Người bị tạm giữ, tạm giam có quyền đi bầu cử

ANTĐ - Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam đã được Quốc hội biểu quyết thông qua chiều 25-11 với đa số phiếu tán thành. Theo đó, người bị tạm giữ, tạm giam vẫn được thực hiện quyền bầu cử, quyền bỏ phiếu trưng cầu ý dân.

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện cho biết, luật đã mở rộng nhiều quyền, chế độ cho người bị tạm giữ, tạm giam. Cụ thể, luật quy định người bị tạm giữ, tạm giam có những quyền như: được bảo vệ an toàn tính mạng, thân thể, tài sản, tôn trọng danh dự, nhân phẩm; được bảo đảm chế độ ăn, ở, mặc, đồ dùng sinh hoạt cá nhân, chăm sóc y tế, sinh hoạt tinh thần, gửi, nhận thư, nhận quà, nhận sách, báo và tài liệu; được khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật…

Riêng quy định về quyền bầu cử, quyền được trưng cầu ý dân của người bị tạm giữ, tạm giam, qua thảo luận trước đó, một số ý kiến ĐBQH cho rằng, nên phân loại các đối tượng bị tạm giữ, tạm giam thành 2 nhóm, trong đó, nhóm “người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án, người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo, người mất năng lực hành vi dân sự” thì không được ghi tên vào danh sách cử tri. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, dự thảo luật đã quy định theo hướng dẫn chiếu “người bị tạm giữ, tạm giam được thực hiện quyền bầu cử theo quy định của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND” nên đề nghị giữ như quy định của dự thảo. 

Một điểm đáng chú ý khác, khoản 4 Điều 18 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam quy định: Người đồng tính, người chuyển giới; phụ nữ có thai hoặc có con dưới 36 tháng tuổi ở cùng; người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A; người bị kết án tử hình; người thường xuyên vi phạm nội quy của cơ sở giam giữ có thể được bố trí giam giữ ở buồng riêng. Đây được coi là một quy định rất tiến bộ, nhất là trong bối cảnh Bộ luật Dân sự (sửa đổi) vừa được thông qua trước đó cũng đã công nhận quyền chuyển đổi giới tính của công dân. 

Về hệ thống tổ chức cơ quan quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam, trước đó qua thảo luận vẫn còn nhiều ý kiến trái ngược nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến các ĐBQH. Trên cơ sở đó, Điều 11, Luật Thi hành Tạm giữ, tạm giam quy định, cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam trong Công an nhân dân bao gồm: Cơ quan quản lý thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp thuộc Bộ Công an thực hiện quản lý tạm giữ, tạm giam; Cơ quan thi hành án hình sự Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện quản lý tạm giữ, tạm giam trong địa bàn…

Cũng trong ngày 25-11, Quốc hội đã thông qua Bộ luật tố tụng Dân sự (sửa đổi); Luật tố tụng Hành chính (sửa đổi); Bộ luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi); Luật Trưng cầu ý dân; Luật Phí, lệ phí. Cùng ngày, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã được Quốc hội bầu làm Tổng Thư ký Quốc hội. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có chức danh này.