Người con của tổ Đuống I

ANTĐ - Ấy là cách gọi thân mật của bác Nguyễn Quốc Bình – Tổ trưởng tổ Đuống I, thị trấn Yên Viên, Gia Lâm, Hà Nội, mỗi khi nhắc đến Thiếu tá Phạm Thái Hưng, CSKV phụ trách địa bàn. Từ một khu vực phức tạp về tệ nạn mại dâm, ma túy, tổ Đuống I đã từng bước giải tỏa nguy cơ, giảm dần tệ nạn…

Thiếu tá Phạm Thái Hưng (ngoài cùng bên phải), trao đổi cùng cán bộ cơ sở tổ Đuống I

“Công đó của đồn Công an thị trấn Yên Viên, của những cán bộ trách nhiệm, nhiệt tình như Thiếu tá Phạm Thái Hưng”, bác tổ trưởng tổ Đuống I khẳng định. Trung tá Âu Văn Dần - Phó trưởng Công an thị trấn Yên Viên chia sẻ: “BCH Công an thị trấn có một trong những “phép thử” đối với CBCS, nhất là CSKV, đó là bố trí về những ô, những vùng “nóng” trên địa bàn. Sau thời gian nhất định, kết quả ANTT chuyển biến chính là thước đo năng lực đối với CBCS. Tất nhiên khi về điểm “nóng”, người chiến sỹ, cán bộ ấy không đơn độc. Họ luôn nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của tập thể đơn vị”.

Tổ Đuống I và Thiếu tá Phạm Thái Hưng là một trong những “phép thử” của BCH Công an thị trấn Yên Viên. Nằm ở ngã 5 cầu Đuống, tiếp giáp “phố vẫy” Phan Đăng Lưu, một ngả chạy thẳng lên đê Đuống, thông xuống cầu Phù Đổng, một ngả đón thẳng chiều đường từ cầu Đuống xuống… giao thông thuận lợi, lại không quá xa trung tâm, tổ Đuống I là nơi có nhiều người tỉnh ngoài về thuê trọ. Một bộ phận thanh thiếu niên ở tổ Đuống I, sa ngã trước cám dỗ của những thú chơi vi phạm pháp luật. Đấy là những bối cảnh khi Thiếu tá Phạm Thái Hưng về tiếp nhận địa bàn, và rất nhanh, anh nhận ra 2 vấn đề “nóng” cần tập trung giải quyết: người nghiện và hiện tượng mại dâm trên một phần tuyến phố Phan Đăng Lưu.

“Áp dụng biện pháp hành chính để đưa người nghiện đi cai bắt buộc không phải là điều khó, quan trọng là phải tìm hiểu được nguyên nhân dẫn đến việc người đó sử dụng ma túy, rồi dẫn đến nghiện, và loại trừ dần nguyên nhân ấy. Thiếu tá Hưng tâm sự. Những cuộc họp với cán bộ cơ sở, gặp gỡ với gia đình và chính những người nghiện đã được Thiếu tá Hưng lặng lẽ tiến hành. Toàn bộ người nghiện ở tổ Đuống I, kể cả người thuê trọ, được lập hồ sơ quản lý. Hàng tuần, hàng tháng, người CSKV gặp gỡ, trò chuyện. Trường hợp nào tự nguyện xin đi cai nghiện, được tạo điều kiện giúp đỡ. Những trường hợp cố tình che giấu “bệnh”, hoặc có biểu hiện quậy phá ở địa phương, vi phạm pháp luật, dứt khoát đưa đi cai nghiện bắt buộc. 

Trong câu chuyện với những cán bộ cơ sở tổ Đuống I, điều chúng tôi ấn tượng, là nhận thức về trách nhiệm cụ thể của cá nhân đối với cộng đồng. Những phiên tuần tra đêm, những buổi trực khai báo tạm trú, rồi biết bao lần vận động, giáo dục thanh thiếu niên có biểu hiện hư hỏng, đeo bám đối tượng có hoạt động nghi vấn xuất hiện tại địa bàn… Tổ trưởng tổ bảo vệ Nguyễn Hải Lý tâm sự: “Vất vả chứ, thậm chí cả nguy hiểm. Nhưng chúng tôi có tập thể; có những đồng chí luôn sát cánh, chỉ bảo như Thiếu tá Hưng và Công an thị trấn Yên Viên, thì vất vả mấy cũng vượt qua. Anh thấy đấy, 5 năm trở lại đây, từ địa bàn “nóng” về ma túy, tổ Đuống I đã giảm sạch nhiệt. “Phố vẫy” Phan Đăng Lưu cũng yên từ cuối năm 2012...”. Bài học gần dân, giúp dân và phát huy sức dân của người CSKV Phạm Thái Hưng chính là bí quyết giữ bình yên địa bàn.