"Ngộp thở" vì hàng chục cuộc thi học đường

ANTD.VN - Tình trạng bùng nổ các cuộc thi học đường đang gây quá tải cho cả thầy và trò. Mỗi một cuộc thi đều có ý nghĩa tốt nhưng chỉ khi được thực hiện một cách tự nguyện và đảm bảo đánh giá minh bạch. Còn nếu không, các cuộc thi này sẽ bị biến tướng nhằm phục vụ mục đích khác.

Các cuộc thi học đường có thể bị biến tướng vì mục tiêu cộng điểm, vào thẳng

Hát, múa át cả học

“Cả tháng nay, thầy trò trong trường sôi sục với việc luyện tập văn nghệ để chuẩn bị hết vòng quận, huyện đến cấp thành phố cuộc thi “Giai điệu tuổi hồng”. Trong lớp, thầy trò cứ phải quát lên với nhau vì ngoài sân trường tiếng hát át tiếng giảng bài, trong khi cả trường đang giai đoạn kiểm tra giữa kỳ. Không thi không được mà thi thì mệt cả người đi thi lẫn người không thi” - cô Nguyễn Thúy Anh, giáo viên một trường THCS quận Hai Bà Trưng chia sẻ. 

Cuộc thi “Giai điệu tuổi hồng” yêu cầu tất cả học sinh từ cấp mầm non, tiểu học, THCS, THPT đến các học viên trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn có học lực từ trung bình, hạnh kiểm khá trở lên đều có thể đăng ký tham dự.

Mỗi đơn vị phải có ít nhất từ 3 tiết mục trở lên, trong đó bao gồm đủ cả 2 thể loại là ca và múa, nếu không đạt các yêu cầu này thì không được chấm điểm chương trình và không được tính giải toàn đoàn.

Việc tham dự cuộc thi được tính vào điểm thi đua của toàn trường. Vậy nên, để tham dự cuộc thi này, ngoài sự nhiệt tình, các giáo viên lại phải tìm đủ mọi nguồn huy động kinh phí để đầu tư cho các tiết mục dự giải. 

Đây mới chỉ là một trong số hàng chục cuộc thi chính thức được Sở GD-ĐT công bố, chưa kể các cuộc thi không chính thức khác. Chỉ tính riêng cấp tiểu học, danh sách Bộ GD-ĐT công bố là 8 cuộc thi Olympic chính thức, trong đó có thi Toán qua mạng, tiếng Anh qua mạng, thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng, Hội khỏe Phù Đổng, điền kinh, bơi lội, bống rổ, thi Olympic tiếng Anh lớp 5…

Còn ở bậc THCS và THPT số các cuộc thi Olympic này lên tới 20 cuộc. Chưa kể còn hàng loạt các cuộc thi do các đơn vị, tổ chức khác phối hợp với ngành giáo dục phát động như thi tìm hiểu Luật Giao thông, thi Trạng nguyên nhỏ tuổi, vẽ tranh bảo vệ môi trường…

Các cuộc thi ngày càng dày đặc và khiến giáo viên, học sinh phải dành không ít quỹ thời gian vốn cần để đầu tư cho việc dạy và học của cả thầy và trò. “Mệt mỏi hơn cả có lẽ là cuộc thi “Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng”. Cả năm phát động không có được một sản phẩm nào mang nộp nhưng giáo viên sợ trách nhiệm không đôn đốc học sinh tham gia, không hoàn thành yêu cầu chủ nhiệm lớp nên cứ phải thúc phụ huynh, học sinh, thậm chí làm hộ, đi thuê để có sản phẩm báo cáo” - cô Nguyễn Thúy Anh cho biết.

Nhiều giáo viên cho rằng đây là nguyên nhân gây nên sự mệt mỏi, áp lực và góp phần kéo tụt chất lượng giáo dục của nhà trường. Đặc biệt càng những trường có danh tiếng thì việc tham gia các cuộc thi càng được tăng cường bởi như thế mới chứng tỏ “đẳng cấp” hơn hẳn những trường khác khi những thành tích này góp phần “làm đẹp” cho các báo cáo của nhà trường.

Thi vì muốn được cộng điểm

Các cuộc thi khi được phát động đều đưa ra mục đích phát triển kỹ năng, năng lực của mỗi cá nhân bổ khuyết cho việc chỉ học kiến thức trong nhà trường. Tuy nhiên, thực tế, việc tham gia các cuộc thi trên cơ sở yêu thích và năng lực cá nhân lại không phải là động cơ chính của nhiều đối tượng dự thi.

“Quy định xét tuyển dựa vào giải thưởng vào một số trường chất lượng cao, cộng với quy định tuyển thẳng, cộng điểm thưởng vào kết quả thi tuyển lớp 10 THPT công lập khiến các cuộc thi này trở thành công cụ để thực hiện mục tiêu chọn trường của phần nhiều các phụ huynh có con dự thi. Điều này đang trở thành áp lực và thậm chí có thể phát sinh tiêu cực trong các cuộc thi học đường”  - ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng GD-ĐT quận Tây Hồ cho biết.

Sở GD-ĐT Hà Nội đã quy định, 1 trong 4 đối tượng tuyển thẳng vào lớp 10 THPT là học sinh đoạt giải cấp quốc gia trở lên về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; cuộc thi khoa học kỹ thuật như: Hội thi khoa học kỹ thuật (Intel VISEF và Intel ISEF) dành cho học sinh trung học, Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc, Cuộc thi viết thư quốc tế (UPU), Thi thí nghiệm thực hành (một trong các bộ môn Vật lí, Hóa học, Sinh học), Thi vận dụng kiến thức giải quyết tình huống thực tiễn… Còn các cuộc thi trong danh sách công bố của Sở GD-ĐT sẽ được cộng điểm thưởng trong kỳ tuyển sinh lớp 10 THPT. 

Rõ ràng, đây là thông tin được rất nhiều phụ huynh quan tâm và cũng là mục tiêu quan trọng nhất cần hướng tới bởi chiếc ghế công lập bậc THPT của Hà Nội còn được đánh giá là khó giành hơn cả ghế đại học.

Đầu vào lớp 6 của các trường chất lượng cao như Hà Nội - Amsterdam, Cầu Giấy, Lê Lợi, Nguyễn Siêu… đều được tính bằng giải từ các cuộc thi này. Nếu các cuộc thi học đường còn được sử dụng để cộng điểm cá nhân hay lấy thành tích tập thể thì còn gây áp lực, thậm chí có thể là mảnh đất dễ nảy sinh tiêu cực…