Người bị tung tin đã chết trong tù và ngày trở về đầy hi vọng

ANTĐ - Là một người có học thức, địa vị nhưng chỉ vì một sai sót trong việc quản lý, người đàn ông phong độ ấy đã phải trả bằng cái giá 20 năm tù. Ra tù, trên mảnh đất lạ nơi xứ người, ông đã làm lại cuộc đời từ chính nghị lực và đôi tay của mình. Và hạnh phúc đã mỉm cười với ông khi một người phụ nữ tình nguyện gá nghĩa với ông đến cuối cuộc đời.

Vết trượt của đời người

Người đàn ông ấy mái tóc đã bạc màu theo thời gian, đôi mắt thi thoảng vẫn cụp xuống vì nỗi buồn của thời trai trẻ lầm lỗi nhưng hơn lúc nào hết, ông vẫn cười nụ cười của hy vọng. Trên mảnh đất tình người Nghĩa Dũng (Tân Kỳ, Nghệ An), ông đã làm lại cuộc đời. Cuộc hoàn lương đầy nhọc nhằn mà thấm đẫm tình người ấy cứ như một giấc mơ với ông.

Người đàn ông ấy là Bàn Tuấn Thái (SN 1952). Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng). Năm ông vừa tròn một tuổi, bố ông đã hi sinh trong khi tham gia kháng chiến ở chiến trường Điện Biên Phủ. Vậy là trong căn nhà nhỏ, chỉ còn lại ba mẹ con nương tựa vào nhau để sống. Tuổi thơ nhọc nhằn rồi cũng qua đi trong khốn khó. Năm 20 tuổi, Bàn Tuấn Thái tham gia chiến trường Quảng Trị máu lửa đúng vào mùa hè đỏ lửa 1972. Mặc dù phải chiến đấu trong hoàn cảnh nguy hiểm, nhưng chàng thanh niên không nề hà, dũng cảm trên các trận đấu. Chính nhờ sự nhanh nhạy, thông minh mà 2 năm sau, ông được đơn vị cử đi học trường Sỹ quan Lục quân 1. Năm 1977, sau 4 năm mài dùi kinh sử, ông ra trường và tiếp tục phục vụ cho đơn vị của mình là Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Cao Bằng. Vì là người có trí thức, lại tháo vát, nên Thái được nhiều người trong đơn vị kính nể.

Thế nhưng, một sự việc không nên có đã xảy ra khiến ông phải hối hận suốt cả cuộc đời này. Năm 1982, ông bị tòa tuyên phạt 20 năm tù về tội Hủy hoại tài sản. Theo lời kể của ông, trong thời gian công tác tại đơn vị, vì sai sót trong việc quản lý quân của mình, ông đã gây ra hậu quả nghiêm trọng cho đơn vị. Nhớ lại khoảng thời gian tăm tối đó, nét mặt ông buồn hẳn: “Có thể trong chiến đấu tôi là người gan dạ quả cảm, nhưng thật sự trong thời bình thì chưa hẳn đã là người làm tốt công tác quản lý. Hậu quả để lại thật nặng nề! Thời điểm tôi được chuyển về trại 3, mẹ tôi đang ốm nặng, anh trai cũng vì hoàn cảnh nên không bắt xe vào thăm tôi được, do vậy chưa bao giờ tôi biết được thông tin của gia đình nơi quê nhà!”. 

Sau một năm thi hành án ở Hà Nội, ông được chuyển về trại giam số 3, ở xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ (Nghệ An). Trong khoảng thời gian này, ông không hề nhận được thông tin từ gia đình đang ở quê. Cũng vì lý do đó mà vào năm 1985, người thân của ông cứ đinh ninh ông đã mất trong một vụ tai nạn. Thời điểm đó, có một người cùng quê, cũng thi hành án tại trại 3 nghe tin một người đàn ông tên Thái, quê Cao Bằng đã chết trong vụ tai nạn tại Nghệ An. Chẳng hiểu vì lý do gì, hay có sự nhầm lẫn mà người đó đã tung tin ông đã chết nơi đất khách quê người. Người thân vì đã lâu không liên lạc nên cứ đinh ninh đó là sự thật cho đến khi bất ngờ nhận được thư của ông. “Lần đó, thấy cảm giác trong người bất an, tôi đã viết thư rồi nhờ một đồng chí quản giáo gửi về cho gia đình. Thú thật, bản thân tôi lúc đó không hề biết chuyện ở nhà!”. 

Sau khi nhận được tin của đứa con tưởng chừng đã chết, người thân của ông Thái vui mừng khôn xiết vì biết ông vẫn còn sống và có cơ hội trở về đoàn tụ cùng gia đình. Tháng 7-1997, ông Thái ra tù trước thời hạn 5 năm. Thế nhưng, việc phải chịu đựng những cái nhìn xa lánh của mọi người xung quanh khiến người đàn ông mới ra khỏi tù như mất phương hướng. Dù rất muốn quay trở lại chính nơi mình đã sinh ra để làm lại cuộc đời, nhưng quê hương đó đã không cho ông có cơ hội sửa sai. Bước đường cùng, ông đành lặng lẽ quay về mảnh đất đã gắn bó với mình trong suốt thời gian dài khi đang ngồi tù.

Quê hương thứ 2 và người phụ nữ tuyệt vời

Chia sẻ về việc chọn mảnh đất Nghĩa Dũng làm nơi làm lại cuộc đời, ông Thái cho hay: “Trong thời gian cải tạo tại đây, tôi thấy đây là mảnh đất bình yên. Với lại trước đó, tôi cũng đã có quen cô gái, chính là vợ tôi hiện nay. Vậy nên, khi đứng trước bờ vực thẳm, tôi đã chọn mảnh đất này để sinh sống, làm lại cuộc đời. Tôi nghĩ rằng đây chính là mảnh đất mình sẽ làm lại được cuộc đời sau những chuỗi ngày gian khó của mình. Rất may mắn cho tôi là người vợ của tôi đã hiểu và thông cảm cho tôi về những ngày tháng trước đó. Đến bây giờ tôi vẫn cảm thấy lựa chọn của mình là đúng!”. Thời gian đầu ấy, trên mảnh đất Nghĩa Dũng, ông đã bắt đầu lại với hai bàn tay trắng cùng biết bao khó khăn, vất vả nhưng niềm hy vọng chưa bao giờ nguội tắt.

Khó khăn đầu tiên là việc xin chính quyền cho mình sinh sống tại đây: “Lúc tôi xin được tạm trú ở đây để làm lại từ đầu, ông chủ tịch xã năm ấy đã nhìn tôi ái ngại bởi tôi không mảnh đất cắm dùi, không một cắc bạc trong tay. Ông ấy đã hỏi tôi rằng tôi ở đây thì nương tựa vào ai? Lúc đó tôi chỉ cười trừ, rồi khẳng định tôi sẽ sống đàng hoàng, cán bộ hãy tin tôi! Lúc ấy ông chủ tịch xã đã đồng ý và cũng giúp đỡ tôi rất nhiều!”, ông Thái nhớ lại.

Một năm sau vào mùa thu 1998, ông Thái kết duyên với bà Trần Thị Hoa, ít hơn 10 tuổi, người phụ nữ đã vượt qua bao lời dị nghị của xóm giềng để đến với ông. “Thú thực tôi và bà Hoa quen biết nhau từ lúc tôi đang cải tạo ở trại 3 trong lúc đi chăn trâu bò. Mặc cảm là người đi tù nên mãi tôi mới bày tỏ tình cảm.

Không ngờ bà ấy lại đồng ý!”, ông nói. “Khi mới nghe ông ấy nói ra tình cảm, tôi có chút băn khoăn vì quá khứ. Nhưng sau những lần trò chuyện, nhất là chứng kiến những việc ông đã làm khi đang ở trong trại, con tim tôi mách bảo ông ấy là người tốt, nên đã gật đầu chấp nhận lời cầu hôn. Tôi quả không sai lầm khi chấp nhận làm vợ ông ấy!”, bà Hoa cười nhẹ nhàng nói. Vì mới lập nghiệp ở mảnh đất này, lại không có tiền nên hai người chỉ làm một mâm cơm đạm bạc cúng tổ tiên, đăng ký kết hôn rồi dọn về ở với nhau tại túp lều trên bìa rừng. Cuộc sống mới đầu vô cùng khó khăn, vất vả khi hai vợ chồng chỉ có hai bàn tay trắng. Thế nhưng, những con người giàu nghị lực này chưa bao giờ bỏ cuộc. Những mảnh đất hoang bạc màu được họ chịu khó nhận khoán để trồng hoa màu. Hằng ngày, tranh thủ những lúc rảnh rỗi, hai vợ chồng lại đi làm thuê cho những ai cần để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống gia đình. “Ông Thái là người chịu khó, hiền lành, được bà con quý mến. Cuộc sống gia đình ông tuy còn nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi thấy họ luôn lạc quan. Đó là đức tính tốt mà không phải ai cũng có được. Có cơ ngơi như ngày hôm này quả là một kỳ tích với cuộc đời hoàn lương như thế!”, ông Hoàng Đình Tâm, trưởng công an xã Nghĩa Dũng nói.

Hiện nay, dù cuộc sống gia đình có đỡ vất vả hơn, nhưng đối với đôi vợ chồng này, niềm hạnh phúc lớn hơn cả là nhìn hai đứa con gái lớn khôn, học giỏi. Cô con gái đầu Bàn Thị Hồng Vân (15 tuổi) luôn ra dáng là người chị đảm đang, biết quán xuyến công việc giúp bố mẹ và chăm sóc em. Còn cô em út Bàn Thị Oanh (11 tuổi) lại rất thông minh, lém lỉnh. Ngoài thời gian đến lớp, cả hai đã biết giúp đỡ bố mẹ công việc đồng áng, cắt cỏ cho trâu. Ngồi nhìn hai đứa con đang làm việc ngoài vườn, ông Thái rưng rưng nước mắt: “Tôi thấy mình là người may mắn khi có được người vợ hiền, các con chăm ngoan. Đó là động lực để tôi cố gắng phấn đấu!”, ông nói. Mấy tháng gần đây, vợ chồng ông Thái đi làm thuê cho công ty sản xuất nông nghiệp gần nhà. Hằng ngày, hai vợ chồng dậy đi từ sáng sớm, đến chiều tối mới về. Công việc dù vất vả nhưng hai vợ chồng vẫn luôn cố gắng. “Đời tôi đã gặp nhiều khổ cực, vậy nên dù có khó khăn mấy, vợ chồng tôi vẫn cố gắng để lo lắng cho tương lai hai con!”, ông Thái bộc bạch.

Niềm đau đáu cuối cùng

Ngồi trò chuyện với tôi, mừng vì ông đã có con đường hoàn lương đầy ý nghĩa. Nhưng lúc tôi định đứng dậy chào ông ra về, ông kéo tay tôi lại, mắt rưng rưng. Ông bảo còn một điều ông chưa kể, và chẳng mấy người biết, ấy là ông còn có một đứa con trai nữa, trước khi lấy người vợ bây giờ. Nhìn ông, đôi mắt đau đáu một niềm hy vọng mơ hồ. Ông kể lại khẽ khàng câu chuyện ông đã muốn giấu kín. Những ngày còn trong quân ngũ, ông có quen biết cô y sĩ tên Lãnh Thị Việt (SN 1954, công tác ở xã Đồng Mu, huyện Bảo Lạc, Cao Bằng). Năm 1979, đám cưới của họ được diễn ra trước sự chúc phúc của hai bên họ hàng, cùng đông đảo đồng nghiệp. Một năm sau, đôi vợ chồng trẻ sinh đứa con đầu lòng đặt tên là Bàn Bình Nguyên. Vì đặc thù công việc, ông rất ít khi được về nhà, thậm chí ngày vợ sinh người bố trẻ cũng không có mặt. Mãi đến khi con được 6 tháng tuổi, ông Thái mới có dịp về phép thăm gia đình mình. “Không ngờ đó cũng là lần duy nhất tôi gặp con trước khi bị bắt, và cho tới tận bây giờ!”, ông rưng rưng nước mắt. 

Ngày ông vào trại giam, đứa con nhỏ mới 6 tháng tuổi. Trong khoảng thời gian ngồi nhà đá để đền tội cho lỗi lầm của mình, ông đã mất tất cả, vợ trẻ, con thơ. Vừa xách ba lô trở về quê nhà, ông chết lặng khi biết đứa con trai của mình không sinh sống tại địa phương đã lâu, người vợ thì đã lấy chồng khác. Suốt mấy ngày sau đó, ông lặn lội đến tận từng nhà người quen để hỏi dò thông tin, nhưng không ai hay biết. Buồn rầu khi nghĩ cuộc đời mình không còn gì để mất, ông đã cố quên đi quá khứ của mình. Thế nhưng, hằng đêm trong giấc ngủ chập chờn, ông vẫn nhớ đến đứa con trai nhỏ mà mình duy nhất gặp một lần. Và đó cũng chính là động lực để ông quyết tâm cố gắng cải tạo tốt, sớm nhận sự khoan hồng của pháp luật. Và bây giờ, dù có được hạnh phúc, gia đình mới, nhưng ông chưa bao giờ thôi nhớ về đứa con đã thất lạc.

Vậy là suốt 30 năm nay, ông vẫn chắt bóp tiền làm hành trang đợi cơ hội đi tìm đứa con của mình. Cuộc sống hiện tại ấm êm hạnh phúc, nhưng trong thâm tâm chưa bao giờ ông thôi nhớ đến đứa con thất lạc của mình. “Tôi chỉ nghe tin, nó đang sống trong Tây Nguyên, còn cụ thể ở đâu thì không rõ. Đã 30 năm rồi cha con tôi chưa được gặp nhau, không biết giờ đây nó đã thay đổi nhiều chưa, đã có vợ con chưa. Mong rằng thông qua báo chí, nếu nó có biết, hãy báo cho tôi một tiếng để cha con được gặp nhau. Tôi cũng đã già, chẳng biết sống chết thế nào được nữa!”- nói đến đây ông gục đầu xuống nức nở. Hóa ra trong tâm trí người đàn ông ấy, vẫn còn một góc khuất rất ít người biết, chỉ để dành riêng cho đứa con mới một lần gặp mặt đã hơn 30 năm qua.