Người bắn rơi chiếc máy bay cuối cùng trên bầu trời Hà Nội

ANTĐ - Rời đường băng cách đây mới 2 năm, đại tá Bùi Doãn Độ còn vẹn nguyên cái khí thế rắn rỏi của người lính không quân mấy chục năm gắn bó với bầu trời… 

Đại tá Bùi Doãn Độ

Gặp máy bay nào cũng đánh

Ngày 29-12-1972, máy bay địch đánh phá một loạt sân bay Thọ Xuân, Yên Bái, Hoà Lạc, Kép… Đêm hôm đó, khi cùng đồng đội trực chiến ở sân bay Miếu Môn, địch đánh phá dữ dội buộc phi đội của ông phải di chuyển về sân bay Hòa Lạc rồi sau đó lại đi sân bay Kép (Bắc Giang) để trực chiến. 23h đêm, Đại tá Bùi Doãn Độ - lúc ấy là người trẻ nhất trong phi đội đánh đêm được lệnh xuất phát trên chiếc MIG-21. Không dẫn được mục tiêu chính B-52, trên đường về, bất ngờ Sở chỉ huy Quân chủng thông báo phát hiện một chiếc máy bay bay từ phải sang trái, cự li cách ông 7 - 8 km. Khi ấy, người phi công trẻ phát hiện thấy ánh đèn nhấp nháy ở cùng độ cao với chiếc MIG-21 đang di chuyển theo đúng hướng nhận định. Ông lập tức tăng tốc đuổi theo và phóng tên lửa trúng đích. Chiếc F-4 bùng cháy sáng rực đến nỗi ông có thể trông thấy từng con ốc bắt trên thân máy bay. Viên phi công Mỹ không kịp nhảy dù ra khỏi máy bay và sau đó cả người và xác phi cơ rơi xuống vùng Tam Nông, Phú Thọ. Chiếc F-4 này là chiếc máy bay cuối cùng bị không quân Việt Nam bắn rơi trên bầu trời Hà Nội, cũng là chiếc cuối cùng của quân đội Mỹ bị phi công ta bắn hạ trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc. Người phi công mới 22 tuổi hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc, khép lại thắng lợi lịch sử của chiến dịch 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không. 

Xuất thân từ công nhân thợ nguội 

Năm 1966, chàng thanh niên Bùi Doãn Độ đang làm công nhân thợ nguội học việc ở nhà máy xi măng Hải Phòng. Theo lời khuyên của người anh rể, sẵn ước mơ từ khi còn trẻ, ông tham gia thi tuyển phi công và trúng ngay lần đầu tiên. Ở cái tuổi 16, ông lên đường nhập ngũ. Đến ngày 1-5-1967, ông được cử đi học tại Liên Xô cho đến năm 1970 thì về nước và công tác tại Trung đoàn Sao Đỏ. Ban đầu, ông tham gia khóa huấn luyện bay ban ngày. Hoàn thành đề cương huấn luyện, ông chuyển sang bay đêm và gắn bó với phi đội bay đêm từ đó. Khi chúng tôi đề cập tới cảm giác thường xuyên bị bao vây giữa lực lượng hùng hậu nào những “thần sấm”, “con ma” của không quân Mỹ, Đại tá Bùi Doãn Độ từ tốn nói: “Sự hy sinh đối với anh em phi công cũng là chuyện dễ xảy ra. Khi gặp sự cố, có thể người này kịp nhảy dù, người kia không thoát kịp. Nhưng cả phi đội đã xác định đã cất cánh là phải hoàn thành nhiệm vụ”.

Ròng rã với những chuyến bay đêm, những “sự cố” do mất điện khiến ông nhiều phen toát mồ hôi. Đêm 21-12-1972, ông được lệnh chuẩn bị cất cánh tại sân bay Miếu Môn. Khi máy bay sắp tách đất, đèn bỗng chập chờn lúc sáng lúc tối khiến ông không xác định được phương hướng. Được vài phút đèn sáng trở lại cũng là lúc ông thấy máy bay gần như chệch ra khỏi đường băng. Một lần khác khi máy bay chuẩn bị hạ cánh tại sân bay Nội Bài, vì thiếu điện, máy nổ không hoạt động khiến cho đèn ở hai bên đường băng “tắt ngóm”. Một mình giữa trời đêm mịt mù, phải nhờ tới cảm giác và ánh đèn duy nhất trên máy bay, người phi công trẻ mới có thể hạ cánh an toàn. 

Truyền thống gia đình

Chiến tranh kết thúc, người lính trẻ nhất trong phi đội bay năm xưa - Bùi Doãn Độ vẫn gắn bó với bầu trời. Từ năm 1978 – 1982, ông tiếp tục sang Liên Xô học tại Viện Tham mưu chỉ huy không quân của học viện Gagarin. Về nước một thời gian, ông giữ vị trí Chủ nhiệm bay Sư đoàn B71 và sau đó làm chuyên gia tham mưu huấn luyện cho nước bạn 

Campuchia. Từ năm 1995 – 2010, ông công tác tại Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines. Gần 40 năm trong buồng lái, người phi công kỳ cựu chỉ “chạm đất” khi đã 60 tuổi. Tình yêu đối với bầu trời của đại tá Bùi Doãn Độ dường như được truyền cho cả gia đình khi con gái lớn của ông hiện đang làm tiếp viên tại 

Vietnam Airlines. Chồng chị, hiện cũng đang làm phi công còn người con trai út đang theo học ngành hàng không ở Pháp và chắc chắn sẽ kế nghiệp cha. 

Không nói nhiều về mình nhưng ông say sưa kể về những kĩ thuật điều khiển máy bay, phóng tên lửa… mà đôi khi những thế hệ sinh sau đẻ muộn như chúng tôi không hiểu hết. Ông tin rằng mình đã sống đúng thời, tự hào vì đã được chứng kiến giai đoạn lịch sử đau thương mà anh dũng của đất nước. Càng vui sướng hơn khi ở độ tuổi 22 đã lập được thành tích bắn rơi máy bay Mỹ, góp phần cùng quân dân Hà Nội viết nên câu chuyện thần kỳ 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không.