Ngư dân sẽ có thêm nhiều tàu vỏ thép vươn khơi

ANTĐ - Để giúp ngư dân vươn khơi, bám biển vừa khai thác sản xuất vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo, việc hỗ trợ nguồn vốn giúp cải hoán tàu cũ, đóng tàu mới công suất lớn đang được hệ thống ngân hàng tích cực tham gia. 
Ngư dân sẽ có thêm nhiều tàu vỏ thép vươn khơi ảnh 1
Đội tàu công suất nhỏ sẽ dần được thay thế bởi các tàu vỏ sắt công suất lớn


Triển khai gói 10.000 tỷ đồng lãi suất thấp

Ông Nguyễn Viết Mạnh – Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế của NHNN cho biết: “Hoạt động đánh bắt gần bờ trong suốt một thời gian dài khiến tài nguyên cạn kiệt, các tàu đánh bắt nhỏ lẻ không mang lại hiệu quả. Như vậy, nguồn lợi thủy sản bây giờ phải là đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên, với những con tàu của bà con ngư dân hiện nay thì không thể nào ra khơi đánh bắt xa bờ được. Cần một đội tàu mới để ngư dân vươn khơi, bám biển”. 
“Gần đây, phản ánh của truyền thông cho rằng việc tiếp cận vốn của ngư dân rất khó khăn, quả thực đúng là như vậy. Để đóng được một con tàu có thể ra khơi xa cần nguồn vốn lớn, thí điểm đóng tàu vỏ thép tại Quảng Ngãi cho thấy số tiền phải bỏ ra là 23 tỷ đồng, tàu vỏ gỗ là 7-10 tỷ đồng. Như vậy tài sản của ngư dân không thể đủ để thế chấp". 
"Ngay bản thân người ngư dân cũng không dám vay số tiền lớn như vậy để đóng tàu bởi ra khơi hiện nay phải đối mặt với nhiều rủi ro như thiên tai cũng như tình hình căng thẳng trên biển Đông. Thậm chí việc sử dụng chính con tàu đó làm tài sản thế chấp cũng không có gì đảm bảo là không có rủi ro”, ông Nguyễn Viết Mạnh phân tích. 
Những khó khăn này cũng được nêu ra tại Hội nghị về giải pháp và chính sách phát triển thủy sản tổ chức tại TP. Đà Nẵng trong tháng 4 vừa qua. Để khuyến khích ngư dân đóng tàu có công suất lớn, Thống đốc NHNN - Nguyễn Văn Bình cho biết, NHNN dự kiến đưa gói tín dụng 10.000 tỷ hỗ trợ ngư dân cải hoán tàu cũ, đóng tàu mới công suất lớn vươn khơi xa. Trong đó, ngư dân sẽ được cho vay với lãi suất 6%/năm trong 10 năm.
Tuy nhiên, ngay tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu Thống đốc NHNN điều chỉnh lãi suất còn 5%/năm hoặc thấp hơn để ngư dân yên tâm sản xuất. Ngoài ra, ngân sách Trung ương và địa phương sẽ đối ứng hỗ trợ 50% lãi suất. Như vậy, mức lãi suất ngư dân phải trả chỉ dừng lại khoảng 3%/năm.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết thêm, ngành ngân hàng có chính sách tín dụng khuyến khích các hộ gia đình, hợp tác xã và doanh nghiệp thực hiện liên kết trong quá trình khai thác nhằm tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm khai thác khép kín: Đóng tàu-khai thác-hậu cần thủy sản-tiêu thụ sản phẩm. Nếu các mô hình liên kết khép kín này được thực hiện, ngân hàng có thể cung cấp tín dụng với điều kiện ưu đãi thêm về thời hạn, lãi suất và có thể miễn tài sản thế chấp.
Về việc triển khai các chính sách tín dụng hỗ trợ ngư dân theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ cũng như Thống đốc NHNN, ông Nguyễn Viết Mạnh cho biết: “Ngành ngân hàng đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nghiên cứu một cơ chế chính sách tín dụng hỗ trợ ngư dân đóng thuyền lớn ra khơi, vừa đảm bảo kinh tế, vừa đảm bảo an ninh quốc phòng nhưng phải hướng vào có liên kết trong sản xuất. Ngành ngân hàng đang chủ động tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho bà con ngư dân tiếp cận vốn tín dụng”. 

Mỗi người ủng hộ 100.000 đồng hỗ trợ ngư dân

Cùng với việc triển khai hỗ trợ tín dụng của NHNN, ngân hàng thương mại cũng đã vào cuộc nhằm ủng hộ ngư dân vươn khơi bám biển. Mở đầu cho hoạt động này, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) vừa phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức Lễ phát động “Chung tay góp sức vì biển Đông, ủng hộ ngư dân vươn khơi bám biển tại các vùng biển của Tổ quốc”. 
Đại diện BIDV cho biết: “Ngân hàng sẽ dành 26,7 tỷ đồng hỗ trợ lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư, TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và bà con ngư dân để xây dựng các công trình, tài sản, phục vụ vươn khơi, bám biển, thực hiện sản xuất. Bên cạnh đó, BIDV cũng sẽ dành nguồn vốn 3.000 tỷ đồng để cho vay chương trình đóng mới tầu sắt, công suất lớn, xây dựng hệ thống phục vụ khai thác đánh bắt xa bờ, góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”.
Ngoài những hỗ trợ cụ thể như trên, BIDV cũng đề xuất: “Các tổ chức chính trị, xã hội, kêu gọi toàn thể các tổ chức và cá nhân Người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài, các tổ chức tiến bộ, chính nghĩa trên thế giới chung tay đóng góp vật chất. Mỗi người trong độ tuổi lao động dành 100.000 đồng/năm để ủng hộ kinh phí cùng Nhà nước, bà con ngư dân thực hiện nâng cao năng lực hệ thống đánh bắt, khai thác, chế biến hải sản trên vùng biển của Tổ quốc. 
Xây dựng hệ thống các cột cờ chủ quyền Tổ quốc tại tất cả các đảo trên thềm lục địa, lãnh hải của Tổ quố. Hỗ trợ vốn triển khai thực hiện mô hình cảng dịch vụ nghề cá trên biển, cho vay đóng mới hệ thống tầu trọng tải lớn cung cấp dịch vụ trên biển cho các tầu cá đánh bắt xa bờ như cung cấp xăng dầu, lương thực, y tế…”.