Người bán dâm và mua dâm đều phải bị xử lý ngang nhau!

ANTĐ - Chiều 30-5, Quốc hội tiếp tục họp về dự thảo Luật xử lý vi phạm hành chính. Đại biểu nữ đến từ Phú Yên khiến hội trường xôn xao khi cho rằng không nên đưa người bán dâm vào cơ sở khám chữa bệnh như một hình thức xử lý vi phạm. Nếu đã đưa người bán dâm vào cơ sở khám chữa bệnh thì cũng phải đưa người mua dâm để đảm bảo tính công bằng của pháp luật.
Đại biểu nữ đề xuất xử lý khách mua dâm
Vấn đề bỏ quy định đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh và bỏ quy định phạt bổ sung khám, chữa bệnh đối với người bán dâm, theo Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH), có đa số ý kiến nhất trí với Chính phủ việc bỏ biện pháp đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh, cũng có ý kiến đề nghị tiếp tục duy trì biện pháp này.
UBTVQH nhận thấy, việc áp dụng biện pháp đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh là không phù hợp, vì dẫn đến tình trạng người bán dâm mặc dù không có bệnh nhưng vẫn bị buộc đưa vào cơ sở chữa bệnh là không đúng bản chất, tên gọi của biện pháp xử lý. Do đó, không nên áp dụng biện pháp này mà chỉ quy định người có hành vi bán dâm là vi phạm hành chính phải bị xử phạt, đồng thời đối tượng này được coi là nạn nhân, cần quan tâm, tạo điều kiện, giúp đỡ họ trở thành người lương thiện bằng các giải pháp kinh tế, xã hội thông qua các hình thức lao động hướng nghiệp, dạy nghề.

Vì vậy, theo báo cáo giải trình chỉnh lý dự thảo  Luật, UBTVQH nhất trí không quy định biện pháp đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh trong dự thảo Luật; đồng thời bỏ quy định về bổ sung hình thức xử phạt buộc khám, chữa bệnh đối với người có hành vi bán dâm, vì quy định này không có tính khả thi và không phù hợp chính sách công bằng xã hội.
Thảo luận tại hội trường, nội dung này cũng được các đại biểu đưa ra nhiều ý kiến trái chiều. 
Đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) cho rằng, nên bỏ quy định đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh, vì đó là cách ly họ khỏi xã hội, như thế không nên, cần đưa ra các biện pháp khác để tránh tệ nạn mại dâm bùng phát. Đề nghị đưa người bán dâm vào trại giáo dưỡng và tìm biện pháp phù hợp hơn. 
Người bán dâm và mua dâm đều phải bị xử lý ngang nhau! ảnh 1
Cần nhiều biện pháp xã hội để chống nạn mại dâm
Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Ninh) cũng cho rằng, bắt người bán dâm vào nơi nào đó là quá nghiêm khắc, cần áp dụng nhiều biện pháp xã hội khác để giúp họ hoàn lương. Hơn thế, theo ông Minh, khi bắt người bán dâm, chúng ta phạt và thả thì họ lại tiếp tục vi phạm. "Cứ phạt rồi cho tồn tại là không nên mà nên lập trung tâm giáo dục lao động hướng nghiệp để đưa người bán dâm vào 6 tháng đến một năm chứ không nên thả", ông Minh đề xuất.
Trước vấn đề này, đại biểu Touneh Drong Minh Thắm (Lâm Đồng) lại tỏ vẻ băn khoăn vì nếu bỏ quy định, thì đưa người bán dâm vào đâu để giáo dục và trong tương lai, liệu số người nhiễm HIV có giảm. Cùng ý kiến này, đại biểu Đỗ Kim Tuyến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm nhận định, trong thực tiễn, nhiều người bán dâm bị bệnh xã hội, cần phải được chữa trị cẩn trọng vì mục đích cộng đồng. Ngoài ra, ông cũng đề xuất rằng, hành vi tổ chức môi giới mại dâm cần có khung hình phạt cao hơn, dự thảo Luật xử lý vi phạm hành chính có phần xem nhẹ là chưa hợp lý.
Khác hơn với hai luồng tranh luận trên, đại biểu Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) khiến hội trường xôn xao khi cho rằng, không nên đưa người bán dâm vào cơ sở khám chữa bệnh như một hình thức xử lý vi phạm. Bà cũng đề xuất rằng, nếu đã đưa người bán dâm vào cơ sở khám chữa bệnh thì cũng phải đưa người mua dâm để đảm bảo tính công bằng của pháp luật.

Vi phạm hành chính có thể phạt 2 tỷ đồng

Theo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật xử lý vi phạm hành chính của Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH), về mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính, dự thảo Luật do Chính phủ trình quy định, mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính là từ 50.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng, trừ trường hợp các luật đặc thù có quy định khác.

Trước mức xử phạt này của dự thảo, đa số ý kiến đồng ý với mức tiền phạt tối thiểu như dự thảo Luật, tuy nhiên, có ý kiến cho rằng mức tiền phạt tối thiểu là quá thấp, đề nghị tăng mức phạt tiền tối thiểu đối với tổ chức lên 100.000 đồng hoặc 1.000.000 đồng. Về mức xử phạt tối đa, một số ý kiến tán thành mức phạt tiền tối đa quy định như trong dự thảo Luật, tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng mức phạt tiền tối đa 2.000.000.000 đồng là quá cao, không phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội; dễ phát sinh tiêu cực giữa người vi phạm và người thi hành công vụ.
Trước ý kiến trên của các đại biểu, UBTVQH phân tích rằng, mức phạt tiền tối thiểu được áp dụng chung cho tất cả mọi đối tượng ở mọi vùng, miền đất nước, trong đó có người lao động vi phạm nhỏ, trường hợp ít nghiêm trọng, có tính chất đơn giản, do đó, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ mức phạt tiền tối thiểu đối với cá nhân như trong dự thảo Luật và nâng mức phạt tiền tối thiểu đối với tổ chức lên 100.000 đồng. 
Về mức phạt tiền tối đa, theo UBTVQH, việc tăng mức phạt tiền tối đa lên bao nhiêu cần phải cân nhắc kỹ để vừa đảm bảo tính răn đe vừa phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và mức thu nhập của người dân. Thực tiễn cho thấy việc nâng mức phạt tiền không phải là biện pháp hữu hiệu duy nhất để hạn chế vi phạm mà cần chú trọng áp dụng đồng bộ các hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả hoặc bồi thường toàn bộ thiệt hại do vi phạm gây ra...
Người bán dâm và mua dâm đều phải bị xử lý ngang nhau! ảnh 2
Nhiều đại biểu đề nghị áp dụng mức phạt hành chính cao hơn
cho các hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường

Chính vì những lý do trên, trong dự thảo mới nhất, UBTVQH đã quy định: "Mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính là từ 50.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 100.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng đối với tổ chức".
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa – Vũng Tàu) bày tỏ sự nhất trí cao với dự thảo. Ông cho rằng, việc tăng mức xử phạt hành chính là biện pháp có tác dụng răn đe, khi mức sống được nâng lên, mức phạt cũ trở thành lạc hậu, nên ngày càng có nhiều trường hợp ngang nhiên vi phạm pháp luật, và việc phạm pháp xảy ra ở mọi lúc, mọi nơi, từ vi phạm về giao thông cho tới vi phạm về môi trường...
Ông Hiến cũng đề nghị rằng, cần áp dụng mức phạt hành chính cao hơn cho các hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông, môi trường, quản lý đô thị tại khu vực nội thành của các thành phố trực thuộc trung ương.
Đại biểu Nguyễn Minh Lâm (Long An) cũng đề nghị rằng, đối với các cơ sở sản xuất, nếu vi phạm, gây ô nhiễm môi trường, mức phạt tối đa 2 tỷ đồng. 

Trái với những ý kiến trên, đại biểu Giàng A Chu (Yên Bái) cho rằng, mức phạt cá nhân và tổ chức cách quá xa nhau như vậy là không khả thi. Đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) cho rằng, mức phạt cao chưa phải là biện pháp hữu hiệu để răn đe, phòng ngừa các hành vi vi phạm mà còn có thể dẫn tới tiêu cực.