Người bà tàn độc giết chồng, con gái và cháu nội bằng lá ngón

ANTĐ - Đau xót thay, chính sự thất học và ma túy là “con ma” tàn độc nhất đã lôi kéo, rủ rê và nhấn chìm con người ta vào tội lỗi.

Một buổi chiều tối mưa gió của năm 2005, tại Đội cảnh sát điều tra tội phạm về TTXH Công an huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên xuất hiện một người khách lạ. Anh là Hạng A Sú, người dân tộc thiểu số, ở tận bản Háng Trợ B, xã Pú Nhi, huyện Điện Biên Đông, cách trụ sở Công an huyện gần một ngày đi bộ. Hạng A Sú đến báo tin, cháu Hạng Thị Lẩu, con gái của anh mới được vài tháng tuổi đã bị chết, anh nghĩ là do bị đầu độc bằng lá ngón. Tiếp nhận thông tin, Đại úy Sùng A Suốt vội vã lên đường. Đau xót thay, chính sự thất học và ma túy là “con ma” tàn độc nhất đã lôi kéo, rủ rê và nhấn chìm con người ta vào tội lỗi.

Giết cháu nội vì ghét con trai không cho tiền hút thuốc phiện

Khi nhận được tin báo của Hạng A Sú, đồng chí Sùng Á Suốt vội vã lên đường. Tại hiện trường, một cháu bé còn đang ẵm ngửa đã chết, ở mép cháu bé vẫn còn đọng dung dịch màu xanh sẫm. Lúc trước, khi đang trên đường về nhà, Hạng A Sú có nói với anh Suốt: “Tao nghĩ là có người đã bắt nó phải ăn cái lá độc mà chết thôi”. Khi thấy con trai cùng anh Công an về nhà, mặt Thào Thị Bia, mẹ đẻ của Sú (tức là bà nội của cháu bé bị chết) biến sắc. Thái độ ấy không qua được mắt anh Suốt. Khi tiếp xúc với Thào Thị Bia, Đại úy Suốt thấy bà ta lúng ta lúng túng như gà mắc tóc. Anh Suốt hỏi bà Bia: “Vào thời điểm cháu bé bị chết trong nhà có những ai?” thì Thào Thị Bia lập tức đánh rơi cái chén đang cầm trên tay vỡ tan. Từ đó, mắt Bia cứ lén lút nhìn anh cán bộ Công an, hoặc giả vờ đi xuống bếp hay làm việc gì đó. Hạng A Sú cho biết, hôm con anh bị chết, chỉ có Bia ở nhà bồng cháu. Vợ chồng anh phát hiện ra sự việc khi đi làm nương về. Nghe con trai nói thế, Bia vội vàng quay mặt đi, hỏi gì bà ta cũng không nói.

Thào Thị Bia.

Anh Sùng A Suốt kể rằng, Thào Thị Bia là người đàn bà nghiện ma túy nặng, bà ta thường đòi tiền của con cái để đi mua thuốc phiện. Ở cái vùng nghèo khó nhất của huyện Điện Biên Đông, người dân túng đói quanh năm, như vợ chồng Hạng A Sú phải lao động quần quật, suốt ngày lên nương lên rẫy mà vẫn không đủ ăn, vậy mà Thào Thị Bia lại đòi tiền của vợ chồng con trai để mua thuốc phiện. Qua điều tra các anh được biết, cách hôm xảy ra cái chết của cháu bé con anh Sú vài ngày, Sú và mẹ đã cãi nhau một trận kịch liệt cũng chỉ vì bà Bia đòi tiền của con trai, trong khi vợ chồng Sú không còn một đồng nào. Thấy mọi người kéo tới nhà mình thăm hỏi, Thào Thị Bia ngồi ra một góc, không nói chuyện với ai. Đến khi anh Suốt hỏi: “Chiếc ấm bà vẫn đun thuốc để ở đâu?” thì gương mặt Bia biến sắc. Nhưng bà ta nhất định dùng chiến thuật “đổ bê tông”, không hé răng nửa lời như người câm. Đến khi thấy mọi người không để ý, Thào Thị Bia len lén bỏ đi vào trong rừng. Hai ngày sau, kết quả giám định cho thấy, nguyên nhân gây ra cái chết của cháu Hạng Thị Lầu là do lá ngón, nội tạng của cháu bé bị xung huyết. Thào Thị Bia đã bị tạm giữ, đưa về Công an huyện Điện Biên Đông.

Những lời khai nhận của Thào Thị Bia sau đó đã được “dịch” lại như sau: Khoảng 15 giờ ngày 2/12/2005, vợ anh Hạng A Sú là Lầu Thị Ía đã nhờ mẹ chồng ở nhà trông cháu Hạng Thị Lầu để chị đi tưới rau, lúc đó cháu Lầu đang ngủ. Khi Ía ra khỏi nhà được 100m, bà Bia vào rừng cạnh nhà đào đoạn rễ lá ngón dài khoảng 2cm mang về nhà dùng dao vót ra làm 3 mảnh sau đó cho vào bát đổ nước nóng vào ngâm 2 phút. Chờ cho nước ngấm vào rễ lá ngón, bà Bia ngậm nước trong miệng mớm cho cháu Lầu rồi khạc nhổ hết nước lá ngón trong miệng mình. 20 phút sau thấy Lầu khóc do khó thở, Bia gọi con dâu vào bế cháu nhưng chỉ một lúc sau là cháu bé tắt thở.

“Do Thào Thị Bia nghiện hút lâu năm, nhiều lần xin tiền con trai không được, Bia đâm ra ghét anh Hạng A Sú và nảy sinh ý định giết cháu Lầu để trả thù. Bà ta đã dùng rễ cây lá ngón để giết cháu bé” - anh Sùng A Suốt nói. Thực hiện kế hoạch của mình, Bia đã dùng dao phát sạch lá cây lá ngón để cho chất độc tập trung hết vào rễ rồi sau đó nấu nước lên mớm cho cháu bé, gây ra cái chết oan uổng của cháu.

Những cái chết được lật lại

Quá trình đấu tranh với Thào Thị Bia, các điều tra viên đã lật ngược lại cái chết của con gái bà Bia từ năm 2004. Đó là Hạng Thị Mang, chị này đã chết cứng trên giường ở nhà nương chỉ sau khi được mẹ đến thăm. Về cái chết của con gái, Thào Thị Bia khai nhận, Bia biết con gái mình có một khoản tiền (10 triệu đồng) nhưng khi Bia đến xin tiền, chị Mang nhất định không cho vì biết rằng mẹ mình sẽ nướng hết vào thuốc phiện. Vì vậy, người đàn bà độc ác này đã lên kế hoạch giết con gái. Bình thường, chị Mang vẫn ở nhà nương, cách bản Háng Trợ B khoảng 8km. Giả vờ lên thăm con, bà Bia mang theo một lọ thuốc mà bà nói với Mang rằng đó là thuốc bổ, mang lên cho chị uống giúp khỏe người (thực chất, Bia đã đổ vào đó nước đun rễ cây lá ngón).

Sau đó, Bia nói với con gái mình sẽ về bản Háng Trợ B có chút việc và nghỉ lại 2 đêm ở đó. Đồng thời, Bia lại rủ con trai là Hạng A Sú và Hạng Chia Chứ đến nhà nương nơi Mang ngủ. Khi mọi người về đến nhà nương thì đã thấy Mang nằm chết trên giường. Cái chết của chị Mang khi ấy không làm dân bản nghi ngờ mà dư luận chỉ cho rằng, chị Mang chết vì tự tử chứ không ai biết, thủ phạm giết chị Mang lại chính là mẹ đẻ của chị, vì không được cho tiền để thỏa mãn cơn nghiện.

Khi đi sâu tìm hiểu những cái chết giống nhau của người thân Thào Thị Bia, các điều tra viên lại phát hiện thêm cái chết của ông Hạng Chứ Dính (chồng Bia) vào năm 2002. Ông Dính cũng được phát hiện khi đã chết tại nhà nương. Và cũng không ai biết cái chết của ông Dính là có bàn tay phù thủy của bà vợ. Thào Thị Bia đã cho chồng “uống thuốc bổ” nhưng thực chất là nước lá ngón. Anh Sùng A Suốt kể rằng, ông Dính ốm yếu nhiều năm không làm ăn gì được, gia cảnh lại khó khăn không có tiền chữa bệnh nên Bia đã giết ông ta vì ông này hay ốm yếu, bệnh tật và vì “không thích Dính” nhưng bị gia đình chồng bắt lấy.

Ở một bản khai tại CQĐT, Bia cho biết: “Khoảng 4 năm, ngày tháng nào tôi không nhớ rõ, tôi đã dùng rễ cây lá ngón đầu độc chết chồng tôi là Hạng Chứ Dính. Lý do: Dính là chồng thứ hai của tôi. Tôi lấy hai anh em một nhà làm chồng. Đầu tiên, tôi lấy anh tên là Hạng Vả Chống. Sau khi Chống ốm chết (cái chết này tôi cũng không rõ nguyên nhân!) thì anh em nhà chồng lại cho tôi lấy em tên là Hạng Chứ Dính. Nhưng tôi không thích Dính, ông ấy hay ốm yếu, nhiều bệnh tật. Vợ chồng sống với nhau lục đục lắm. Tôi không thích Dính suốt ngày mắng chửi tôi, bắt tôi cai thuốc phiện. Bởi thế, tôi đã dùng nước rễ cây lá ngón cho vào ấm nước sắc lên, lấy nước đặc để đầu độc giết chết Dính...”.

Về cái chết của ông Dính thì quả thật là dân bản Háng Trợ B không mảy may nghi ngờ, bởi vì ông này đau ốm đã lâu, lại không có thuốc men chữa trị nên bệnh tật ngày càng nặng. Mọi người đều nghĩ, cái chết của ông Dính chẳng qua là do bệnh tật mà thôi. Thế nên, Thào Thị Bia đã ung dung với tội lỗi của mình cho đến 3 năm sau đó, những hành vi dã man của mụ mới được phát hiện. Không biết, nếu vụ giết đứa cháu nội không bị phát hiện thì Thào Thị Bia còn gây tội ác với những ai nữa, khi mà đầu óc tăm tối của mụ suốt ngày chỉ nghĩ đến thuốc phiện, làm thế nào để có tiền thỏa mãn cơn nghiện, và khi không xin được tiền của các con, mụ đã nghĩ ngay cách trả thù tàn độc. Mụ là một con quỷ chứ không phải con người khi lần lượt giết chồng, giết con rồi giết đến cháu nội.

Ở những vùng sâu, vùng xa nghèo khó như ở xã Pú Nhi, huyện Điện Biên Đông, thì việc học chữ đối với người dân nơi đây chỉ là chuyện... vớ vẩn. Họ cần hơn cái ăn, cái mặc, và nhiều thế hệ người già nơi đây đã làm bạn với thuốc phiện đến giờ không từ bỏ được. Đó chính là những nguyên nhân nảy sinh tội ác. Cả đời Bia gắn chặt với xứ sở chỉ có núi và núi. Sinh ra và lớn lên ở Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, sau này mụ lấy chồng ở huyện Điện Biên Đông. Đường nhựa và những ngôi nhà mái bằng với mụ là những cảnh tượng chỉ có ở trong mơ. Lần đầu tiên mụ biết thế nào là phố thị khi được đưa về Công an huyện Điện Biên Đông và cũng lần đầu tiên mụ được cho lên xe thùng chở về xuôi để thụ án tại Trại giam Xuân Nguyên, Hải Phòng. Đó là quãng đường đi xa nhất từ trước đến nay của mụ, nhưng không phải bằng chân mà là bằng... mông, như cách nói hài hước của những người dân tộc thiểu số khi lần đầu được ngồi ô tô.

Việc hòa nhập với cuộc sống vùng xuôi, với những phạm nhân cùng buồng với mụ cũng là một việc vô cùng khó khăn. Mụ giữ thói quen không tắm rửa hàng ngày, có khi hàng chục ngày, thế nên có lần, các phạm nhân phải hò nhau khiêng mụ ra tắm gội vì không chịu nổi mùi hôi hám toát ra từ mụ. Giờ thì Thào Thị Bia đã quen với cuộc sống trại giam, đã biết tuân thủ những quy định của trại, nhưng mụ vẫn chưa nói được nhiều tiếng Kinh, vì thế trong sinh hoạt hằng ngày, các phạm nhân nữ cùng buồng vẫn phải giúp đỡ mụ. Đau ốm thì được cán bộ phát thuốc, hằng ngày cũng không phải làm gì nặng nhọc, chỉ quét lá, làm vệ sinh nơi mình ở, tuổi già của Thào Thị Bia xem ra thật an nhàn. Nhưng trong thâm tâm, mụ đã biết ân hận về tội lỗi của mình, có nhiều buổi chiều, mụ ngồi ngoài sân, mắt hướng xa xăm về một nơi vô định. Nơi ấy, mụ có những người thân thiết, không biết giờ này đã tha thứ cho tội lỗi của mụ hay chưa?