NSND Doãn Hoàng Giang:

Người cười phải cao hơn tiếng cười

ANTĐ - “Chinh chiến” với sân khấu suốt mấy chục năm qua, NSND Doãn Hoàng Giang đã đạo diễn tất thảy các thể loại từ bi kịch, chính kịch đến hài kịch. Bên ly cà phê buổi sáng, vị đạo diễn gạo cội đã trải lòng về tiếng cười trên sân khấu hiện nay.

Cười cũng phải chân chính

Người cười phải cao hơn tiếng cười  ảnh 1
Vở kịch “Bàn tay của Trời” dựa trên kịch bản “Những đứa con oan nghiệt” của
NSND Doãn Hoàng Giang đầy những tiếng cười sâu cay

 - PV: Đạo diễn có để ý một sự kiện sân khấu đang gây được sự chú ý của công chúng không?

- NSND Doãn Hoàng Giang: Chắc là bạn định nhắc đến Liên hoan sân khấu hài toàn quốc chứ gì? Cái đó tôi đang rất quan tâm và chú ý theo dõi. Nhưng theo tôi, tên của liên hoan này chưa thật sự chính xác mà phải gọi là “Liên hoan các tiết mục vui của sân khấu”. 

- PV: Ý của đạo diễn là…

- NSND Doãn Hoàng Giang: Khi gọi là hài thì tiếng cười sẽ khác. Đó là tầm cao hơn của tiếng cười bình thường và được cất lên khi con người đã đi qua một giai đoạn, quay lại nhìn quá khứ và phát hiện ra những điều vô lý. Nhưng điều quan trọng hơn khi gọi là hài thì phải có tác động tới xã hội, tức là anh phải làm sao chế giễu được thằng tham nhũng khiến nó không dám tham nhũng, anh mắng, anh cười thằng quan liêu khiến nó không dám quan liêu. Người cười bao giờ cũng cao hơn tiếng cười. Tôi cười thằng ăn cắp vì tôi không ăn cắp. Trong 10 tiết mục tham dự liên hoan chắc quá lắm được 2 tiết mục xứng đáng gọi là hài kịch, xứng đáng để người ta cười chân chính. 

- PV: Với riêng đạo diễn, tiếng cười được nhìn nhận ra sao?

- NSND Doãn Hoàng Giang: Tiếng cười trong xã hội gần như lớp bọc đường của một viên kẹo đắng. Các góp ý trong đời sống càng ngọt ngào bao nhiêu, càng vui vẻ bao nhiêu thì tác động và sự tiếp nhận càng lớn. Tiếng cười xoa dịu tất cả những khổ ải, bi thương của đời sống. 

- PV: Đạo diễn thử chứng minh “mệnh đề” này xem?

- NSND Doãn Hoàng Giang: Cần gì tìm đâu xa, cứ thử nhìn vào dân tộc ta là thấy ngay tính tích cực của tiếng cười. Tiếng cười theo dân tộc Việt Nam suốt chiều dài lịch sử. Những giai đoạn khó khăn, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm nhưng cười một tiếng để quên đi khó khăn trước mắt, lạc quan tin tưởng vào một ngày mai tốt đẹp hơn. Tiếng cười khi đứng về phe yếu còn dùng để đả kích, châm biếm. Như trong xã hội phong kiến, chúng ta đã từng chứng kiến tiếng cười dùng để chế giễu lý trưởng và bọn tay sai.

Bắt buộc phải động chạm

- PV: Để có được tiếng cười như đạo diễn nói, các nghệ sỹ phải “động chạm” nhiều lắm.

- NSND Doãn Hoàng Giang: Hài kịch phải động chạm giữa ranh giới nguy hiểm mới hay. Nghệ thuật là anh đi trên dây, anh đi vào mấp mé của sự nguy hiểm mà thoát ra được, anh mới thực sự gọi là giỏi. Còn nói xin lỗi, nếu anh không động chạm, anh chỉ là cái bóng mà thôi. 

- PV: Theo đạo diễn, tiếng cười vô vị mà khán giả phải chịu đựng trong thời gian vừa qua đến từ nguyên nhân nào?

- NSND Doãn Hoàng Giang: Tôi có thể khẳng định ngay là lỗi do chính khán giả chứ không phải nghệ sỹ. Khán giả có thích món ăn mà nghệ sỹ bày ra, cười hô hố khi nhìn thấy một thằng què đi lại trên sân khấu thì họ mới làm thế chứ, nếu không cười thì thằng nào dám pha trò. Tiếng cười tầm thường hay không là do chính khán giả định đoạt. Có tẩy chay nó thì nghệ sỹ mới có động lực để nghĩ ra nhiều món ăn ngon và lạ khác chứ. Người ta nói, tiếng khóc thì dân tộc nào cũng giống nhau nhưng tiếng cười thì mỗi dân tộc một kiểu. Người Việt Nam cứ phải có tý tục mới thích. Nhưng khai thác thế nào cho vừa độ mới là điều đáng nói và quan trọng là tiếng cười đóng góp cho xã hội phát triển. 

- PV: Đạo diễn có cho rằng diễn viên hài kịch không cần dạy mà vẫn diễn ngon lành được không?

- NSND Doãn Hoàng Giang: Bi kịch có thể học được nhưng tôi không thể dạy học sinh diễn hài được. Hài là cái bẩm sinh trời cho một số ít diễn viên. Có diễn viên ra sân khấu, chưa nói gì mà khán giả đã cười trong khi đó có diễn viên cứ lên gân lên cốt mà khán giả chẳng hề cười được lấy một tiếng. Nhưng tất nhiên cái duyên ấy cũng cần kết hợp cùng việc học tập, nâng cao trình độ chứ không thì chả được mấy hơi mà cái duyên ấy cũng bị ăn mòn theo thời gian. 

- PV: Thế còn danh hài số 1, số 2 để phân chia đẳng cấp trong diễn hài có nói lên điều gì không, thưa đạo diễn?

- NSND Doãn Hoàng Giang: Danh hài thực ra là đếm trên đầu ngón tay nhưng bây giờ người ta tự nhận danh hài nhiều như rươi, danh hài số 1, danh hài số 2… Điều đó cũng cho thấy sự quan tâm của khán giả với mảng sân khấu hài kịch nhưng lại cho thấy sự “lếu láo” của sân khấu hiện nay khi tự phong, tự dựng nhau lên.

- PV: Nhân nói về danh hiệu, đạo diễn, nghe nói ông từ chối tham gia Hội đồng thẩm định? 

- NSND Doãn Hoàng Giang: Đợt vừa rồi, tôi phải viết một bức thư từ chối tham gia Hội đồng thẩm định Giải thưởng Nhà nước về VHNT và Giải thưởng Hồ Chí Minh. Tôi có thể tiên liệu nó sẽ phức tạp và có cảm giác cơ cấu giải thưởng xét tặng hơi bị “vớ vẩn”. Ở nước ngoài, những giải thưởng danh giá và uy tín toàn cầu như: Nobel, giải thưởng báo chí Pulitzer… làm gì có chuyện các tác giả làm đơn xin trao tặng giải thưởng mà một bộ phận của Nhà nước ấy phải tự đi tìm giá trị đích thực và trao giải cho tác giả. 

- Xin cảm ơn nghệ sỹ!