Người cao tuổi “bất an”, dễ bị tổn thương trong đại dịch COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Không chỉ lo lắng về nguy cơ bị Covid-19 tấn công, người cao tuổi còn phải đối mặt với nhiều thách thức về mặt tinh thần cũng như nhiều căn bệnh khác ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Chăm sóc người cao tuổi trong khu vực phong toả vì dịch Covid-19

Chăm sóc người cao tuổi trong khu vực phong toả vì dịch Covid-19

Gia tăng số người già cần hỗ trợ sức khoẻ tâm thần

Ông N.T.M. (78 tuổi, Hà Nội) vừa phải nhập viện để điều trị vì dấu hiệu loạn thần. Tiếp nhận ca bệnh này, PGS.TS Tô Thanh Phương – nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I chia sẻ, tình trạng khi vào viện, cụ ông không ngủ được và luôn ám ảnh có trộm vào nhà để lấy đồ...

Theo lời kể của người nhà bệnh nhân M., trong thời gian giãn cách xã hội, cả nhà phải nghỉ việc để tránh dịch, không đi ra ngoài. Điều kiện kinh tế gia đình không khá giả, cả nhà 6 người sống trong căn nhà chật chội. Ngoài tâm lý lo ngại dịch bệnh có thể tấn công, ông N.T.M. luôn thấy căng thẳng và lo lắng cho các con khi công việc làm ăn bị ngưng trệ, ảnh hưởng tới thu nhập… Những mối lo khiến ông mất ngủ thường xuyên.

“Người già thường dễ suy nghĩ với mọi vấn đề nên con cái nên hạn chế kể lể về những khó khăn về cuộc sống, kinh tế… Bên cạnh đó, nên hạn chế việc xem, nghe quá nhiều các thông tin tiêu cực liên quan tới bệnh dịch để tránh lo sợ quá mức” - bác sĩ Phương khuyến cáo.

Cũng theo PGS.TS Tô Thanh Phương, số người cao tuổi có biểu hiện bất an về tinh thần dẫn đến những rối loạn phải vào viện thăm khám gia tăng hơn trong mùa dịch Covid-19.

Nguyên nhân do ở trong nhà quá nhiều, không vận động, ít luyện tập thể thao như trước nên đau mỏi cơ thể, thay đổi giờ giấc ngủ nghỉ, dẫn đến mất ngủ kéo dài. Một số người nhập viện trong tình trạng lo lắng, căng thẳng, sợ tiếp xúc người ngoài….

“COVID-19 có thể nói là cú sốc tâm lý rất lớn với những người cao tuổi. Sự căng thẳng của bệnh dịch, những khó khăn về kinh tế tác động tới tư tưởng của họ một cách mạnh mẽ. Đặc biệt, trong thời gian qua, thông tin về các ca tử vong chủ yếu là người có tuổi và bệnh nền nên các cụ càng lo lắng hơn” - bác sĩ Tô Thanh Phương phân tích.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh giãn cách xã hội, nhiều người vẫn đi làm trong khi con cái nghỉ học nên phải gửi về quê để ông bà trông nom, chăm sóc. Hay nhiều trường hợp đặc biệt hơn, bố mẹ mắc COVID-19 hoặc trở thành F1 phải đi cách ly, ông bà cũng trở thành chỗ dựa cho các cháu trong điều kiện kinh tế khó khăn và nhiều mối lo về nguy cơ lây nhiễm.

“Với nhiều người trẻ, giới hạn chịu đựng có thể tốt hơn nhưng với người cao tuổi thì lại có hạn. Với các gia đình có kinh tế eo hẹp thì gánh nặng này càng đè nặng trên vai các cụ và ảnh hưởng lớn tới sức khỏe tâm thần” - bác sĩ Tô Thanh Phương cho biết thêm.

Khuyến cáo phòng bệnh cho người cao tuổi

Để chăm sóc về mặt tinh thần cho người cao tuổi trong đại dịch, bác sĩ Tô Thanh Phương lưu ý, mối quan hệ trong gia đình đóng vai trò quan trọng. Thay vì ngồi xem ti vi quá nhiều, nên tạo cho người cao tuổi những thú vui nhỏ như chăm cây, nuôi cá cảnh, tích cực tập thể dục tại gia…

Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế), người cao tuổi thường có sự giảm dần về sức mạnh cũng như khả năng chịu đựng của cơ xương, cơ tim. Lối sống tĩnh tại, ít vận động càng làm cho sự suy giảm này diễn ra nhanh hơn và làm tăng nguy cơ bệnh tật.

Do đó, trong bối cảnh dịch COVID-19, nhóm đối tượng này vẫn cần luyện tập thể lực đều đặn làm tăng cường sức khỏe.

Chế độ luyện tập của người cao tuổi nên thực hiện đều đặn từ 3 – 5 ngày một tuần, mỗi lần khoảng 20 – 60 phút. Mức độ luyện tập nên vừa phải vì khả năng gắng sức tối đa ở người cao tuổi thường bị suy giảm.

Hơn nữa, người cao tuổi thường có các bệnh mạch vành, bệnh thoái hóa xương khớp. Người thân nên hướng dẫn cho người cao tuổi cách tự theo dõi và phát hiện các triệu chứng của bệnh mạch vành, cao huyết áp và phải biết ngừng luyện tập ngay nếu thấy các triệu chứng này xuất hiện.