòng của chị, và được chị Đỗ thuyết phục bằng tất cả lý lẽ nên người con gái kia đã chấp nhận lấy chồng chị. Thế nhưng trong thời gian đó do thấy chồng chị vẫn còn nặng lòng với chị Đỗ nên người con gái kia cuối cùng cũng không đủ can đảm làm người thay chị gánh vác hạnh phúc. 

Còn chị vẫn không dừng lại việc đi hỏi vợ cho chồng. Đã nhiều lần nhưng lần nào cũng thất bại vì những người phụ nữ biết chuyện của chị mặc dù rất cảm phục tấm lòng của chị nên càng không nỡ chia cắt tình yêu của chị. Sau những lần không thành cuối cùng chị đi đến một quyết định đau khổ nhất đó là ly hôn để anh có thể lấy vợ khác. Chẳng thể ngăn được suy nghĩ của người vợ, chồng chị không còn cách nào khác.

Khi ly hôn xong, chị đã chọn một người phụ nữ cũng ngay trong xóm để hỏi cho chồng. Và cũng chính tay chị tự chuẩn bị lễ cưới. Ngày xong việc hôn lễ cho chồng cũng là ngày chị dứt khoát ra đi khỏi vùng quê đó để chồng có thể toàn tâm toàn ý hạnh phúc với duyên mới…

Trở thành bà mẹ vĩ đại của làng trẻ SOS

Sau khi ra đi chị đã xuống Hà Nội để xin vào làng trẻ SOS Hà Nội khi đó mới được thành lập năm 1990 để nuôi nấng những đứa trẻ bất hạnh trong làng trẻ này. Bằng tất cả tấm lòng nhân hậu và tình thương của một người mẹ chị đã nuôi nấng nên người hàng chục đứa trẻ mồ côi.

Ở đây, tất cả đều có những hoàn cảnh hết sức đáng thương và thiệt thòi ngay từ lúc còn nhỏ. Chị đã một mình tự tay chăm bẵm từng đứa một, chị thương chúng như con của minh đẻ ra. Một mình công việc chăm sóc gần chục đứa trẻ còn nhỏ thực sự là vất vả với một người phụ nữ. Nhưng chị đã cố gắng hết sức để dành hết tình cảm của một người mẹ cho các con. Dưới bàn tay chăm sóc của chị thì đến nay tổng cộng 25 người con trưởng thành. Trong đó 11 người con đã của chị Đỗ đã xây dựng gia đình, 15 người con học hành xin được việc làm ra ngoài sinh sống. Chị cũng đã hạn phúc trở thành bà ngoại, bà nội. Hiện nay trong ngôi nhà “Hoa mộc lan” của chị Đỗ còn lại 10 người con sinh sống với chị. Hạnh phúc của chị hiện nay là mỗi lần con cháu tụ tâp về nhà thăm chị. 

Tâm sự với phóng viên chị Đỗ nói: “Tôi luôn muốn ở cạnh các con, được che chở chăm bẵm cho các con từng miếng ăn giấc ngủ để bù đắp những thiệt thòi mà các con phải ghánh chịu ngay từ lúc còn nhỏ. Và tôi có một ước muốn là sẽ tiếp tục được chăm sóc những mảnh đời bất hạnh của những đứa con sinh ra phải chịu thiệt thòi. Với tôi, có thêm con, thêm cháu là thêm một niềm hạnh phúc  vô bờ.

Năm 2004, tổ chức SOS quốc tế đã cho xuất bản một cuốn sách nhằm tôn vinh những bà mẹ làng trẻ em mồ côi SOS trên khắp thế giới. Chị Nguyễn Thị Đỗ đã vinh dự đại diện cho hàng nghìn bà mẹ vĩ đại ở trên 130 nước tham gia trong hệ thống làng trẻ SOS quốc tế được ghi tên vào cuốn sách. Và chị luôn được mọi người gọi với cái tên “người mẹ vĩ đại chưa một lần sinh con”.