Ngon và lạ Vũ Bằng

ANTD.VN - Một ngạn ngữ thời Trung cổ, khoảng lúc Thiên Chúa giáo đang chiếm lĩnh đỉnh cao ở châu Âu, có nửa đùa nửa thật cho rằng, nhà văn sành ăn ngang linh mục. 

Các cha các cố ở giai đoạn ấy đang được trọng vọng lắm, nên có trịch thượng ăn phàm hay khệnh khạng ăn sành thì cũng chẳng lấy làm lạ. Văn chương vô ngôn truyền khẩu cũng như văn học hữu ngôn chính danh đã nói và viết nhiều. Ông chánh xứ Ây-Mơ dư dật béo ị trong kiệt tác “Ai van hô” của Walter Scott chẳng hạn. Hoặc ông cha sở bớt giờ đọc kinh chỉ vì nôn nao muốn về chén tiệc Noel của Alphonse Daudet, đều được coi là những tay vô địch. 

Thế nhưng văn nhân mà sành điệu trong ẩm thực thì cũng thật đáng để bàn. Nhất là ở ta, vốn đông người viết văn làm thơ và đa phần đều nghèo. Mà đã bần bạch rồi thì lấy đâu ra được ăn nhiều, điều kiện tiên quyết khi muốn đạt tới cảnh giới tinh tế của “thực tri kỳ vị”.

Hoặc vội vàng một miếng khi đói, hoặc hấp tấp một gói khi no, thiếu hẳn đi cái thong thả của ẩm thực tỉ mỉ. Nhưng ăn uống không hẳn chỉ là chuyện thừa mứa nhai cho đầy mồm, hầu hết các văn nhân khi ăn thường hay nghĩ. Và chẳng hiểu bọn họ nghĩ kiểu quái gì mà độc giả khi đọc họ bỗng thấy những món thường nhật mình vẫn ăn, chợt thăng hoa thành quý hiếm sang trọng. 

Hầu hết các văn nhân khi ăn thường hay nghĩ. Và chẳng hiểu bọn họ nghĩ kiểu quái gì mà độc giả khi đọc họ bỗng thấy những món thường nhật mình vẫn ăn, chợt thăng hoa thành quý hiếm sang trọng. 

Nhà văn Việt Nam “sành” ăn tạm chia thành hai loại. Loại một miễn cưỡng đành gọi là bi tráng, ẩm thực gia lúc ngồi trước mâm thường ngần ngừ cay đắng. Minh họa lỗi lạc nhất là cụ Nguyễn Khuyến. Cứ thử đọc bài thơ chữ Hán “nhân tặng nhục” được chính Tam nguyên Yên Đổ xót xa dịch ra Nôm “Có người cho thịt” thì biết: “Không ăn người bị đói/ Ăn vào người bị nhục/ Không ăn thì người gầy/ Ăn vào thành thằng tục”. 

Loại hai miễn cưỡng được gọi là hùng tráng, phong vị hào sảng phảng phất có nghẹn ngào khoái khẩu. Theo nhiều sách tham khảo để thi văn đại học thì Vũ Bằng, Thạch Lam thuộc nhóm này. Nguyễn Tuân suýt nữa cũng được vào nhóm này, bởi ông Nguyễn gẩy gót điệu đà quá. Nói như Vũ Bằng, sành ăn thì ngoài chuyện ăn nhiều còn phải biết ăn tạp.

Lên miền núi chén thắng cố, xuống miền biển nuốt mắm cá, vào Nam nhai rắn rết kỳ nhông, ra Bắc dùng chuột đồng thịt chó. Mồm miệng thích nghi phóng khoáng tung hoành, từ ngàn xưa văn chương thù tạc đã đứng hẳn riêng thành một dòng lẫm liệt. Hình như mọi văn sĩ tài danh, thường đều đau ở hai chỗ, tâm hồn và bao tử. 

Không phải ngẫu nhiên mà trong tam vị đại gia kể trên, Vũ Bằng xứng đáng là số một. Ông ăn nhiều nghĩ nhiều và viết rất nhiều. Một món nhan nhản bình thường qua tay ông đương nhiên trở thành đặc sản: “Đáo để là cái giống chim ngói này, sao mà thịt nó thơm mà lại mềm đến thế, mềm đến cả cái xương. Bồ câu chim cu sao có thể đem mà ví được. Chết, đem nó làm cái gì cũng ngon chết người đi. Xào với măng với lá lốt theo kiểu xáo vịt đã hay, thái ra từng miếng nhỏ hấp với rau cải nõn lại càng ngon tệ. Nhưng ngon vượt bực là đồ một chõ xôi nếp cái mới, rồi úp hai con chim ngói lên trên để cho mỡ nó nhuyễn vào xôi rồi lấy ra ăn thật nóng. Nhất định cả thế giới này không có một món ăn nào sánh nổi” (trích “Thương nhớ mười hai”).

Đoạn văn trên có hào khí của một bài hịch, phơi phới một sự tự tôn dân tộc lành mạnh. Hơn mươi năm gần đây có nhiều khảo thuyết công phu khẳng định Vũ Bằng là một nhà tình báo lớn, đã được nhiều khen thưởng trong cuộc kháng chiến giành độc lập của dân tộc. Chẳng có ai ngạc nhiên cả, khi phải sống trong lòng địch mà vẫn yêu những món ăn đậm đà phong vị quê hương đến vậy, thì chắc chắn ông phải là nhà tình báo.

Vũ Bằng là nhà văn ẩm thực đại tài trong dùng những chữ “bếp núc”. Từ vựng của ông Vũ không quá phức tạp và số lượng cũng không nhiều. Nhưng giống như một siêu đầu bếp chế mọi thứ bình thường thành siêu phẩm khác thường, ông nấu chữ nướng chữ, xào chữ để sóng sánh tỏa ra một hồn vía “thơm đến chết đi được”.

Một kiểu thơm rất Việt. Nhờ thế dân tộc tính trong văn Vũ Bằng đều độc đáo ngon và lạ. Tất thẩy những món ông đam mê tả thường gần gũi với người bình dân. Có điều,  nó đã được qua lửa từ tay một bậc thầy.

“Một rổ cá rô ron ngày trước bán đắt lắm cũng chỉ đến hai hào. Đem về làm chẳng tốn kém gì, bất quá chỉ thêm một hai xu lá gừng, cọng gừng và một ấm trà Tàu đặc là cùng. Đánh vẩy, mổ ruột bỏ đi rồi xếp vào nồi, cứ một lớp lá gừng và cọng gừng lại một lớp cá. Đoạn rồi lấy một nồi đất úp lên trên, lấy tro và trấu trét lại cho nồi thật kín. Lúc đó mới bện rơm xung quanh rồi vùi xuống tro có lửa lim dim. Đến lúc mở ra thì cá rô đỏ đòng đọc mà dừ nhuyễn ăn ngon gấp bội cá mòi đóng hộp”.

Cũng như nhiều người Việt ưa nhai kỹ, khi kể về những món ăn thuần ta, bao giờ ông Vũ cũng “xỏ xiên” chê bai những món ăn xứ khác. Đấy là sự cảm động của văn ông. “Mù tạt là cái gì, nước cà tô mát là cái gì, ma di là cái gì. Trứng cà cuống tôi nhất định tin là còn khuya cái món cavia của Âu Mỹ mới mong sánh kịp”.

Người đọc “xô vanh” theo ông mà rưng rưng nước mắt. Động cơ chống ngoại xâm của một dân tộc nhiều khi chỉ ở vài lý do tưởng như đơn giản. “Đánh cho để dài tóc. Đánh cho để đen răng”, hoàng đế Quang Trung chỉ vào giặc Mãn Thanh mà quyết liệt. Nhiều chiến binh nông dân Việt đã từng đổ máu để giữ quyền ăn cà có chan nước rau muống.

Vũ Bằng được đông đảo người đọc yêu là bởi vậy.