“Người Ba Na ở Kon Tum”

ANTĐ - Cuốn sách này xuất bản lần đầu tiên vào năm 1937 dưới tựa đề “Mọi Kon Tum”. Đây là tác phẩm khá nổi tiếng của hai anh em tác giả Nguyễn Kính Chi và Nguyễn Đổng Chi. 74 năm sau - năm 2011, cuốn sách đã được NXB Tri Thức ấn hành theo đơn đặt hàng của Nhà nước với tên gọi mới.

Nhiều học giả cho rằng, chính vì cái tên gọi cũ “Mọi Kon Tum” nên cuốn sách không được xuất hiện rộng rãi. Tuy nhiên, theo lý giải của một số nhà nghiên cứu, thì từ “mọi” xuất phát từ “tơmoi” trong tiếng Ba Na có nghĩa là người khách. Song, qua cuốn sách của tác giả Nguyễn Kính Chi và Nguyễn Đổng Chi, “Người Ba Na ở Kon Tum” đầu thế kỷ 20 hiện lên với tất cả những nét đẹp và hồn nhiên. Họ được các tác giả tôn trọng và thể hiện trong cuốn sách với một tình cảm yêu mến…

Những ghi chép cẩn trọng, có kiểm chứng, sự cần mẫn, tỉ mỉ và rất khoa học đã làm nên một công trình nghiên cứu hết sức giá trị, được coi là kho tri thức về lịch sử Kon Tum và văn hóa của người Ba Na. Đây cũng là công trình đầu tiên của ngành Dân tộc học được viết bằng tiếng Việt. Cuốn sách tái bản lần này được in bằng hai ngôn ngữ Việt - Pháp, có bổ sung tư liệu ảnh, trong đó có nhiều ảnh chụp chân dung người Ba Na, về phong tục, tập quán, sinh hoạt của họ và hình ảnh Kon Tum đầu thế kỷ 20. “Người Ba Na ở Kon Tum” là kết quả hợp tác giữa Viện Viễn đông Bác cổ Pháp (EFEO) tại Hà Nội và Viện Nghiên cứu văn hóa (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam). Không chỉ là một công trình nghiên cứu khoa học, người đọc có thể tìm đọc cuốn sách như một tác phẩm văn học với những ghi chép và phân tích hết sức thú vị.