Ngột ngạt cảnh sống trong ‘‘lồng” sắt của người nghèo

ANTĐ - Những cái lồng như chuồng gà được ngăn nhỏ thành nhiều ô, mỗi ô có diện tích chưa đầy 1m2, chiều rộng 0,6m được bao quanh bởi các tấm sắt hoen gỉ, thủng lỗ chỗ. Đó là “nhà” của nhiều cư dân nghèo đang sống trong những khu căn hộ ổ chuột giữa thành phố Hongkong sôi động và giàu nhất thế giới. 

Người đàn ông suốt 30 năm sống trong “lồng” 

Ông Tai Lun Po, 79 tuổi, người đã sống ở trong “lồng” sắt 30 năm qua, ngậm ngùi kể về cuộc sống không nhà của mình. Trước kia, ông là một công nhân trong một nhà máy cơ khí. Mặc dù đồng lương hàng tháng của ông cũng kha khá, nhưng cũng chỉ đủ chi phí hàng ngày và có ít tiền tiết kiệm phòng khi trái nắng trở trời. Ông luôn mơ một ngày nào đó, ông sẽ có một ngôi nhà hạng trung cho riêng mình, nhưng cho đến bây giờ - khi đã ở cái tuổi gần đất xa trời, giấc mơ ấy vẫn chỉ là giấc mơ, nó không thể trở thành hiện thực. Bởi lẽ, sự leo thang của giá nhà không tỷ lệ thuận với đồng lương của ông. Với số tiền eo hẹp, ông đành phải thuê “chiếc lồng” này làm nơi trú ngự. “Lồng” của ông Tai là một trong 16 “hộp” khác trên tầng thứ 16 của một tòa nhà bê tông xập xệ tại khu vực Mongkok của Kowloon.

Những khu lồng sắt chỉ có diện tích chưa đến 1m2, chiều rộng khoảng trên 0,6m, chiều cao đủ để một người trưởng thành có chiều cao trung bình ngồi bên trong. Ông Tai cho biết, Hongkong vốn là một thành phố đông dân cư, với mật độ gần 6.500 người/km2. Những khu nhà dành cho người nghèo thường có 20 cái lồng trong một phòng. Chúng được chồng cao thành 3 tầng trên dưới. Khoảng trống trong căn phòng là rất hiếm hoi, chỉ có một lối nhỏ để lấy chỗ đi lại. Giá thuê một chiếc “lồng” để ở như thế là 200 đôla/tháng. Những lồng ở tầng dưới thường đắt hơn so với những lồng ở tầng trên, bởi có thể đứng ở trong, nhưng điều kiện sống cũng vô cùng bẩn. Đây chính là cảnh tượng sống ngột ngạt của những người dân trong một thành phố có cửa hàng Louis Vuitton nhiều hơn cả Paris.

“Tôi phải dùng chung một bếp nhỏ và một toilet đơn bẩn thỉu với 9 người khác. Tại các khu lồng khác, nhiều khi có tới 40 người phải dùng chung một toilet” - ông Tai chua xót chia sẻ. Dù vậy, ông Tai vẫn phấn khởi cho biết mình thuê được “lồng” ở trong khu này là may mắn lắm rồi. Theo ông thì nhiều khu ở còn không có bếp, người dân phải gọi thức ăn sẵn mang về. Gọi là thức ăn cho đầy đủ chứ thực chất bữa ăn của họ thiếu thốn vô cùng. Vì phần lớn số người sống trong “lồng” này là thuộc diện những gia đình có thu nhập thấp ở Hongkong. Câu chuyện ông Tai kể được cụ thể hóa bằng những con số thực. Theo báo cáo của tổ chức Oxfam Hongkong: “Thu nhập của các gia đình có thu nhập thấp là 30 đô la Hongkong, trong khi chi phí cho một bữa ăn của người lớn phải cần tới 66 đô la Hongkong”. Như vậy, với số tiền kiếm được ít ỏi họ chỉ có thể mua được nửa… bữa ăn. 

Bà Shan cho biết ông Chan, năm nay 81 tuổi, là một trong 100.000 người sống trong cảnh như vậy tại Hongkong. “Con số này chắc chắn sẽ tiếp tục tăng. Khoảng một nửa trong số họ là người già, nhưng ngày càng có nhiều người trẻ và các gia đình chuyển vào những lồng sắt này”.

Ngột ngạt, bẩn thỉu...  đến “không dám sinh con”

Ông Kong Sui Kao, 72 tuổi, sống trong khu lồng trọ tại quận Sham Shui Po cho biết: “Tôi phải chịu đựng điều kiện vô cùng chật hẹp và bẩn thỉu. Vào những ngày nắng nóng, nhiệt độ bên trong lồng phải cao hơn bên ngoài từ 2-3 độ C. Có những hôm tôi không thể ngủ được, phải qua 5h sáng mới chợp mắt được một lúc. Gián, thằn lằn, rận, và chuột cống rất nhiều. Nhiều lúc tôi cũng sợ chúng bò vào tai tôi trong lúc đang ngủ. Chẳng ai muốn sống ở đây, nhưng chúng tôi cần tồn tại”. Ông Mak, 72 tuổi, người bảo vệ cho trung tâm Times Square gần đó cho biết điều kiện của ông đã là “một bước lên tiên so với ở ngoài đường rồi”.

Còn đối với một gia đình trẻ như gia đình bé nhỏ của Lee Ka Ying thì sao? Chị bùi ngùi kể về cái thời khốn khó phải làm đủ thứ nghề kiếm sống. Hồi chưa lấy chồng thì làm thảm đay, làm giày, thêu, đính cườm. Lấy chồng sớm, hoàn cảnh nhà chồng khốn khó, 2 vợ chồng xoay đủ nghề: hết làm gia công (khâu tay) giày đến công việc nặng nhọc vác thuê cho các công ty... Tiết kiệm, vay mượn suốt 5 năm trời, vợ chồng chị vẫn không mua được căn nhà riêng cho mình dù là nhỏ hẹp. Rồi sự ra đời của đứa con càng làm kinh tế gia đình thêm bấn túng. Không còn tiền để thuê trọ trong những căn nhà 20-30m2 nữa, vợ chồng chị buộc lòng phải tìm đến những khu trọ với chiếc “lồng” sắt. 

Nhà có 3 người, gia đình Ying đành phải “buộc bụng” thuê lấy 2 “lồng”, mất 400 đôla/tháng. Bí bách, chật chội, ngột ngạt và thiếu vệ sinh - đó là những cảm nhận của cô gái lên 8 tuổi nhà Ying. Khi được hỏi vợ chồng chị có kế hoạch sinh thêm con hay không? Lưỡng lự một lúc, Ying lắc đầu đáp: “Chắc chúng tôi không thêm sinh con nữa. Không phải chúng tôi không muốn con đàn cháu đống mà chỉ tại… có nhà đâu mà ở. Sống trong “lồng” như thế này ư? Thậm chí, với đà lạm phát giá nhà đang diễn ra sốt sình sịch chúng tôi lo sợ chẳng có “lồng” ở nữa, huống chi là đến đời con”. 

Nơi có giá bất động sản “đắt đỏ” nhất thế giới

Hongkong không chỉ được biết đến là “con rồng” của châu Á mà còn là một trong những nước giàu nhất thế giới với sự bùng nổ của thị trường bất động sản cao cấp. Tại thành phố xa xỉ này, có những giao dịch bất động sản lên tới những con số kỷ lục. Theo các trang web về bất động sản địa phương, một căn hộ bình dân diện tích khoảng 173m2 có giá khoảng 13,43 tỷ VNĐ, còn tiền thuê trung bình mất 53,7 triệu VNĐ/tháng. Nhưng bên cạnh sự giàu có xa hoa của xứ Cảng thơm hơn 7,1 triệu dân này, hiện vẫn có hàng nghìn người đang phải sống trong những điều kiện vô cùng khốn khó, khổ sở. Để có thể sở hữu một căn hộ riêng ở thành phố này là một điều không tưởng đối với những người có thu nhập thấp. Họ phải sống chui rúc trong loại “lồng” hay “chuồng” sắt chật hẹp, bẩn thỉu. Lượng thời gian sống khổ sở ấy đối với một người dân nghèo có thể là dăm ba năm nhưng cũng có thể là gần nửa đời người.

Sự xuất hiện của “nhà lồng” vốn là một vụ bê bối trong thị trường nhà ở Hongkong trong nhiều thập kỷ qua, nhưng thay vì biến mất, khu nhà lồng này ngày càng mọc lên nhiều hơn. Nếu không sống ở đây, người dân buộc phải sống ở ngoài đường. Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới cũng đã khiến Hongkong gặp không ít khó khăn, đặc biệt đối với những người dân nghèo.

Cuộc sống của những người nông dân không đất này tại các thành phố lớn có thể sẽ càng chật vật hơn khi có thêm nhiều đất đai được dùng cho việc phát triển đô thị và công nghiệp. Hoạt động đầu cơ nhà đất của những người giàu có sẽ càng khiến mục tiêu có nhà của người nghèo khó thành hiện thực. Trước thực trạng nhức nhối trên, người dân nghèo Hongkong bắt đầu có những động thái phản đối, đề xuất lên Chính phủ. Điển hình, trong tháng 11-2011 có hơn 1.000 người xuống đường yêu cầu Chính phủ xây dựng thêm chung cư cho người nghèo giữa lúc các cao ốc chọc trời ngày càng nhiều hơn tại hòn đảo này. 

Đoàn biểu tình lên án Chính phủ ưu tiên về thuế và tài chính cho các nhà đầu tư xây dựng những cao ốc dành riêng cho giới trung lưu và giàu có, trong khi người thu nhập thấp không thể có một chỗ để sống vì họ không được Chính phủ giúp đỡ. Thu nhập của lớp người này không đủ trả cho giá nhà đất quá cao tại Hongkong là điều rõ nhất khiến họ không thể mua một căn hộ trong thành phố. Những chính sách tài chính dành cho địa ốc khuyến khích giới đầu tư xây dựng những cao ốc sang trọng đắt tiền để cho tài phiệt hay giới giàu có tại Hongkong thuê đã đẩy giá đất tại đây lên cao trong vài năm qua. Người dân nghèo chính là những người chịu hậu quả nặng nề nhất từ mặt trái của xu hướng địa ốc tài phiệt có bộc lộ sự phân biệt giàu - nghèo sâu sắc này. 

Để lột tả chân thực hơn nữa tình trạng trên, nhiếp ảnh gia Brian Cassey người Australia ghi lại tại thành phố với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên tới trên 224 triệu USD, hình ảnh về một số người dân phải ngủ trong những cái lồng nhốt động vật với chiều dài chưa đến 1,3m. Họ sống chen chúc, dày đặc trong các tòa nhà cao tầng chọc trời, hiện đại. Chính vì vậy, việc tìm ra những “cái lồng” này khó hơn nhiều so với suy tính của Cassey. “Những người này ẩn náu rất kỹ trong đám đông, giữa những tòa nhà ken dày trong thành phố. Tất cả các “nhà lồng” ấy đều được giấu kín đằng sau những lớp cửa nhiều khóa” - Cassey ngạc nhiên cho biết.