Ngón lừa của tỷ phú đàn cổ

ANTĐ - Dietmar Machold, chuyên gia hàng đầu thế giới về đàn Stradivarius từng sống như một “ông hoàng” tại một pháo đài cổ 700 năm tuổi ngoại ô Vienna, Áo. Nhưng sau hào quang ấy, Dietmar Machold sắp phải hầu tòa cho hàng loạt vụ lừa đảo gây chấn động ngành công nghiệp âm nhạc cổ điển.

“Ông hoàng” của những cây vĩ cầm cổ

 Machold luôn khoe rằng gia đình ông đã trải qua 5 thế hệ chuyên kinh doanh đàn vĩ cầm tại Đức và họ có ông tổ từng là nhà soạn nhạc Pháp thời trung cổ, Guillaume de Machaut. Nhưng trong thực tế, công ty có trụ sở tại Bremen này được cha Machold khởi nghiệp năm 1949. Được đào tạo làm luật sư, lại có sẵn kỹ năng đàm phán và giao thiệp rộng, Machold đã biến một cửa hàng vĩ cầm nhỏ của Đức thành một doanh nghiệp toàn cầu.

Thời kỳ làm ăn phát đạt, Machold có văn phòng tại New York, Chicago, Tokyo, Seoul, Zurich, Vienna và Bremen. Nổi tiếng về sự táo bạo, ông tuyên bố đã bán chiếc đàn violin Stradivarius đầu tiên vào năm 1985 cho chính phủ Triều Tiên.

Làm luật sư thương mại, người này thu bộn tiền nhờ buôn bán mặt hàng đàn violin Stradivarius và các cây đàn cổ khác. Trong thế giới của vĩ cầm cổ điển, đừng hỏi lý do vì sao mà một chiếc đàn Stradivarius lại có giá 6 triệu USD, quy ra số vàng nặng gấp 250 lần trọng lượng của nó. Và còn nhiều vụ mua bán có giá kỷ lục hơn thế, chẳng hạn trong tháng 6-2011, một người mua giấu tên đã trả giá kỷ lục 15,9 triệu USD cho cây violon “Lady Blunt”.

 Sau khi bán được 3 chiếc Strads và 1 chiếc Guarneri del Gesu, Machold đã mua lâu đài Eichbüchl 700 năm tuổi ở ngoại ô Vienna năm 1997, chưa kể đầu tư thêm 4 triệu USD để cải tạo. Vốn thích phô trương cuộc sống giàu sang, năm 2007, sau khi kết hôn với giáo viên Barbara Drews, năm nay 36 tuổi, Machold chở vợ ngao du miền Nam nước Pháp trên một chiếc Rolls-Royce màu vàng. Nhưng nhân vật điển hình cho một “công dân của thế giới”, 62 tuổi hiện giờ chỉ giới hạn trong chu vi sân nhà tù. Ông đã đánh mất tất cả mọi thứ.

Lộ mặt trùm lừa đảo

 Tháng 10-2010, Machold tuyên bố phá sản với khoản nợ lên tới 40 triệu USD, sau đó chạy trốn sang Thụy Sỹ nhằm trốn tránh pháp luật nhưng không tránh được việc bị dẫn độ. Tòa án Áo phát mại toàn bộ phần tài sản của tỷ phú này bao gồm lâu đài, ngôi nhà ở Đức do cha mẹ để lại, các bộ sưu tập xe thể thao cổ, thảm hiếm, đồng hồ và các hiện vật khác. Đáng chú ý, ít nhất 17 nhạc cụ dây và cung hiếm (gồm 9 chiếc vĩ cầm Stradivari và del Gesu trị giá khoảng 82 triệu USD) vốn thuộc sở hữu của các ngân hàng và các khách hàng khác đơn giản là đã “bốc hơi”.

 Jörg Beirer, một trong những nhà quản trị về phá sản nổi tiếng của Áo cảm thấy bất ngờ bởi các ngân hàng đã cho vị tỷ phú này vay tiền quá dễ, có lẽ một phần bởi “vai diễn” của Dietmar Machold quá hoàn hảo. Nhưng đâu ai ngờ, trong vòng 5 năm gần đây, người đàn ông này tìm mọi cách xoay xở, lấy của người sau trả cho ngân hàng và chủ nợ trước.

 “Vụ bắt giữ Dietmar Machold hồi năm 2011 là đỉnh điểm dẫn đến sự sụp đổ tất yếu của một đế chế lan tỏa khắp toàn cầu”, tờ New Jersey Star-Ledger đánh giá. Trong một buổi điều trần kéo dài 6 tiếng đồng hồ tại Văn phòng điều tra hình sự quốc gia ở Vienna, Machold có kể về lai lịch một cây vĩ cầm Stradivarius trị giá hơn 2 triệu euro có tên “Ex- Rose”. Nó đã được sử dụng làm tài sản thế chấp với 2 ngân hàng. Khi bán chiếc “Ex-Rose” năm 2006 lấy 3 triệu euro, ông ta đã trả hết khoản vay ngân hàng đầu tiên, BAWAG nhưng ngân hàng thứ 2 là Bayerische Hypo-und Vereinsbank không trả được đồng nào.

Cuối mùa hè này, Dietmar Machold sẽ bị đưa ra xét xử về tội tham ô, lừa đảo phá sản và gian lận thương mại. Người này đối mặt với khoảng 46 đơn kiện từ Úc, Mỹ, Hà Lan, Bỉ và Đức với “núi nợ” lên tới 100 triệu euro.