Người bạch tạng sống trong hãi hùng

ANTĐ - Một đêm tháng 10 tại khu vực Mtwara, cực nam Tanzania, một nhóm đàn ông đập liên hồi vào cánh cửa gỗ nhà chị Zainab Muhamed. Họ không nói rõ đến vì mục đích gì. Muhamed sinh được 2 bé gái đều bị bạch tạng và tại nhiều vùng nông thôn Tanzania vẫn tin rằng có được một phần tay, chân, ngón tay, da hoặc tóc của người bạch tạng thì con người ta sẽ trở nên giàu có.
Người bạch tạng sống trong hãi hùng ảnh 1
Helen Sekalima, 40 tuổi, ở Kabanga, Tanzania, người có 3 trong số 9 đứa con bị bạch tạng nói:
“Dân làng nói bọn trẻ không phải là người mà là quỷ”

Nạn nhân của mê tín dị đoan

Khi Zainab Muhamed sinh cô con gái đầu lòng bị bạch tạng năm 2007, mọi người nói với cô chuyện đó sẽ khiến cô gặp rắc rối. “Người thân của tôi hỏi sao không bỏ con đi”, Muhamed kể. Đó là vì trẻ em bạch tạng không được cộng đồng ở đây chào đón và bé gái đó là người bạch tạng đầu tiên ở khu vực mà Muhamed ở. 2 năm sau, Muhamed sinh bé gái thứ hai, lần này cũng bị bạch tạng. Đúng ngày đó, chồng cô bỏ đi. Chỉ trong vài ngày, nhiều đàn ông lạ đến gõ cửa nhà cô. 

Hiện lục địa châu Phi có khoảng 20.000 người bạch tạng, cao gấp khoảng 10 lần so với châu Âu hay Bắc Mỹ. Về mặt khoa học, người bạch tạng gặp một dạng bất thường về gene di truyền dẫn đến thiếu sắc tố ở da, mắt và tóc. Một bộ phận người Tanzania có quan niệm dùng các bộ phận cơ thể người bạch tạng làm bùa chú sẽ trở nên giàu có, nếu là người chăn nuôi gia súc thì sẽ có nhiều gia súc hơn, thậm chí ngư dân cũng muốn có bùa chú để thu hoạch được nhiều cá hơn. 

Điều mê tín đó đã ăn sâu vào tiềm thức nhiều người Tanzania và đặc biệt năm 2006, nó đã nổi lên khắp các vùng quê tạo nên một làn sóng bạo lực khắc nghiệt đối với người bạch tạng. Nhưng có lỗi nhất trong việc truyền bá điều mê tín này là các thầy mo, họ khiến cho những nông dân nghèo tin rằng bộ phận cơ thể người bạch tạng có sức mạnh huyền bí.

Mối đe dọa đối với người bạch tạng ở Tanzania bắt đầu thu hút sự chú ý của truyền thông thế giới sau vụ việc Mariam Staford, một người mẹ bị chặt đứt cả 2 cánh tay năm 2008. “Trong khi cô ấy đang ở trong bệnh viện, chị em cô còn bị tấn công nên phải tạm nghỉ học”, Anna Nyamubi, người đang hỗ trợ  hai cô gái đang bị bạch tạng và là một trong những người ủng hộ quyền cho người bạch tạng hàng đầu ở  Tanzania cho biết. Nyamubi đang điều hành một trường nội trú ở miền Trung Bắc Tanzania dành cho 250 trẻ em bạch tạng khi các bậc cha mẹ lo sợ cho sự an toàn của con cái tại địa phương. Theo bà Nyamubi, một số trẻ đã suýt bị người ta rình chặt chân tay nên phải nghỉ học.

Chưa thể loại trừ tận gốc

Tuy nhiên, những năm gần đây ở nhiều nơi người bạch tạng Tanzania đã được cộng đồng chấp nhận. “Trước đây, chúng tôi luôn bị kỳ thị, nếu lên xe buýt, nhất định không ai chịu ngồi cùng”, ông Abdilm Omari ở Thủ đô Dar es Salaam nói. Omari cho biết, thậm chí không có doanh nghiệp, công ty nào thuê người bạch tạng làm việc.

Nhưng kể từ khi nước này thông qua Luật Người khuyết tật tháng 4- 2010, tình trạng phân biệt giảm đáng kể, đáng kể nhất là quy định các công ty phải phân bổ ít nhất 3% vị trí lao động cho người bạch tạng.

Thành công của luật này một phần nhờ nỗ lực đấu tranh của bà Al-Shaymaa Kwegyir, người bạch tạng đầu tiên trong Quốc hội Tanzania. Bà Kwegyir nhớ lại, hồi nhỏ khi sống ở khu vực ven biển Tanga, Kwegyir luôn bị bắt nạt vì làn da của mình. “Những bạn khác trêu chọc, nhổ nước bọt vào tôi. Tôi hỏi mẹ tại sao da tôi màu trắng, còn các anh em trai lại có màu đen. Bà bảo, thế là bình thường, đừng lo, chỉ là màu sắc thôi mà”.

Lần đầu tiên ứng cử Quốc hội năm 2005, bà Kwegyir nghe nhiều lời dè bỉu rằng làm sao họ có thể chọn một phụ nữ có màu da như thế, nhưng quyết tâm, bà đã trở thành thành viên Quốc hội vào năm 2010. Bà cho biết thách thức lớn nhất đối với người bạch tạng ở đây chính là vấn đề y tế: Hầu hết người bạch tạng có thị lực kém do thiếu melanin, nhiều quốc gia còn công nhận người bạch tạng là người mù. Chưa kể họ còn có làn da dễ bị cháy nắng nghiêm trọng và ung thư da, cho nên với nhiều người Tanzania chi phí điều trị là ngoài tầm với.

Nhưng ngay cả tại Thủ đô Tanzania, điều mê tín về người bạch tạng còn chưa được triệt tiêu hoàn toàn. Chị Muhamed đã phải bỏ nhà đưa hai con gái bạch tạng đến một khu ổ chuột ở phía nam Dar es Salaam. Tại nơi ở mới này, ba mẹ con vẫn bị những tên tội phạm rình mò. Năm ngoái, một ngày Muhamed vắng nhà, 3 người đàn ông lạ đến đây và sục sạo đòi người hàng xóm cho bọn họ xem mặt trẻ con. Người hàng xóm kịp giấu con của Muhamed trước khi bọn chúng xông vào căn nhà trống. Sau đó, bọn chúng bỏ đi. Muhamed đã báo cáo sự việc cho cảnh sát nhưng hiện giờ, hiếm khi chị cho con ra ngoài sân chơi vì sợ bị chú ý.

Năm 2006 là đỉnh điểm của làn sóng bạo lực đối với người bạch tạng châu Phi. Theo một báo cáo năm 2012 của nhóm vận động vì người bạch tạng mang tên Dưới một vòm trời (Under the Same Sun), 71 người bạch tạng Tanzania đã tử vong, xảy ra 32 vụ cố ý giết người khiến một số nạn nhân ở Tanzania và các nước châu Phi, đặc biệt là Burundi và Kenya thành người khuyết tật do bị cắt mất một phần cơ thể. Năm ngoái cảnh sát Tanzania mới chỉ khởi tố được 5 đối tượng.