Ngư dân không chỉ cần vốn lớn

ANTĐ - Gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng mà Quốc hội vừa quyết định chi để triển khai đóng tàu vỏ sắt cho ngư dân đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của các nghiệp đoàn nghề cá, bà con ngư dân và chính quyền các tỉnh miền Trung. So với tàu gỗ, tàu cá vỏ sắt được kỳ vọng với nhiều tính năng ưu việt: tốc độ nhanh, giảm tiêu hao nhiên liệu, an toàn. Song, để các con tàu vỏ sắt đánh bắt hiệu quả trên ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa trong bối cảnh các loại tàu của Trung Quốc bủa vây, chèn ép, đâm va, cần phải chuẩn bị tốt cho ngư dân kỹ năng cũng như hạ tầng kỹ thuật, hậu cần, nhất là thiết kế, trang bị những tàu này.

Sau khi hồ hởi đón nhận chương trình vốn Nhà nước cho vay đóng tàu cá vỏ sắt, ngư dân và các nghiệp đoàn cá đã bày tỏ nhiều tâm trạng, suy nghĩ thậm chí có cả lo lắng. Hàng loạt câu hỏi được đặt ra: Thiết kế tàu vỏ sắt có phù hợp với thói quen dùng tàu gỗ truyền thống hay không? Việc sửa chữa, bảo dưỡng tàu sắt sẽ phức tạp, tốn kém hơn tàu gỗ, vậy sẽ sửa chữa ở đâu? Ngay cả những mẫu tàu mà Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (tiền thân là Vinashin) vừa đóng và ra khơi cũng bộc lộ những bất hợp lý về thiết kế, trang bị chỉ hợp với câu mực đại dương không phù hợp với những nghề đánh bắt khác. Phải công nhận rằng, tàu vỏ gỗ, vừa nhỏ vừa yếu, dễ bị tàu Trung Quốc ức hiếp, tấn công, trong khi tàu vỏ sắt chạy nhanh và cơ động hơn, năng suất cao hơn, quan trọng là ngư dân tự tin hơn. Tuy vậy, đâu phải cứ vay được nhiều tiền, đóng tàu sắt mã lực lớn sẽ vươn được khơi xa, đánh được nhiều cá tôm.

Xưa nay, với một tàu vỏ gỗ công suất nhỏ chỉ vài người trong họ hàng, làng xóm có thể hùn vốn chung nhau ra khơi. Nay tàu vỏ sắt cả chục tỷ đồng, quy mô đánh bắt lớn hơn rất nhiều nên không chỉ cần vốn lớn mà phải có đủ nhân lực, nắm chắc kỹ thuật. Tàu vỏ sắt công suất lớn, hiện đại, nếu không được đào tạo, huấn luyện kỹ lưỡng thì rất khó xoay xở khi xảy ra sự cố giữa trùng khơi. Theo một số lãnh đạo Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn và Hiệp hội Nghề cá tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Nghệ An, ngành đóng tàu nên tham khảo ý kiến đóng góp của ngư dân để chọn những mẫu tàu phù hợp cho từng nghề đánh bắt. Mặt khác, nếu chỉ tập trung đóng tàu to, mà hạ tầng không đồng bộ thì cũng không mang lại hiệu quả. Hiện ở nhiều địa phương chỉ có nhà máy đóng, sửa chữa tàu gỗ.

Điều cực kỳ quan trọng là, không để ngư dân thiếu sự chủ động khi vay vốn đóng tàu, theo kiểu tàu đóng sẵn rồi giao bà con ký vào hồ sơ vay vốn để mua tàu. Đến nay, ngư dân vẫn còn ám ảnh nặng nề về chương trình đầu tư tàu xa bờ kém hiệu quả cách đây hơn chục năm. Với những gian dối, vi phạm pháp luật nghiêm trọng việc lập hồ sơ, thẩm định, giải ngân, hậu quả là nhiều con tàu được mua hàng trăm triệu đồng, mỗi chiếc đều “đắp chiếu” trên bờ vì chất lượng máy móc, vỏ tàu quá tồi tệ. Vì vậy, chương trình đóng tàu vỏ sắt lần này dứt khoát không lặp lại kịch bản “vốn vay xa bờ”, “tàu nằm phơi bờ” như lần trước.