Người Công an cách mạng với cuộc đời ngắn ngủi nhưng để lại danh thơm muôn thuở

ANTD.VN - Trong số hàng trăm anh hùng, liệt sĩ của Công an Hà Nội, sáng mãi tấm gương đồng chí Trần Bình - một chiến sĩ cách mạng kiên cường, một lòng theo Đảng, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng bảo vệ sự nghiệp cách mạng. 

Đồng chí Trần Bình tên thật là Trần Văn Tích, sinh năm 1928 tại xã Minh Khai, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Do ảnh hưởng từ gia đình và truyền thống quê hương, đồng chí sớm có ý thức cách mạng, tham gia đội “Hành động” thuộc Công an quận 6, Hà Nội từ khi mới 18 tuổi. Cuộc đời hoạt động chỉ vỏn vẹn 2 năm nhưng đồng chí đã để lại tiếng thơm về ý chí quật cường và tiết tháo của một chiến sỹ công an cách mạng. 

Người Công an cách mạng với cuộc đời ngắn ngủi nhưng để lại danh thơm muôn thuở ảnh 1Đội “Hành động” thuộc Công an quận 6, thành phố Hà Nội

Người Công an đầu tiên nhận Huân chương

Tháng 10-1947, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn quyết liệt. Từ Hà Nội, quân Pháp mở hai mũi tấn công đánh lên Sơn Tây và Vân Đình, tạo thế cho bọn tay sai xây dựng ngụy quyền. Trong tình hình đó, Thành ủy, Ủy ban hành chính kháng chiến Hà Nội đã chỉ đạo các lực lượng vũ trang, các ngành, đoàn thể đẩy mạnh hoạt động phá tề ở ngoại thành, diệt những tên tay sai nguy hiểm của địch trong nội thành, không để cho nội bộ địch yên ổn. 

Thực hiện chủ trương đó, đội “Hành động” Công an quận 6 được lệnh của Thành ủy và Ủy ban hành chính kháng chiến  Hà Nội trừ khử tên Trương Đình Tri, Chủ tịch “Hội đồng an dân Bắc Việt” - tên Việt gian, chỉ điểm đã giúp Pháp phá nhiều cơ sở cách mạng và bắt nhiều cán bộ nội thành của ta. Nhờ có sự giúp đỡ của các cơ sở trong nội thành, tổ “Hành động” do đồng chí Trần Bình và Đặng Đình Kỳ đã nắm vững quy luật đi lại và việc tổ chức bảo vệ tên Tri.

15h ngày 10-10-1947, đồng chí Trần Bình được trang bị súng Broning, một lựu đạn nổ, đồng chí Đặng Đình Kỳ mang súng và lựu đạn cháy, đã đón lõng tên Tri ở gần nhà hắn ở số 8 Hàng Mã (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Hai quả lựu đạn đều được các đồng chí mở chốt sẵn, bọc trong báo, nên tên Tri và tên bảo vệ vừa lên xe, hai đồng chí đã từ chỗ phục kích lao đến ném lựu đạn vào ôtô rồi rút ra an toàn. Lái xe và tên bảo vệ chết ngay tại chỗ, tên Tri bị thương nặng sau đó chết tại bệnh viện Quân đội Pháp ở Đồn Thủy (nay là Bệnh Viện Quân y 108). 

Ngày hôm sau, ở miền Nam, tên bù nhìn Nguyễn Văn Sâm trong chính phủ Nam Kỳ tự trị cũng bị Công an Sài Gòn bắn chết. Việc tiêu diệt 2 tên Việt gian đầu sỏ đã phá tan âm mưu “dùng người Việt trị người Việt” của thực dân Pháp lúc đó. Sau chiến công này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 23-SL tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất cho 2 đồng chí Trần Bình và Đặng Đình Kỳ. Đây là 2 Huân chương đầu tiên và cao nhất của lực lượng Công an Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp nói chung và của Công an Hà Nội nói riêng. 

Để trấn an tinh thần bọn tay sai và uy hiếp tinh thần các chiến sĩ công an, Pháp đã treo giải thưởng 10.000 đồng tiền Đông Dương cho những ai bắt được đồng chí Trần Bình và Đặng Đình Kỳ. Tòa án quân sự Pháp cũng đã xử tử hình vắng mặt hai đồng chí.

Người Công an cách mạng với cuộc đời ngắn ngủi nhưng để lại danh thơm muôn thuở ảnh 2Nhà tù Hỏa Lò, nơi thực dân Pháp giam giữ đồng chí Trần Bình

Không nao núng khi sa vào tay giặc

Tháng 12-1947, đội “Hành động” Công an quận 6 được lệnh tiếp tục trừ khử tên mật thám liên bang Buốc-Ních. Hắn là tên thực dân cáo già quỷ quyệt, đã phá nhiều cơ sở của ta trong nội thành. Vì thành công trong vụ Trương Đình Tri, đồng chí Trần Bình tiếp tục được giao nhiệm vụ cùng đồng đội khác là đồng chí Nguyễn Văn Thuận xử tử tên Buốc-Ních. Lựu đạn và súng được giấu trong người, hai đồng chí Trần Bình và Nguyễn Văn Thuận đi xuống phố Pa-vi (nay là phố Hàng Chuối, quận Hai Bà Trưng).

Hai ngày nằm mật phục ở nhà một cơ sở đối diện với nhà riêng của Buốc-Ních không có kết quả, hai đồng chí đã dự đoán kế hoạch đã bị lộ. Báo cáo của 2 đồng chí viết chưa kịp gửi về cấp trên thì lính Pháp đã ập đến trước cửa hiệu Pate nơi hai người đang ẩn nấp. Hai đồng chí bị địch bắt cùng vũ khí và báo cáo chưa kịp hủy.

Tại cơ quan mật thám Pháp, mặc dù kẻ thù dùng mọi cực hình tra tấn dã man, nhưng hai đồng chí kiên quyết không khai báo cơ sở cách mạng và mạng lưới cán bộ hoạt động nội thành. Chính tay tên Buốc-Ních tra tấn 2 chiến sĩ của ta, riêng đồng chí Trần Bình vì là người tiêu diệt tên Trương Đình Tri nên bọn chúng tra tấn rất dã man. Chúng trói giật cánh khuỷu, dòng dây rút đồng chí Trần Bình lên trần nhà, rồi hun lửa đốt từ đầu gối đến bụng. Những vết bỏng mọng nước vỡ ra, rách và đau khiến không thể đi lại được nhưng đồng chí nhất định không chịu khai. Thực dân Pháp đành chuyển hai đồng chí sang nhà tù Hỏa Lò, nhốt vào khu “nguy hiểm”. 

Trong những ngày ở Hòa Lò, đồng chí Trần Bình vẫn thể hiện là một người chiến sĩ yêu đời, lạc quan cách mạng, tiếp tục nhờ đồng chí Nguyễn Văn Thuận dạy văn hóa những lúc được ra ngoài vệ sinh tắm rửa. Nửa năm sau ngày đồng chí bị bắt, ngày 21-6-1948 thực dân Pháp đưa hai đồng chí Trần Bình và Nguyễn Văn Thuận ra tòa án binh. Cả hai đều bị kết án tử hình. 5h sáng 19-5-1949, thực dân Pháp xử bắn đồng chí Trần Bình, đồng chí vẫn bình tĩnh động viên bạn bè tỏ rõ khí phách của người công an cách mạng. Đồng chí nói “Bình chỉ giận mình chết sớm quá, chưa cống hiến được bao nhiêu”. Đồng chí Trần Bình đã anh dũng hi sinh lúc tròn 21 tuổi.

Ngày 3-8-1995, liệt sĩ CAND Trần Bình được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Tấm gương của đồng chí Trần Bình sau này được nhiều đơn vị trong CATP Hà Nội nêu ra trong những chương trình giáo dục truyền thống như một biểu tượng cho sự hy sinh cao cả, thầm lặng của những người chiến sỹ công an nhân dân đã hiến thân mình cho Tổ quốc.

Năm 2002, tên đồng chí cũng được đặt cho con đường nối từ đường Hồ Tùng Mậu qua Bệnh viện 19-8 của Bộ Công an đến khu chợ tạm, thuộc phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy.

Trong thời bình, nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tội phạm của lực lượng Công an Thủ đô cũng chưa bao giờ bớt khó khăn, nguy hiểm hơn. Không ít cán bộ chiến sĩ Công an Hà Nội đã anh dũng hi sinh vì bình yên của thành phố. Nhiều cái tên như liệt sĩ Nguyễn Trường Quân (SN1984, phòng CSGT), liệt sĩ Phạm Tuấn Anh (SN1989, trung đoàn CSCĐ)... đều hi sinh khi còn rất trẻ, nối tiếp truyền thống Vì nhân dân quên mình của cha anh, tiếp tục ghi thêm những câu chuyện đầy cảm động vào lịch sử Công an thành phố.

Tiếp bước cha anh, hàng ngày, hàng giờ, ở mỗi ngả đường, con phố, những chiến sĩ Công an Thủ đô vẫn đang phấn đấu hết mình, mỗi ngày làm thêm thật nhiều việc tốt phục vụ nhân dân, cố gắng học tập và rèn luyện phẩm chất đạo đức, nghiệp vụ sẵn sàng hi sinh vì một Thủ đô bình yên, vì Hà Nội thân yêu.