Người Cảnh sát giao thông sống vẹn với chữ "tâm"

ANTD.VN - “Tôi là người chiến sĩ Cảnh sát giao thông (CSGT) nên việc gì có lợi cho người tham gia giao thông, cần phải cố gắng làm bằng được”,  Trung úy Nguyễn Quang Khải, cán bộ Đội CSGT số 15, Phòng CSGT Đường bộ - đường sắt, CATP Hà Nội nói ngắn gọn với chúng tôi như vậy khi nhắc đến những thành tích của bản thân. Tưởng chừng CSGT suốt ngày sống chung với nắng gió, bụi đường sẽ rất khô khan, song khi tiếp xúc, chúng tôi nhận thấy ở người Trung úy CSGT này lại là một tâm hồn  trong trẻo, chứa chan tình yêu thương.

Ngoài công tác thường ngày, Trung úy Phạm Quang Khải còn luôn tận tình hướng dẫn các đồng đội xử lý công việc tốt hơn

Biển báo bình yên

Đội CSGT số 15 là một đơn vị có tuổi đời còn khá trẻ của Phòng CSGT CATP Hà Nội, khi mới được thành lập vài năm. Tuy nhiên, từ chỉ huy đến CBCS trong đơn vị lại là những người dày dặn kinh nghiệm chiến đấu trên mặt trận đảm bảo ATGT. Trung úy Nguyễn Quang Khải cũng là một trong số đó. Trước khi chuyển về Đội CSGT số 15, người CSGT này đã có tới 4 năm kinh nghiệm chỉ huy, điều khiển giao thông ở một địa bàn khá nóng đó là Đội CSGT số 2. 

Nhắc lại quãng thời gian 4 năm làm nhiệm vụ tại Đội CSGT số 2, Trung úy Nguyễn Quang Khải như thầm cảm ơn giai đoạn này, bởi tại môi trường đó, anh thường xuyên cùng đồng đội làm nhiệm vụ phân luồng, bảo vệ các kỳ cuộc, sự kiện lớn của Thủ đô và cả nước.

Những kinh nghiệm từ các kỳ cuộc dẫn, bảo vệ đoàn này đã giúp cho anh hoàn thành xuất sắc yêu cầu nhiệm vụ đảm bảo ATGT tại một địa bàn cũng quan trọng không kém, đó là cửa ngõ ra vào thành phố, điểm đặt chân đầu tiên của các đoàn, quan khách, nguyên thủ khi đến thăm Hà Nội.

Được Ban chỉ huy đơn vị giao nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, Trung úy Nguyễn Quang Khải đã biết chọn điểm “nóng” vi phạm để giải quyết. Nhà cách sân bay Nội Bài không xa, hàng ngày trên đường đến đơn vị làm nhiệm vụ, Trung úy Nguyễn Quang Khải nhận thấy tình trạng người dân trong thôn, ngoài xã  phạm lỗi điều khiển phương tiện  ngược chiều ở tuyến đường Võ Nguyễn Giáp, khu vực Cụm cảng hàng không Nội Bài là khá nhiều.

Nguyên nhân xuất phát từ thói quen đi lại theo lối làng xã, tùy tiện, coi thường Luật Giao thông, coi thường tính mạng người khác của người dân nơi đây. Với nhạy cảm của một người lính nhiều năm làm công tác phân luồng, phục vụ các đoàn dẫn, Trung úy Nguyễn Quang Khải xác định nếu những vi phạm này không được nhanh chóng giải quyết sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công tác đón, dẫn các đoàn đại biểu, nguyên thủ từ Cụm cảng hàng không Nội Bài về trung tâm Hà Nội. Chỉ cần một sự cố, va chạm nhỏ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công tác đón dẫn, vì ấn tượng ban đầu của các quan khách quốc tế về Thủ đô, về Việt Nam chính là giao thông trên đường. 

Ngay khi Trung úy Phạm Quang Khải đề xuất triển khai thành lập tổ đặc biệt chuyên tuyên truyền xử lý vi phạm đi ngược chiều ở khu vực này, Ban chỉ huy Đội CSGT số 15 đã tán đồng, giao trực tiếp cho đồng chí Khải chỉ huy.

“Trước khi triển khai xử phạt, chúng tôi đã phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền Luật Giao thông qua hệ thống loa phát thanh ở thôn, xã để người dân nắm được và thực hiện. Khi công tác tuyên truyền đã đủ độ chín, người dân có thời gian “ngấm” được rồi, chúng tôi mới xử phạt quyết liệt. Nhiều trường hợp khi bị xử phạt lại là người dân trong làng, trong thôn có quen biết với gia đình nhưng càng là người thân, quen biết thì càng phải làm nghiêm, để tạo sự công bằng, nâng cao tính răn đe. Mình làm như vậy cũng là để bảo vệ họ tránh vướng phải tai ương, nguy cơ chết người vì TNGT” - Trung úy Phạm Quang Khải tâm sự.

Đường Võ Nguyên Giáp là tuyến đường mới, rất đẹp nối liền sân bay Nội Bài với trung tâm Thủ đô, qua những lần tuần tra làm nhiệm vụ, Trung úy Phạm Quang Khải nhận thấy có khá nhiều những bất cập về tổ chức giao thông tại đây. Đó là bất cập từ việc kẻ vạch sơn phân làn hay biển báo được đặt ở vị trí chưa phù hợp, giảm đi tính năng, hiệu lực thông báo, chuyển tải thông điệp đến với các lái xe trên đường…

Những chi tiết ấy đã được người Trung úy CSGT tỉ mẩn ghi chép vào cuốn sổ tay. Sau mỗi ca trực, tận dụng thời gian rảnh hiểm hoi, Trung úy Phạm Quang Khải lại giở cuốn sổ tay ra để kẻ, vẽ, đánh dấu đặt biển báo chỗ này, hay di chuyển sang chỗ kia sao cho phù hợp nhất và anh thực hiện kiểm nghiệm ngay trong những ca công tác tiếp theo tại hiện trường. 

Đề xuất xây dựng tuyến đường Võ Nguyễn Giáp là tuyến đường kiểu mẫu về tổ chức giao thông của Trung úy Phạm Quang Khải khi trình lên Ban chỉ huy Đội đã được Trung tá Nguyễn Văn Duyển, Đội trưởng Đội CSGT số 15 đánh giá rất cao. Ngay sau đó, trên cơ sở khảo sát thực tiễn này của Trung úy Phạm Quang Khải, những điểm bất hợp lý về vạch kẻ đường, biển báo, lối rẽ… trên tuyến đường này đã được Ban chỉ huy đơn vị kiến nghị lên Phòng CSGT, từ đó giúp cho các cơ quan cấp trên có liên quan kịp thời điều chỉnh phù hợp, nâng cao hiệu quả của những thông tin chỉ dẫn, đảm bảo ATGT cho người tham gia giao thông trên tuyến đường này.

“Chỉ cần điều chỉnh một ngã rẽ, biển báo là cũng đã giúp cho người tham gia giao thông không bị lạc đường, không phải mất thời gian, tiền bạc hoặc chịu nguy hiểm từ chính các phương tiện khác trên đường” - Trung úy Phạm Quang Khải chia sẻ.

Nặng tình nặng nghĩa

Không chỉ là một cán bộ năng nổ trong hoạt động công tác khi đảm đương nhiều vai trò xung kích trên các điểm “nóng” về đảm bảo ATGT, Trung úy Phạm Quang Khải còn chủ động đề xuất với Ban chỉ huy đơn vị xây dựng nhà xe thanh niên, bảo quản phương tiện tránh hỏng hóc khỏi nắng mưa, giúp cho cảnh quan trụ sở thêm khang trang, gọn gàng.

Cần cù, chịu khó, sáng tạo là thế, Trung úy CSGT càng được chỉ huy và đồng đội quý mến bởi tinh thần vì nhân dân phục vụ khi  hết lòng giúp đỡ nhân dân, người gặp hoạn nạn. Còn nhớ ngày 1-7, trong khi đang làm nhiệm vụ chỉ huy điều khiển giao thông tại ngã tư Võ Văn Kiệt - Quốc lộ 2, Trung úy Phạm Quang Khải phát hiện 2 nữ sinh đang dắt 2 chiếc xe đạp điện bị hỏng trên đường.

Khuôn mặt các em thất thần lo lắng, mồ hôi túa ra vì nắng nóng, điều đó khiến anh không khỏi băn khoăn. Ít phút sau khi thăm hỏi, Trung úy Phạm Quang Khải đã mang ngay 2 chiếc xe đạp điện bị hỏng để trong chốt, phân công cho CBCS tiếp tục phân luồng, còn anh dùng xe mô tô trực tiếp chở hai học sinh đến trường cho kịp giờ thi tốt nghiệp THPT. Khi các em thi xong ra về, 2 chiếc xe đạp diện đã được Trung úy Khải sửa lại và mang đến chờ sẵn ở cổng trường trong niềm vui của các em cùng gia đình. 

Trong câu chuyện với chúng tôi,  Trung úy Phạm Quang Khải bảo anh cũng không thể nhớ hết mình đã giúp bao nhiêu người dân gặp nạn trên đường. Các cụ già đi lạc, em bé lạc bố mẹ cho đến người hỏng xe, gặp sự cố giao thông trên đường không biết bấu víu vào ai, đều đã được Trung úy Phạm Quang Khải tận tình giúp đỡ, đưa về tận nhà.

Có một trường hợp mà Trung úy Phạm Quang Khải nhớ mãi, đó chính là chị Nguyễn Thị Điểm ở thôn Hòa Tiến, xã Đồng Nhân, Yên Phong, Bắc Ninh cách đây chưa lâu. Trong một lần sau ca trực ở đơn vị, qua báo chí, Trung úy Phạm Quang Khải biết được gia đình chị Nguyễn Thị Điểm có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khi chị đang bị ung thư giai đoạn cuối, nằm liệt giường.

Hai vợ chồng nuôi 3 đứa con nhỏ. Hình ảnh đứa con trai mới sinh khát sữa, ngậm chặt bầu vú lép của người mẹ đang giành giật lấy sự sống đã ám ảnh tâm trí người CSGT. Nghĩ đến đứa con gái hơn 2 tuổi đang ở nhà, nhìn cháu bé khát sữa trong bức ảnh, bỗng dưng Trung úy Khải nước mắt giàn rụa. Ngay trong tối hôm đó, Trung úy Khải đã bàn với vợ  đến thăm và tặng quà cho gia đình chị Điểm. 

“Hoàn cảnh nhà mình cũng chẳng khá giả gì hơn ai, tuy nhiên giúp được ai cái gì thì mình cố gắng giúp”. Chị Nguyễn Hồng Nhung - vợ Trung úy Phạm Quang Khải khi nghe chồng nói vậy mỉm cười đồng tình. Biết dự định của Trung úy Khải, nhiều CBCS trong đơn vị cũng gom góp đồng quà tấm bánh nhờ đồng đội chuyển đến gia đình chị Điểm…

Căn nhà của chị Điểm và anh Nguyễn Văn Viện lụp xụp được lợp bằng những lá chuối, vách trát đất dựng ở tít ngoài bãi đê. Hai vợ chồng anh Viện và chị Điểm chẳng thể ngờ lại có một gia đình trẻ không quen biết, ở xa  mang theo cả con nhỏ ra thăm, tặng quà mình nào gạo, muối, nhu yếu phẩm.

Những đứa trẻ của gia đình anh Viện, chị Điểm cũng như con gái của Trung úy Khải dù lần đầu gặp mặt nhưng vui vẻ cùng chơi đùa. Đôi bàn tay người phụ nữ ung thư giai đoạn cuối chẳng thể nhấc lên để cầm những món quà mà hai vợ chồng trẻ mang tặng nhưng nước mắt chị cứ trào ra, cảm động nghẹn ngào. Có lẽ, càng ở trong hoàn cảnh khắc nghiệt, tình người đối với nhau càng đẹp đẽ, trong trẻo, vượt qua tất cả những cách trở, thân sơ…