Ngừng than thở, tránh bi quan tìm giải pháp cho du lịch Việt trước "khủng hoảng nCoV"

ANTD.VN -Đó là phương châm mà Hiệp hội du lịch Việt Nam vừa đề ra tại cuộc họp trực tuyến với sự tham dự của các điểm cầu trên khắp cả nước. Cuộc họp nhằm đề ra giải pháp, phương hướng khả thi nhất để hạn chế tác động của dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona đối với du lịch Việt Nam.

Sụt giảm lượng khách

Hiệp hội Du lịch Việt Nam đưa ra một số thống kê. Tại Hà Nội, lượng khách hủy phòng tính đến ngày 4/2 lên tới hơn 13 nghìn phòng, tương đương hơn 1,6 vạn khách; các hoạt động vận chuyển giảm 30-50%. Thừa Thiên - Huế dù chưa có ca nào mắc bệnh, tuy nhiên virus Corona khiến du lịch tỉnh này sụt giảm ít nhất 10%.

Khách quốc tế đến Đà Nẵng giảm 30-40%, còn công suất lưu trú khách sạn chỉ đạt khoảng 30%. Quảng Ninh cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Ninh, thường ngày khoảng 12 nghìn khách tham quan vịnh Hạ Long, nay còn 3 nghìn, dự kiến giảm nữa trong những ngày tới.

Lượng du khách tới Việt Nam sụt giảm mạnh do ảnh hưởng từ dịch viêm phổi cấp

Ông Hoàng Văn Tuyên, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch của Lào Cai thông tin: Hiện nay có khoảng 30% đến 50% khách sạn tại Lào Cai bị hủy dịch vụ, du lịch tỉnh đang thiệt hại rất lớn. Sau dịch, du lịch Lào Cai còn tiếp tục khó khăn vì rất khó trông chờ vào nguồn khách du lịch từ Trung Quốc. Chính vì thế, ngay từ bây giờ, du lịch Lào Cai đã chuyển hướng tập trung khai thác thị trường nội địa và các thị trường khác….

Xốc lại thị trường thế nào?

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết: Không chỉ lượng khách du lịch giảm trong thời điểm có dịch mà ngay cả khi dịch kết thúc thì du lịch cũng là ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất, sớm nhất, gặp nhiều khó khăn nhất. Làm thế nào để tận dụng sức lao động, trí tuệ tập thể của toàn ngành… để cùng phòng, chống dịch, vừa hạn chế tác động tiêu cực của dịch đối với du lịch trong thời điểm đang có dịch và tập trung khôi phục phát triển du lịch ngay khi dịch qua đi thì cần phải tính ngay từ bây giờ.

Các di tích danh thắng ở Hà Nội đồng loạt thực hiện các biện pháp  vệ sinh phòng dịch, phun thuốc khử trùng

Giải pháp trước mắt, Hiệp hội Du lịch của các tỉnh, thành phố đã phối hợp chặt chẽ với các Sở Du lịch, Sở VHTT&DL dốc sức chống dịch. Cụ thể, tất cả khách sạn tăng cường giải pháp khử trùng, phát khẩu trang miễn phí cho du khách, hoặc tham gia tập huấn, phối hợp với ngành y tế trong tình huống nghi có khách bị nhiễm virus Corona.

Giải pháp lâu dài cũng đã được nhiều công ty du lịch đưa ra cụ thể và chi tiết.

Ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội nhấn mạnh đến yếu tố khách nội địa, điều này đảm bảo tính bền vững của thị trường. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng có những hoạt động cụ thể nhằm chủ động đa dạng hóa thị trường, tránh bị lệ thuộc vào một vài thị trường nhất định. Hiện tại, du lịch Hà Nội gấp rút khảo sát, xúc tiến thị trường Philippines, Indonesia để có thể đón khách sớm.

Ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Hanoitourist, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam nêu một loạt việc trước mắt của Hiệp hội Du lịch Việt Nam và địa phương. Một trong những việc đó là phát huy mối quan hệ thân thiết giữa Hiệp hội và các hiệp hội du lịch của Nhật Bản, Mỹ… nhằm thu hút và thúc đẩy giao lưu trao đổi khách du lịch.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Chúng tôi vẫn mở cửa cho khách tham quan vịnh Hạ Long, không thể để các hoạt động ngừng trệ. Chúng ta không nên cấm, dừng triệt để hoạt động ở các điểm không có dịch”. Sáng kiến của Quảng Ninh là tranh thủ thời điểm vắng khách, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung nâng cấp cơ sở vật chất tại các điểm du lịch, cơ sở lưu trú để nâng cao chất lượng phục vụ.

Đại diện Hiệp hội du lịch của nhiều địa phương cũng đề xuất thúc đẩy kích cầu du lịch ngay sau khi đẩy lùi được dịch bệnh. Cùng với đó là các hình thức liên kết kích cầu nội địa. Liên kết để giảm giá vé máy bay, ô tô, khách sạn, điểm du lịch, thậm chí giảm giá quyết liệt để giữ khách trong nước.

Đền Ngọc Sơn, di tích quan trọng bậc nhất của Hà Nội sau 1 ngày đóng cửa thực hiện vệ sinh, phun thuộc khử trùng đã mở cửa trở lại đón khách tham quan

Ông Vũ Thế Bình nhận định, dịch bệnh lần này là dịp thử thách ngành du lịch nhưng cũng là dịp để nhìn nhận lại, không thể cứ trông chờ vào một nguồn khách chủ lực. Sự sụt giảm khách Trung Quốc chắc chắn tác động không nhỏ, tuy nhiên không phải là không thể khắc phục. “Đây chính là vấn đề đòi hỏi đa dạng hóa thị trường khách du lịch”, ông Vũ Thế Bình khẳng định.

Được biết, các ý kiến đóng góp tại Hội nghị sẽ được Lãnh đạo Hiệp hội Du lịch Việt Nam tập hợp đề xuất lên Chính phủ, hoàn thiện các chính sách ưu đãi, sớm đưa du lịch thoát khỏi ảnh hướng xẩu từ dịch bệnh một cách chủ động và khẩn trương nhất.