Ngột ngạt nơi cảng cá Diêm Điền

(ANTĐ) - Thời gian qua, Báo An ninh Thủ đô liên tiếp nhận được điện thoại, đơn của người dân các xã ven cảng cá Tân Sơn, thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, Thái Bình phản ánh việc môi trường sống nơi đây đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, nhưng chính quyền địa phương chưa có biện pháp hữu hiệu nào nhằm giảm thiểu ô nhiễm.

Ngột ngạt nơi cảng cá Diêm Điền

(ANTĐ) - Thời gian qua, Báo An ninh Thủ đô liên tiếp nhận được điện thoại, đơn của người dân các xã ven cảng cá Tân Sơn, thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, Thái Bình phản ánh việc môi trường sống nơi đây đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, nhưng chính quyền địa phương chưa có biện pháp hữu hiệu nào nhằm giảm thiểu ô nhiễm.

Cảng cá đang bị bức tử

Vào một ngày giữa tháng 5, khi những đợt nắng nóng đầu tiên đang bao trùm khắp các tỉnh phía Bắc - chúng tôi tìm xuống Diêm Điền, huyện Thái Thụy, Thái Bình, nơi người dân đang “than trời” vì môi trường sống của họ đang bị hủy hoại bởi khí thải, nước thải từ những cơ sở chế biến thủy sản nằm san sát quanh cảng cá Tân Sơn, thị trấn Diêm Điền. Con đường chính dẫn ra cầu cảng, một bên là những cơ sở chế biến thủy sản, một bên là kênh thoát nước của thị trấn chảy thẳng ra cửa biển. Bởi đang là giữa trưa, nên thủy triều xuống thấp. Dọc theo bờ kênh từng “núi” rác thải, chất thải thủy sản tràn xuống mặt kênh, khiến ranh giới của mép nước và bờ đất bị xóa nhòa. Nước trong kênh đặc quánh, đen ngòm, liên tục sủi bọt. Cỏ lác và một số loài cây thủy sinh đã chuyển sang màu vàng úa.

Cảng cá Tân Sơn (Diêm Điền) đang ngắc ngoải bởi ô nhiễm

Cảng cá Tân Sơn (Diêm Điền) đang ngắc ngoải bởi ô nhiễm

Tại trung tâm cảng cá, mức độ ô nhiễm càng kinh khủng. Cả sân cảng cá rộng vài nghìn mét vuông đang được dùng làm nơi phơi đầu tôm, cá thối mục là sản phẩm thải loại của những cơ sở chế biến thủy sản. Từng đàn ruồi nhặng lao đến bu kín người. Đám thì xục vào tóc, con thì chui vào tai, vào mũi khiến chúng tôi nổi da gà. Cùng với âm thanh vo vo, u u của bầy ruồi nhặng, là bầu không khí ngột ngạt, đặc quánh mùi hôi thối của thủy sản đang trong quá trình phân hủy.

Bao quanh khu cảng cá, ngoài con kênh chính, có thêm một máng tàu và vô số đường thoát nước của các cơ sở chế biến thủy sản đua nhau xả ra cửa biển Diêm Điền. Nước thải ở đây có chung một màu đen hoặc nâu sậm. Rác thải và sự ô nhiễm từ cảng cá Tân Sơn khiến cả thị trấn Diêm Điền và vài xã lân cận chìm trong ô nhiễm đến mức báo động đỏ.

Còn đâu “hàng phi lao gió hát”?

Anh Tạ Bá Trung, một ngư dân sống ở thôn Quang Lang, xã Thụy Hải, sát với cảng cá Tân Sơn cho biết, những ngày nắng, gió thổi vào làng, người dân sống quanh cảng cá, sinh hoạt trong nhà phải đeo khẩu trang và nhiều người còn “bôi” thêm chút dầu gió. “Cửa nhà nào cũng phải đóng chặt mà mùi hôi thối vẫn chẳng buông tha khiến nhiều người già, con trẻ phát bệnh ngoài da, viêm phổi. Chúng tôi đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị lên chính quyền địa phương, nhưng vài năm đã qua mà chẳng thấy “ông” chính quyền nào đứng ra giải quyết”, anh Trung  một tay xua ruồi nhặng, một tay che mũi bằng khăn mặt ướt nặng nhọc nói.

Nhiều ngư dân kêu ca về sự ô nhiễm tại cảng và dường như cố quên rằng, chính họ cũng là tác nhân gây ra sự ô nhiễm này. Bởi sau khi xuất cá cho các cơ sở chế biến thủy sản xong, bao nhiêu chất cặn bã, cá thối, chất thải trên tàu đều được họ hồn nhiên dồn hết xuống biển. Anh Dư - một ngư dân kể thêm: Nếu như trước kia, người dân ven biển Diêm Điền sau mỗi chuyến ra khơi đánh cá về có thể ngồi gỡ cá ở ngay tại cảng, thì giờ đây, việc làm ấy là không thể. Khi về bến nếu chẳng may chân vịt có bị vướng cũng không dám xuống tháo gỡ, mà phải nhờ tàu kéo đến cứu trợ. Bởi nếu người nào lội xuống gỡ, thì chắc chắn sau khi lên bờ toàn thân sẽ mẩn ngứa.

Dù chính quyền địa phương đã “cất công” tìm kiếm nguồn gốc gây ra mùi hôi thối trên, nhưng thủ phạm đến nay vẫn theo con nước thủy triều trôi ra biển. Người dân thì đổ cho các nhà máy chế biến thủy sản quanh khu vực cảng cá, các công ty thì bảo, do người dân phơi thủy sản thối trên khu vực sân cảng… Ông đá qua, bà đá lại, cuối cùng chính hàng vạn người dân ở các xã, thị trấn như Diêm  Điền, Thụy Hải lại đang… lãnh đủ.

Một Diêm Điền nên thơ trong lời hát, giờ đã là hoài niệm, bởi môi trường sống nơi đang từng ngày “thoi thóp” trước sự thờ ơ của những người có trách nhiệm!

Nhóm PV KTXH