Người cha hàng trăm lần ôm con chạy bộ đi cấp cứu

ANTĐ - Đứa con mang trọng bệnh, vợ bỏ đi biệt tích, người cha nghèo  hàng trăm lần giữa đêm một mình ôm con chạy vào bệnh viện cấp cứu. Con đau, người đàn ông rơi nước mắt chỉ biết thầm ước nguyện cho người vợ quay trở về để con có mẹ, được nhìn mẹ lần cuối.

Người cha hàng trăm lần ôm con chạy bộ đi cấp cứu ảnh 1Anh Việt đang chăm sóc con trai tại bệnh viện

Tình cha

Đứa trẻ trong cơn đau mè nheo khóc đòi bố. Người đàn ông râu ria tua tủa, mắt thâm quầng vì nhiều đêm mất ngủ vội vã nựng nịu con. Đứa trẻ mới hơn 4 tuổi nhưng có cái đầu to quá khổ, chân tay gầy guộc khẳng khiu vùng vẫy. Đấy là cảnh thường ngày của hai cha con anh Phạm Quang Việt (SN 1984, trú thôn Thăng Tân, xã Tam Thăng, TP Tam Kỳ, Quảng Nam) cùng đứa con trai Phạm Quang Long ở Bệnh viện phụ sản - nhi Đà Nẵng nhiều năm qua. 

Đêm qua, như cả trăm đêm trước con anh lại lên cơn đau đột ngột nên bất chấp mưa gió, bất chấp đêm khuya, anh chỉ kịp vơ vội ít đồ rồi cứ thế vừa ôm con, vừa chạy bộ hơn 10km vào Bệnh viện nhi Quảng Nam. Sau khi thăm khám, các bác sỹ đã chuyển tuyến cho cháu bé ra Bệnh viện phụ sản - nhi Đà Nẵng. Anh bảo, thời gian con anh ở bệnh viện còn nhiều hơn ở nhà, bởi cháu bé đang phải chống chọi với bệnh não úng thủy từ khi mới sinh ra, sau đó không lâu lại phát hiện thêm căn bệnh Thalassemia. Rồi mới đây, các bác sỹ lại thông báo con trai anh mắc thêm căn bệnh xương hóa đá. Dù chưa hiểu chứng bệnh xương hóa đá là gì, nhưng toàn thân anh đã run rẩy, chực khuỵu xuống vì lo lắng, đau đớn.

Dỗ đứa con trai nằm ngủ yên, anh mới khẽ nhíu đôi mày, nhớ lại quãng thời gian đầy khó khăn của mình trước đây. Cách đây gần chục năm, anh Việt quyết định rời quê hương vào TP.HCM lập nghiệp, hành trang chỉ vỏn vẹn mấy bộ quần áo cũ cùng với mấy trăm nghìn đút túi. Không được học hành tử tế, lại chẳng có nghề nghiệp trong tay để tồn tại ở nơi đất khách quê người nên anh nhận làm tất cả những gì người ta thuê. Hết phụ hồ rồi làm cơ khí. Cơ khí hết việc anh lại nhảy sang làm thợ sơn. Để có tiền đóng tiền nhà và gửi về phụ giúp bố mẹ nuôi các em ở quê. 

Cuộc sống của anh cứ thế trôi qua cho đến khi anh gặp vợ của mình. Thấy có người nói ở xóm trọ kế bên có người đồng hương Tam Kỳ, nên anh cũng đánh liều sang kết bạn. Ngay lần đầu gặp, thấy cô gái dễ thương, lại thật thà nên anh cũng thầm thương trộm nhớ. Cuộc sống của những người con xa quê kéo anh chị lại gần với nhau hơn. Sau hơn 3 năm tìm hiểu, anh đưa chị về ra mắt bố mẹ, xin phép hai bên gia đình được nên duyên vợ chồng. Chưa đầy 1 năm sau, tổ ấm của anh chị đón nhận thêm thành viên mới. Cậu con trai Phạm Quang Long chào đời trong sự hoan hỉ của cả hai bên gia đình. 

Cuộc sống xa quê không có người thân ở bên cạnh, lại lần đầu làm cha mẹ nên anh chị không khỏi bỡ ngỡ, lo lắng khi phát hiện con trai có những biểu hiện bất thường. Suốt hơn 2 tháng từ khi chào đời chưa một lần đứa con trai cất tiếng khóc như những đứa trẻ bình thường khác. Thấy vậy, vợ chồng anh Việt đã đưa con vào Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) thăm khám. Lúc các bác sỹ thông báo con trai anh bị căn bệnh não úng thủy vô phương cứu chữa, tai anh ù đi. Còn vợ anh lúc đó cứ gục đầu vào vai chồng mà òa khóc nức nở vì thương con. 

Từ đấy, chuỗi ngày lấy bệnh viện làm nhà của cha con anh bắt đầu. Sau hơn 1 năm điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2, toàn bộ số tiền anh chị dành dụm tích cóp được bấy lâu đã hết. Không còn tiền mua thuốc, nộp viện phí hai vợ chồng anh chị đành nuốt nước mắt đưa con về quê. Cũng từ đấy, cứ hai ba ngày ở nhà thì cha con anh lại ở bệnh viện cả tuần, tất cả chỉ để chữa trị cho đứa con trai.

Cầu mong vợ quay về để con có mẹ

Họa vô đơn chí, trong lúc con bệnh tật, vợ anh vì quá bất lực, không thể chịu đựng được đã lẳng lặng bỏ đi không một lời giã biệt. Hơn 1 năm qua, ngày ngày anh vẫn âm thầm đi tìm vợ, chỉ để mong đứa con được nhìn mẹ lần cuối. Anh kể, con nằm bệnh viện, hai vợ chồng thay nhau chăm sóc. Rồi một ngày, anh ra thay ca cho vợ về nghỉ ngơi. Vợ anh về rồi bỏ đi mãi. Gần mười ngày trời trông vợ ra nhưng không thấy, anh điện thoại cũng không liên lạc được. Hoảng hốt, anh lục lọi tất cả trong nhà, cố tìm xem vợ có để lại một mảnh giấy, hay một lá thư nào đó hay không. Nhưng tất cả đều trống trơn, ngay cả tấm ảnh cưới là kỷ vật tình yêu của hai người cũng bị chị mang đi. 

Anh Việt thẫn thờ không tin vào chuyện xảy ra: “Tôi không nghĩ rằng có lúc mình lại rơi vào hoàn cảnh như thế này. Ngày ngày tôi vẫn đọc báo, xem phim nên vẫn biết nhiều chuyện tan đàn xẻ nghé, nhưng chẳng ngờ chuyện ấy lại xảy ra với gia đình mình!”. Những ngày đầu tiên khi biết vợ bỏ đi, anh chạy đôn chạy đáo khắp nơi từ nhà mẹ đẻ đến nhà mẹ vợ, rồi tìm đến nhà người quen, những người bạn của vợ, chỉ mong vợ mình tìm tới đó tá túc vài ngày rồi sẽ trở về. Nhưng tìm mãi, hỏi mãi, anh vẫn chỉ nhận được những cái lắc đầu.

Đã hơn một năm trôi qua, ngày ngày anh vẫn ôm con, nựng nịu và dỗ dành mỗi lần con hỏi về mẹ. Anh vẫn mong ngóng, vẫn chờ đợi, vẫn hy vọng vào một phép màu sẽ đưa vợ anh quay về. Ngày này qua tháng khác, anh vẫn đi tìm vợ ở khắp mọi nơi nhưng chưa thấy tung tích gì. Anh dò hỏi ở khắp TP Đà Nẵng, rồi vào Quy Nhơn, tới tận TP.HCM, hy vọng vợ sẽ ở đó nhưng vẫn không thấy đâu. Cứ thế, những ngày con đỡ bệnh, anh lại chạy xe rong ruổi trên đường vì biết đâu sẽ bắt gặp vợ mình. 

Đang nói chuyện, bất chợt anh lại đứng lên, nhướng đôi mắt về phía con đường trước cổng bệnh viện, khi anh vừa thấy bóng một người phụ nữ. Nhưng rồi anh lại thẫn thờ ngồi xuống, vì đó vẫn không phải là vợ anh: “Cả năm trời rồi tôi lặn lội khắp nơi đi tìm vợ mà chẳng biết cô ấy đi đâu. Sao cô ấy phũ phàng như thế!”, anh thổn thức. Hơn một năm qua, anh luôn cầu trời khấn phật biết đâu trong dòng người ngược xuôi đông đúc kia, một lúc nào đó vợ anh sẽ xuất hiện.

Nhìn khuôn mặt khắc khổ thâm quầng gầy guộc của anh, với đôi mắt lúc nào cũng khắc khoải hướng mãi ra phía đường như tìm kiếm, nhìn đôi bàn tay mân mê chiếc điện thoại có tấm hình người vợ và đứa con, nhiều người nghe chuyện không khỏi cảm thông cho tâm sự của người đàn ông ròng rã tìm vợ trong đau đớn này. “Tôi chỉ hy vọng ông trời không phụ công tôi, chỉ cần biết thông tin thôi, tôi sẵn sàng tìm tới. Nếu như cô ấy đang ở đâu, có khó khăn gì hãy nhắn với tôi một tiếng, tôi sẵn sàng bỏ qua tất cả. Cái bệnh của con tôi chẳng biết ra đi lúc nào, chỉ mong cô ấy quay về để con có mẹ, được nhìn mẹ lần cuối!”, anh nghẹn lại trước niềm mong ước quá xa xôi ấy.

Chỉ mong, một lúc nào đó chị Hồ Thị Tình (SN 1985) sẽ đọc được những dòng tâm sự tự đáy lòng này của chồng mình, của đứa con mình, mong chị hãy vì tình mẫu tử, vì đứa con mà quay về, để cháu bé được nhìn thấy mẹ một lần nữa.