Người cầm lái vạch hướng

ANTĐ - Những đường hướng dự kiến cho sự phát triển nước Nga trong tương lai đã bắt đầu hiện dần qua tuyên bố của Thủ tướng V. Putin muốn đưa các quốc gia thuộc Liên Xô trước đây vào một “Liên minh Âu-Á”.

Một cuộc gặp của nguyên thủ các nước SNG

Đây được coi là sáng kiến chính sách đối ngoại đầu tiên của ông V. Putin trên con đường trở lại Điện Kremli vào năm 2012, thay thế ông D. Medvedev trên cương vị Tổng thống. Ông V. Putin cho biết, liên minh mới này sẽ xây dựng trên cơ sở Liên minh thuế quan hiện hành giữa Nga với  Belarus và Kazakhstan. Theo đó, từ năm 2012, tất cả rào cản đối với thương mại, sự lưu thông vốn và nguồn lao động giữa ba nước sẽ được dỡ bỏ.

Đã từng gọi sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991 là “thảm họa địa chính trị lớn nhất của thế kỷ 20”, vì thế ông V.Putin khẳng định dự án mới của ông sẽ không giống với Liên bang Xô Viết. Ông nói: “Sẽ là ngây thơ nếu có ý định khôi phục hoặc sao chép điều gì đó từ quá khứ. Tuy nhiên, một sự hội nhập mạnh mẽ hơn trên một cơ sở chính trị và kinh tế mới và một hệ thống những giá trị mới là một điều bắt buộc trong kỷ nguyên của chúng ta”.

Việc Nga ưu tiên quan hệ với các nước thuộc không gian Xô Viết trước đây không phải là điều mới. Gần đây nhất, phát biểu tại Diễn đàn truyền thông Âu - Á (FEAM) lần thứ tư tổ chức ở Matxcơva, Ngoại trưởng Nga S. Lavrov đã khẳng định rõ các sự kiện và chính sách trong không gian Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) là ưu tiên đối ngoại hàng đầu của LB Nga.

Định hướng đó trước hết bắt nguồn từ lợi ích kinh tế mà các nước SNG có thể bổ sung cho nhau. Cho đến nay, Nga vẫn là đối tác kinh tế hàng đầu của phần lớn các nước thuộc Liên Xô trước đây như Ukraine, Belarus,    Kazakhstan…Cho dù lực lượng thân phương Tây ở nhiều nước SNG từng làm rùm beng về lợi ích mà chính sách “Hướng Tây” - kết thân với các nước phương Tây đem lại, nhưng trên thực tế, quan hệ giữa các nước trong SNG, đặc biệt là với Nga, mới đem lại những lợi ích kinh tế sát sườn.

Một nhu cầu nữa với Nga trong việc thúc đẩy sự ra đời của “Liên minh Á-Âu” là nhu cầu về an ninh và quốc phòng, nhất là trong bối cảnh phương Tây luôn tìm mọi cách tách các nước thuộc Liên Xô trước đây khỏi mối liên hệ khăng khít vốn có với Nga. Thực hiện mục tiêu này, phương Tây đặt điều kiện cho các nước SNG hoặc là theo họ hoặc là theo Nga, điều mà Ngoại trưởng Nga S. Lavrov gọi là “con bài hai mặt” của phương Tây trong không gian hậu Xô Viết. Nước Nga biết rõ những âm mưu đó và Matxcơva đã tuyên bố thẳng là chủ trương thảo luận một cách công khai, trung thực mọi vấn đề trong không gian hậu Xô Viết trên cơ sở tôn trọng thực tế đã hình thành, tôn trọng lợi ích của tất cả các bên và của tất cả các nước.

Hướng tới Liên minh Á-Âu nhưng Thủ tướng V. Putin cũng chỉ rõ liên minh này không đi ngược với quyết định xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với châu Âu mà nhiều nước SNG theo đuổi. Ông khẳng định Liên minh thuế quan và trong tương lai là Liên minh Á-Âu sẽ là một đối tác của châu Âu trong các cuộc đàm phán để tạo ra một bầu không khí kinh tế bình thường, đảm bảo cho các thành viên có tiếng nói mạnh mẽ hơn.

Liệu Liên minh Á-Âu, một tổ chức trên tầm quốc gia nhằm phối hợp “chính sách kinh tế và tiền tệ” giữa các thành viên liệu có ra đời như mong muốn của nước Nga? Câu trả lời còn chưa có. Nhưng định hướng phát triển của nước Nga thì đang hiện rõ dần qua tuyên bố của người được coi là sẽ cầm lái con tàu nước Nga trong tương lai.