Ngọn hải đăng thâm hiểm

ANTĐ - Trung Quốc đã chiếm đóng phi pháp và ngang ngược rồi xây dựng 2 ngọn hải đăng trên các bãi đá Châu Viên, Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Động thái dựng lên những hải đăng trái phép như vậy của phía Trung Quốc nằm trong toan tính thâm hiểm, đưa vào chiếc “bẫy” công nhận trên thực tế chủ quyền của Bắc Kinh ở khu vực này.

Ngọn hải đăng thâm hiểm ảnh 1Ngọn hải đăng mà Trung Quốc xây dựng phi pháp trên đá Châu Viên thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam

Hãng tin Anh Reuters ngày 18-10 dẫn lời giới chuyên gia cảnh báo rằng, sắp tới khi điều tàu chiến vào phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo do Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng trái phép trên bãi đá, rặng san hô ngầm ở Biển Đông, Mỹ sẽ phải nghĩ cách đối phó với hai ngọn hải đăng lớn mà Bắc Kinh vừa dựng lên phi pháp. Đây là hai ngọn hải đăng mà Trung Quốc vừa đưa vào sử dụng sau khi xây dựng trái phép trên trên Đá Châu Viên (Cuarteron Reef) và Đá Gạc Ma (Johnson Reef) thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Công trình xây dựng trái phép 2 ngọn hải đăng trên Đá Châu Viên và Đá Gạc Ma nói trên diễn ra từ tháng 5-2015 và hoàn tất đầu tháng 10 này, cùng cao 50 mét với kết cấu bê tông cốt thép, có chu kỳ chớp 8 giây, sử dụng Hệ thống nhận dạng tự động (AIS) và thiết bị liên lạc tần số rất cao VHF. Trung Quốc ra sức biện minh 2 hải đăng này giúp ích cho các hoạt động hàng hải, tìm kiếm cứu nạn và giảm nhẹ thiên tai, song giới quan sát lại cho rằng đây là một việc làm nhằm thực hiện toan tính thâm hiểm của họ.

Ngày nay, việc sử dụng các thiết bị hiện đại như hệ thống định vị toàn cầu GPS giúp tàu chiến và các tàu thương mại dễ dàng xác định vị trí của mình trên biển và giảm bớt sự phụ thuộc vào hải đăng, bởi vậy hải đăng ngày càng xuất hiện ít hơn trên thế giới. Tuy nhiên, khi tiến sát đến các hòn đảo hay bãi đá ngầm, thiết bị GPS có thể không hoạt động nên tàu bè vẫn phải dựa vào các hải đăng để xác định vị trí và do vậy những hải đăng ở những nơi này vẫn xuất hiện trong nhật ký hành trình.

Chính vì thế, chuyên gia về Biển Đông tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Ian Storey cho rằng, việc Trung Quốc xây dựng trái phép 2 hải đăng đóng một vai trò rất lớn trong chiến lược củng cố chủ quyền bằng cách ép buộc các nước khác phải thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc với các đảo nhân tạo phi pháp. Ông Ian Storey nêu rõ: “Nếu tàu chiến và tàu thương mại của các nước khác, trong đó có Mỹ, buộc phải sử dụng và ghi những hải đăng này vào nhật ký hành trình, thì nó có thể được coi là sự thừa nhận trên thực tế chủ quyền của Trung Quốc (với những hòn đảo nhân tạo mà họ chiếm giữ bằng vũ lực rồi xây dựng trái phép)”.

Toan tính thâm hiểm khi xây dựng các hải đăng trên các đảo nhân tạo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép nằm trong chiến lược nhất quán thực hiện tham vọng  của Bắc Kinh độc chiếm Biển Đông. Chiếm giữ bằng vũ lực, biến các bãi đá, rặng san hô ngầm thành các đảo nổi nhân tạo đang dần tạo ra sự thay đổi nguyên trạng đầy nguy hiểm trên vùng biển có ý nghĩa chiến lược toàn cầu như Biển Đông.

Đây chính là những bàn đạp đầu tiên nhằm thực hiện tham vọng mà Trung Quốc đã không ngại ngần tuyên bố là họ “có chủ quyền với 80% diện tích Biển Đông”. Động thái trên của Trung Quốc đang làm tình hình Biển Đông thêm căng thẳng, phức tạp và bởi vậy, dư luận quốc tế đang nhận ra và lên tiếng phản đối mạnh mẽ hành động này của phía Trung Quốc.