Ngọt ngào vị niễng cuối thu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Củ niễng là một loại cây thực phẩm được coi là đặc sản của Nam Định. Tuy nhiên, loại cây này cũng được trồng ở khá nhiều ở các tỉnh miền núi phía Bắc, người ta vẫn hay gọi nó là cây bắp nước hay theo tiếng dân tộc là cây nặm bắp.

Cây mọc hoang thành món ăn ưa thích

Những ngày cuối thu tiết trời se lạnh, thi thoảng đi qua vài con phố ở Hà Nội thấy bên hè đường bày bán những bó củ tựa như củ sả, nhưng phía bên trên lại được cắt vỏ để lộ phần đầu trắng nõn trông rất lạ lẫm, đẹp mắt. Nhiều người tò mò hỏi mới biết là củ niễng, một loại cây có thể chế biến thành món ăn ngon trong bữa cơm gia đình.

Một số tỉnh miền núi phía Bắc như Tuyên Quang, Bắc Kạn, Lạng Sơn… gọi củ niễng là cây bắp nước, các tỉnh phía Nam như Sóc Trăng thì gọi là cây tre nước bởi nó được trồng vào cuối xuân đầu hè, khi mùa nước về. Một số khu vực vùng trũng khi ruộng ngập nước cũng là thời điểm thích hợp trồng niễng. Đây là loại cây rất dễ trồng, không cần đến sự chăm sóc của con người. Cây niễng có hệ rễ phát triển mạnh nên chỉ cần ngập nước là tự vươn lên, đến tầm tháng 10, tháng 11, khi lá khô đi là niễng bắt đầu cho thu hoạch.

Là một loại cây giàu chất đạm, chất xơ, tinh bột, tính lành, vị ngọt mát nên niễng rất dễ chế biến. Nó còn được sử dụng cả trong Đông y khi hỗ trợ chữa các bệnh như xơ gan, đái tháo đường, tim mạch hay một số triệu chứng đường tiêu hóa. Từ một loại cây mọc tự nhiên rồi thành cây thực phẩm, niễng ngày càng được chị em nội trợ lùng mua. Ở Hà Nội, có những hôm đi đến vài chợ hỏi mua không có, nhưng có khi lại thấy bày bán đầy trên hè phố. Niễng năm nay có giá thành khá rẻ, ngay tại địa phương chỉ khoảng 10.000 - 15.000 nghìn đồng/bó (10 cây/bó), ngay tại Hà Nội cũng chỉ trong khoảng từ 20.000 - 30.000 nghìn đồng/bó. Với mức giá rất bình dân thì việc lựa chọn món ăn ngon kết hợp với loại cây thực phẩm đặc sản không khiến chị em nội trợ phải nghĩ ngợi nhiều.

Những món ngon từ niễng

Do có tính hàn, ngọt nhẹ, thân xốp, giòn, niễng rất hợp khi làm món xào, nấu. Niễng mua về được đem tách hết lớp vỏ nâu cứng phía ngoài, chỉ lấy phần củ trắng muốt phình to ở phần gốc. Đem thái lát xéo, thái lát dọc hoặc cũng cắt khúc (tùy gu nấu ăn) rồi ngâm nước lạnh cho giòn là chị em nội trợ có thể bắt đầu trổ tài. Thường chúng ta quen ăn niễng xào thịt bò, đây là món làm nhanh, không cầu kì, vị thơm ngậy, ngọt bùi của niễng kết hợp với vị béo của thịt bò rất hợp với đa số người. Niễng xào trứng thì đòi hỏi sự khéo léo hơn đôi chút để giữ được độ ngon và thơm của trứng. Sau khi dầu trên chảo nóng già, thả một chút tỏi phi thơm, đập 1 - 2 quả trứng vào đảo thật đều cho trứng tơi lên. Lúc này cho niễng thái lát vào đảo đều tay trên lửa lớn, chỉ cần khoảng 2 phút là món niễng xào trứng đã chín. Chỉ cần bỏ thêm thìa là thái nhỏ và hành cắt khúc vào là xong. Một món ăn màu sắc khá bắt mắt kết hợp giữa vị trứng thơm ngậy với giòn ngọt của niễng, món đơn giản nhưng lại rất hấp dẫn người thưởng thức.

Người Hà Nội ăn niễng tinh tế và cầu kỳ hơn. Thật trùng hợp là mùa niễng lại đúng mùa rươi, họ kết hợp 2 thứ này với nhau tạo nên món ăn đặc sắc. Nhiều người nói, củ niễng hợp nhất khi xào với rươi. Có lẽ ẩm thực của Việt Nam đa dạng, các cụ hay có quan niệm “mùa nào thức nấy” nên ngẫu nhiên 2 thứ đặc sản trùng mùa kết hợp với nhau lại tạo vị cho một món ăn trở nên thơm ngon đúng điệu. Có những người thích ăn rươi thật béo ngậy, họ phi hành thơm rồi thả rươi tươi vào đảo đến khi chúng tan ra thành thứ nước sốt sền sệt rồi mới bỏ niễng vào xào chung, thêm gia vị, hành, thìa là. Bằng cách này, lớp rươi phủ kín từng miếng niễng khiến nó có vị béo béo, ngầy ngậy, ngọt đậm đà. Cũng có người thích ăn rươi nguyên con, họ xào củ niễng gần chín mới cho rươi vào đảo nhanh trên lửa to, đợi chín tới là thành món.

Ở miền núi, niễng chỉ cần xào với tỏi cũng đã đem đến một hương vị rất riêng. Thậm chí, chỉ cần luộc lên chấm nước mắm tỏi ớt cũng thú vị không kém. Đồng bào dân tộc còn đem niễng xào với tóp mỡ, lạp sườn, thịt gác bếp… rồi thêm cọng tỏi tươi là sẽ cho ra một hương vị ngon đặc trưng núi rừng. Niễng cũng có thể ăn sống nên nhiều người đem trộn gỏi. Tùy độ sáng tạo, có thể kết hợp với tai lợn, thịt lợn luộc, lạp sườn chiên giòn… cùng với nước sốt chua, cay, ngọt. Món gỏi củ niễng khá bắt mồi, có thể dùng trong các bữa tiệc như một món ăn chống ngấy.

Nhiều người nói, những củ niễng mập, bên trong không có chấm đen thì sẽ giòn và ngọt hơn. Tuy nhiên, thực chất củ trắng hay củ có chấm đen đều giòn, ngọt như nhau. Quan trọng nhất là phải lựa chọn được củ tươi, tròn, đúng độ thu hoạch, khi bóc lớp vỏ tím ra bên trong phải trắng nõn chứ không được xanh, nếu xanh là lớp củ già, ăn sẽ bị xơ. Đang dần vào cuối mùa vụ, bạn đọc nên tranh thủ mua lấy chục niễng để phục vụ bữa ăn gia đình, thưởng thức món đặc sản vừa ngon, vừa rẻ, dân dã và mộc mạc mà không phải khi nào cũng có và ở đâu cũng có.

Người Hà Nội ăn niễng tinh tế và cầu kỳ hơn. Thật trùng hợp là mùa niễng lại đúng mùa rươi, họ kết hợp 2 thứ này với nhau tạo nên món ăn đặc sắc. Nhiều người nói, củ niễng hợp nhất khi xào với rươi. Có lẽ ẩm thực của Việt Nam đa dạng, các cụ hay có quan niệm “mùa nào thức nấy” nên ngẫu nhiên 2 thứ đặc sản trùng mùa kết hợp với nhau lại tạo vị cho một món ăn trở nên thơm ngon đúng điệu.