Người chị bao dung "nhường" chồng, nhường cả hạnh phúc cho em

ANTĐ - Sau bao nhiêu dằn vặt, mất ăn, mất ngủ, Thanh cố đứng vững để chăm lo cho gia đình, trước mắt lúc này là chăm cho cô em gái sinh đẻ với chính chồng của mình. Mặc cho hàng xóm dị nghị, đàm tiếu, chị Thanh quyết không đuổi "tình địch" - chính là em gái mình ra khỏi nhà.

Những ngày nóng bức của tháng 5, tôi đến công viên bên bờ sông Đà mong tìm lấy chút gió thoáng. Tôi tìm lấy một chỗ ngồi nơi quán vắng. Thấy tôi vào, chủ quản giải khát - một phụ nữ chừng 40 tuổi cười rồi chỉ tay vào quầy ý hỏi xem khách dùng thứ gì. Thấy vậy tôi ngờ ngợ, tay chỉ quả dừa, miệng lên tiếng hỏi giá bao nhiêu một trái? Người chủ quán giơ 3 ngón tay lên. Lúc này tôi biết chị bị câm. Tôi chú ý đến con người này nhưng không thể hỏi chuyện chị. Sau khi rời quán, tôi lân la hỏi mấy người xung quanh thì nhận được thông tin: "Câm mà ghê lắm đấy, cướp chồng của chị gái đấy" khiến tôi ngạc nhiên và muốn tìm hiểu câu chuyện này.

Lửa gần rơm...

Người bán hàng giải khát ấy tên là Trần Thị Sự, sinh 1971 ở xã Cấp Dẫn, huyện Sông Thao, tỉnh Phú Thọ. Tuy bị câm điếc bẩm sinh nhưng có lẽ như người đời hay nói: "Trời không cho ai tất cả và cũng không lấy đi của ai tất cả", nên bù lại, Sự khỏe mạnh, xinh xắn, chịu khó làm ăn. Ngoài 20 tuổi, một người trai làng đã bén duyên và nên vợ thành vợ chồng. Năm sau, đứa con trai của họ ra đời. Trong làng, ngoài xã, ai cũng tấm tắc mừng cho họ. Nhưng buồn thay, chẳng bao lâu thì mâu thuẫn nảy sinh. Người ta cũng chỉ loáng thoáng câu được câu chăng về nguyên nhân từ phía người chồng nói ra, chứ người vợ câm điếc thì ai mà hiểu được những điều sâu thẳm từ trong tâm can chị. Thế rồi, Sự bỏ nhà lên chơi với chị gái là Trần Thị Thanh sinh 1969, lấy chồng ở thành phố Hòa Bình.

Hai chị em gái ra đời cách nhau 2 năm (1969, 1971), từ nhỏ, họ rất thương yêu nhau. Nhất là với đứa em bị tật nguyền thì Thanh lại càng thương yêu em lắm lắm. Có gì Thanh cũng nhường Sự. Đi đâu xa về, bao giờ Thanh cũng có quà cho em. về phần Thanh, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, năm 1993, chị lấy chồng. Chồng Thanh là anh Nguyễn Văn Thảo, sinh 1958, người ở phường Thịnh Lang, TP. Hòa Bình. Là người trai Mường sinh ra và lớn lên ngay trên vùng đất mà Công trình Thủy điện Hòa Bình xây dựng nên năm 1976, Thao đầu quân tham gia thi công công trình. Năm 1981, Thảo nhập ngũ đóng quân tại vùng Sơn Tây và Phú Thọ. Ra quân, chàng thanh niên đẹp trai xuôi ngược Hòa Bình - Phú Thọ tìm kế sinh nhai và đã gặp Trần Thị Thanh ở Lâm Thao rồi họ nên vợ, nên chồng. Năm 1995, họ sinh con trai và nay con trai của họ đã là sinh viên năm thứ 3 của một trường đại học lớn tại Hà Nội.

Ở quê, tình cảm giữa Sự với chồng ngày càng phai nhạt bởi những khúc mắc nảy sinh, sự không thể nói ra được. Không cách gì khác, sự bỏ nhà lên chơi rồi ở trông cháu và giúp đỡ anh chị trên Hòa Bình. Thời gian đầu, Sự lên chơi vài ngày rồi về, sau lên ở dài hơn và có ý ở hẳn.

Ảnh minh họa

Về phần Thanh thì nghĩ, bố mẹ mất, còn cậu em đã có gia đình riêng, ở quê Sự chẳng biết trông chờ vào ai nên cứ để Sự ở với vợ chồng mình cũng được. Hàng ngày, Sự chịu thương, chịu khó công việc gia đình. Sự cùng chị gái ra chợ, lên rừng kiếm củi, lấy măng. Việc gì Sự cũng không nề hà.

Tình cảm gia đình ấy cứ thế nhân lên. Người nhà Thảo thấy cô em gái ở giúp đỡ chị và anh rể cũng là điều bình thường. Vả lại anh chị cưu mang người em câm điếc bẩm sinh cũng là đạo lý. Nhưng như các cụ nhà ta đã nói: "Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén", còn đối với Thảo và Sự chỉ hơn một năm sau (1998), không chỉ "rơm đã bén" mà là lửa đã bùng. Sự có thai và sinh con trai với anh rể.

Cư xử hiếm có của một người chị

Người phụ nữ không thể chửa một vài hôm là đẻ ngay mà phải 9 tháng, 10 ngày. Nhắc điều này để muốn nói đến chị Thanh, vợ anh Thảo. Từ những gần gũi trên mức quan hệ anh rể, em vợ giữa Thảo và Sự, chị Thanh đều đã thấy. Nhưng lòng thương em gái câm điếc lại đã "qua một lần đò" đi đâu, về đâu nếu nay bị chị gái đuổi ra khỏi nhà ngăn chị lại. Sau bao nhiêu dằn vặt, mất ăn, mất ngủ, Thanh cố đứng vững để chăm lo cho gia đình, trước mắt lúc này là chăm cho cô em gái sinh đẻ với chính chồng của mình. Mặc cho hàng xóm dị nghị, đàm tiếu, chị Thanh quyết không đuổi "tình địch" - chính là em gái mình ra khỏi nhà.

Trong căn nhà xây chưa trát mái lợp tôn giữa cái nóng như nung của những ngày hè cuối tháng 5, tôi ngồi nói chuyện với anh Nguyễn Văn Thảo mà quên hẳn mùa hè bởi sự mộc mạc "có sao nói vậy" ở anh. Điều tôi và mọi người quan tâm khi biết câu chuyện này chính là những cư xử của chị Thanh. Anh Thảo kể, Thanh yêu thương em gái vô cùng. Không phải Thanh không đau khổ trước tình cảnh xảy ra. Khi Sự có mang rồi, hai chị em vẫn ngủ với nhau. Trước mặt, Thanh ân cần, không tỏ thái độ ghen tuông với em gái. Không những vậy, trong tình cảm, Thanh nhường nhịn em gái một cách thực lòng trong dằn vặt khổ đau và tìm hướng giải quyết với chồng sao cho êm thấm.

Đó là vào năm 1998, khi đứa trẻ đã cứng cáp, Thanh quyết định đi làm ăn xa để lại nhà cửa và người chồng cho cô em gái tật nguyền. Năm 2000, Sự sinh đứa con thứ 2 là gái với Thảo. Thân gái dặm trường, không vốn liếng, không người thân, nhưng bằng nghị lực phi thường, chị Thanh đã trụ vững, lao động lấy tiền nuôi mình, nuôi con ăn học lên tới đại học.

Tôi xin số điện thoại của chị Thanh qua anh Thảo rồi mạnh dạn điện hỏi thăm. Tâm sự qua điện thoại, Thanh tỏ ra bình tĩnh đến không ngờ. Mà cũng phải thôi, không bình tĩnh thì làm sao Thanh có cư xử với hạnh phúc của mình và gia đình của mình được như vậy. Nay thỉnh thoảng, có việc nhà, Thanh lại về Hòa Bình với chồng, em gái và các con. Họ vẫn cư xử bình tĩnh với nhau. Thanh coi con của em gái cũng là con mình. Thanh nói, có ở trong hoàn cảnh của chị thì mới thấu hiểu cái khó của nó. Nếu em chị không bị câm điếc thì có thể không xảy ra cơ sự. Mà nếu xảy ra rồi thì có thể không để dẫn tới hậu quả. Và xảy ra hậu quả rồi cách cư xử của chị cũng khác. Một khi em chị còn nghe được, nói được thì mới mong phân tích, giải thích, hòa giải hay xung đôt... đằng này, em chị lại bị câm điếc bẩm sinh. Mà người phụ nữ tật nguyền thì càng cần chỗ dựa, càng cần sự giúp đỡ và yêu thương... Đó là lý do mà Trần Thị Thanh giải quyết ổn thỏa việc tình cảm, hạnh phúc và gia đình của chị.

Ảnh minh họa

Từ khi Thanh đi làm ăn xa, thỉnh thoảng Sự lại "bắt" xe về thành phố Hải Dương thăm chị. Không có lời để hỏi thăm, không biết chữ để nhắn tin, đi đâu, Sự nhờ người biết đường vẽ sơ đồ; ghi địa chỉ trên giấy để nhờ người chỉ cho và chỉ một lần là Sự nhớ. Mỗi khi Thanh về Hòa Bình, hai chị em họ lại ngủ với nhau. Và vẫn như xưa, họ thể hiện tình cảm với nhau qua ánh mắt, cử chỉ và hành động chứ nào có tâm sự được điều gì.

Người vợ câm điếc và cuộc sống gia đình hiện nay

Anh Thảo bị gai đốt cột sống, đi lại khó khăn nên việc nặng đều không làm được. Hàng ngày anh chỉ ở nhà lo cơm nước cho Sự và 2 đứa con, lớn học lớp 9, nhỏ học lớp 7. Thu nhập chính của gia đình do người vợ câm điếc đảm nhiệm. Đó chính là cách đây nhiều năm, chị Sự thầu được một điểm bán nước bên sông Đà và trụ tại đó cho đến nay. Hàng ngày, Sự ra mở hàng và buổi trưa thì con cô mang cơm đưa cho. Những ngày mùa hè, Sự bán cả ban đêm đến 11, 12 giờ khuya mới nghỉ.

Nhà cửa chưa xong, vườn tược cỏ mọc, tài sản lớn nhất của họ là khoảng 300 mét vuông đất ở phường Thịnh Lang. Anh Thảo tâm sự, nhờ trời, các vợ và các con khỏe mạnh, chịu khó làm ăn. Anh chỉ mong cho các con được học hành. Sau này, anh chia cho các con mỗi đứa một lô đất. Đứa nào thích ở thì ở, không thích thì bán. Anh chỉ có thế thôi.