Đại tá Vũ Tang Bồng - nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử kỹ thuật (Viện Lịch sử quân sự Việt Nam):

Người cầm quân phải kiên quyết và dám chịu trách nhiệm

ANTD.VN - Từ thực tiễn của trận chiến đấu ngày 2-8 và 5-8-1964 còn có các trận ở Núi Thành (26-5-1965), trận Iađrăng, trận Bầu Bàng (tháng 11-1965) và 10 bài học kinh nghiệm đánh Mỹ của quân dân huyện Củ Chi (2-1966) đã giúp Đại tướng Nguyễn Chí Thanh khái quát thành một luận điểm nổi tiếng “Bám thắt lưng địch mà đánh”. Đây thực sự là một cống hiến lớn, một đóng góp lớn của Hải quân nhân dân Việt Nam vào kho tàng nghệ thuật quân sự của dân tộc.

- PV: Thưa Đại tá, với góc nhìn của một chuyên gia nghiên cứu lịch sử quân sự Việt Nam, ông có những đánh giá thế nào về trận đánh ngày 2-8-1964, chiến công đầu tiên của Hải quân nhân dân Việt Nam?

Người cầm quân phải  kiên quyết và dám chịu trách nhiệm ảnh 1

- Đại tá Vũ Tang Bồng: 55 năm trước, ngày 2-8-1964, đế quốc Mỹ dựng lên “Sự kiện vịnh Bắc bộ”, lấy đó làm cái cớ chính thức phát động cuộc chiến tranh phá hoại ở miền Bắc nước ta.

Khi nghiên cứu trận đánh ngày 2-8-1964 của Hải quân nhân dân Việt Nam - trận đọ sức đầu tiên của quân dân Việt Nam với không quân và hải quân, hai quân chủng hiện đại nhất của quân đội Mỹ, một vấn đề được giới sử học quân sự trong nước và nước ngoài quan tâm, đó là ngoài ý chí, quyết tâm, việc làm thế nào, tìm cách nào có thể đánh thắng… là những vấn đề rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong điều kiện, vũ khí trang bị của ta còn rất thiếu thốn lạc hậu. 

So sánh thế này cho tiện hình dung, tàu tuần tiễu của Hải quân Việt Nam lúc đó chỉ có vài chiếc 79 tấn, trang bị pháo 20 ly sản xuất từ Chiến tranh thế giới thứ nhất. Ta cũng chỉ có một tiểu đoàn phóng lôi, loại vỏ nhôm lượng giãn nước 19,26 tấn, được trang bị 2 ống phóng lôi loại nhỏ lạc hậu, phóng theo hướng mũi tàu và 1 khẩu 14 ly 5 hai nòng. Chúng ta hoàn toàn chưa có tên lửa, máy bay, pháo bờ biển chi viện, hỗ trợ. Trong khi đó, đối thủ của chúng ta lúc bấy giờ rất mạnh, trang bị hiện đại. Tàu Maddox có lượng giãn nước 3.300 tấn, gấp 160 lần tàu phóng lôi của ta, được trang bị 6 pháo 1127 ly, 12 pháo 40 ly, 11 pháo 20 ly, 10 ống phóng ngư lôi cỡ 533 ly và đặc biệt là thiết bị chống phá ngư lôi của đối phương.

Thế nhưng, bằng sự thông minh, mưu trí và dũng cảm, các chiến sĩ Hải quân của chúng ta đã áp dụng cách đánh gần, áp sát tiến công tàu địch. Sau khi phóng ngư lôi, các chiến sĩ ta dùng súng bộ binh bắn quét lên boong, đồng thời đánh trả máy bay địch. Trong tình thế phải độc lập chiến đấu, không có lực lượng hỗ trợ, yểm trợ theo nguyên tắc tác chiến đã được thế giới tổng kết, các chiến sĩ Hải quân ta đã sử dụng khẩu súng máy 14 ly 5 duy nhất được trang bị trên tàu kiên cường đánh trả máy bay địch, bắn rơi tại chỗ 1 máy bay, bắn bị thương 1 chiếc khác.

Và Hải quân trên các tàu phóng lôi chính là những người đầu tiên tìm ra, sáng tạo ra cách đánh mới. Ngắm bắn trực tiếp lúc máy bay địch lao xuống, bổ nhào cắt bom và phóng tên lửa. Đây chính là thời điểm máy bay địch dễ bị tiêu diệt nhất và thực tế từ trận đánh này đã chứng minh, đây là cách đánh máy bay hiệu quả nhất. Không phải ngẫu nhiên mà trận đánh ngày 2-8-1964 của Hải quân nhân dân Việt Nam được Quân ủy Trung ướng, Bộ Tổng Tư lệnh đặc biệt ngợi khen. 

- PV: Và trận đánh này đã trở thành “bài học mẫu mực”, được áp dụng rộng rãi trong thế trận chiến tranh nhân dân chống chiến tranh phá hoại thời gian sau này, thưa Đại tá?

- Đúng vậy. Chính từ kinh nghiệm của trận đánh ngày 2-8-1964, chỉ 3 ngày sau, ngày 5-8-1964, bộ đội Hải quân cùng với bộ đội pháo cao xạ và lưới lửa phòng không của ba thứ quân đã lập chiến công xuất sắc bắn rơi 8 máy bay địch, bắt sống phi công. Số máy bay của địch bị ta bắn rơi so với tổng lần máy bay vào đánh phá chiếm tới 12% (8 chiếc/64 lần) - một hiệu suất chiến đấu rất cao so với tỷ lệ trung bình trong tác chiến phòng không mà thế giới đã tổng kết. Đây là điều khiến các nhà khoa học trên thế giới suốt 55 năm qua vẫn ngạc nhiên và khâm phục.

Trận đánh ngày 2-8 mãi đi vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta như một ví dụ điển hình của ý chí dám đánh, quyết đánh thắng, biết cách đánh thắng. Sau đó, ngày 18-11-1964, trong trận chiến đấu bảo vệ tuyến chi viện chiến lược 559, Nguyễn Viết Xuân, Chính trị viên đại đội 3, Tiểu đoàn 14 pháo cao xạ thuộc Sư đoàn 325 mặc dù bị thương nặng nhưng vẫn nén đau chỉ huy và động viên đơn vị “Nhằm thẳng quân thù, bắn”. Đó không chỉ là khẩu hiệu nhằm động viên bộ đội mà là cách đánh của bộ đội phòng không.

Chính từ thực tiễn của trận chiến đấu ngày 2-8 và 5-8-1964 còn có các trận ở Núi Thành (26-5-1965), trận Iađrăng, trận Bầu Bàng (tháng 11-1965) và 10 bài học kinh nghiệm đánh Mỹ của quân dân huyện Củ Chi (2-1966) đã giúp Đại tướng Nguyễn Chí Thanh khái quát thành một luận điểm nổi tiếng “Bám thắt lưng địch mà đánh”. Đây thực sự là một cống hiến lớn, một đóng góp lớn của Hải quân nhân dân Việt Nam vào kho tàng nghệ thuật quân sự của dân tộc.

Người cầm quân phải  kiên quyết và dám chịu trách nhiệm ảnh 2Tàu hải quân Việt Nam chiến đấu trên vùng biển Đông Bắc năm 1964

- PV: Thưa Đại tá, kế thừa và phát huy truyền thống của Hải quân nhân dân Việt Nam, chúng ta rút ra bài học gì cho việc xây dựng, chiến đấu bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ ngày hôm nay?

- Trận đánh ngày 2-8 và “Sự kiện vịnh Bắc bộ” diễn ra cách đây đã 55 năm nhưng bài học về việc đánh giá đúng bản chất, âm mưu, thủ đoạn, khả năng của kẻ thù, trên cơ sở đó chủ động xây dựng lực lượng, thế trận, phát huy truyền thống dám đánh, quyết đánh thắng, tìm ra cách đánh thắng địch vẫn còn nguyên giá trị và mang tính thời sự sâu sắc. 

Những bài học ấy càng đặc biệt có ý nghĩa khi mà hiện nay toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta mà lực lượng nòng cốt là Quân chủng Hải quân đã và đang phải đương đầu với một kiểu xâm lược mới. Từ hàng nghìn năm nay, chúng ta luôn phải đương đầu với những kẻ thù mạnh hơn chúng ta rất nhiều lần, nhưng thời hiện đại thì khác lắm so với thời Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, Lê Lợi đánh thắng quân Minh, hay là Quang Trung - Nguyễn Huệ đánh tan mấy chục vạn quân Thanh trong trận Ngọc Hồi.

Sử cũ còn ghi, cách đây hơn 700 năm, trong một lần vua Trần Anh Tông đến vấn an Trần Hưng Đạo, nhà vua có hỏi: “Nếu chẳng may, quốc gia có nước ngoài xâm lấn, theo Quốc phụ ta phải ứng xử thế nào?”. Trần Hưng Đạo khi đó đã căn dặn: “Nếu thấy quân kéo đến như lửa cháy gió thổi thì dễ chế ngự, nhưng nếu kẻ xâm lược dùng cách chiếm cứ dần dần, như tằm ăn lá dâu, không lấy của dân, không cần được chóng thì đó mới là cuộc chiến tranh nguy hiểm nhất, là mối đe dọa lớn nhất đối với sự tồn vong của dân tộc”.

Trần Hưng Đạo cũng đã từng nói rằng, có 7 loại tướng: có loại tướng chỉ chỉ huy được 10 người, có loại tướng chỉ chỉ huy được 100 người, có loại tướng chỉ chỉ huy 1.000 người, có loại tướng chỉ huy được 10 vạn người, và có những vị tướng thiên hạ vô địch gọi là Lương tướng. Lương tướng không chỉ giỏi chỉ huy đánh trận trên thực địa còn quyền biến, biết ứng xử, xây dựng quân đội cốt tinh không cốt nhiều. Trong quân đội từ chỉ huy đến lính đối đãi với nhau như là phụ tử… Và cuối cùng, việc sửa sang xây mới thành trì là việc không cần thiết, cái cần là chăm lo khoan thư sức dân, lấy đó làm kế rễ sâu gốc vững, phải làm sao cho toàn dân và triều đình cùng một ý chí, đó mới là bức thành phải làm ngay. Người cầm quân phải  tùy theo tình hình ứng biến, kiên quyết và dám chịu trách nhiệm.  

- PV: Xin cảm ơn Đại tá về những chia sẻ!