Ngôi sao sáng Việt Nam trên bầu trời kinh tế thế giới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam không chỉ là một trong số ít nền kinh tăng trưởng kinh tế dương mà còn nằm trong Top đầu tăng trưởng kinh tế toàn cầu, được quốc tế đánh giá là một ngôi sao sáng trên bầu trời kinh tế thế giới.
Không chỉ là một trong những nền kinh tế hiếm hoi có tốc độ tăng trưởng dương trong năm 2020 mà Việt Nam còn nằm trong Top tăng trưởng cao nhất thế giới

Không chỉ là một trong những nền kinh tế hiếm hoi có tốc độ tăng trưởng dương trong năm 2020 mà Việt Nam còn nằm trong Top tăng trưởng cao nhất thế giới

Thành tích trong đại dịch Covid-19

Đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (Covid-19) đã tác động nghiêm trọng, đảo lộn nền kinh tế toàn cầu, mà theo Quỹ tiền tệ quốc tế, khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2020 suy giảm tới 4,4% (-4,4%). Cùng chịu chung tác động đó và dù suy giảm mạnh về tăng trưởng và hầu hết các chỉ tiêu kinh tế, song do thực hiện thành công “nhiệm vụ kép” chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng GDP 2,91% trong năm 2020 và nằm trong số hiếm hoi các nước có mức tăng trưởng dương trên thế giới.

Không chỉ có vậy, kinh tế Việt Nam năm 2020 còn cho thấy những tín hiệu tích cực từ nhiều chỉ số quan trọng như tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vẫn đạt khoảng 544 tỷ USD, trong đó xuất khẩu hơn 281 tỷ USD và xuất siêu hơn 19 tỷ USD, mức cao nhất trong 5 năm liên tiếp xuất siêu kể từ năm 2016. Ấn tượng nhất là thị trường chứng khoán đã vượt qua “năm Covid-19” một cách ngoạn mục, hồi phục mạnh mẽ, thanh khoản tăng cao kỷ lục, cùng đó là sự tham gia mạnh mẽ của lớp nhà đầu tư mới. Chỉ số VN-Index áp sát mốc 1.204 điểm, đỉnh lịch sử được thiết lập vào đầu quý II-2018.

Trong năm 2020, cả nước có gần 135 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập, giảm 2,3% so với năm trước, nhưng vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp lại tăng 32,3%. Trung bình, mỗi tháng có gần 15 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, so với gần 8,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Điều này cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp, giới đầu tư tin tưởng và lạc quan về triển vọng kinh tế đất nước.

Theo Báo cáo phát triển bền vững 2020, Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á duy nhất đạt được 5 mục tiêu hành động của Liên hợp quốc. Công cuộc giảm nghèo liên tiếp đạt những thành tích ấn tượng, trong tỷ lệ nghèo tiếp cận đa chiều năm 2020 ước còn khoảng 4,7%, giảm 1 điểm phần trăm so với năm 2019 và đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên về đích trước Mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về giảm nghèo.

Đặc biệt, theo Báo cáo Phát triển con người toàn cầu năm 2020 của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố trung tuần 12-2020, Chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2019 của Việt Nam là 0,704, đưa Việt Nam lần đầu tiên vào nhóm các nước phát triển con người cao và xếp thứ 117/189 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam nằm trong số các nước có tốc độ tăng HDI cao nhất trên thế giới, trong khi vẫn còn là nước đang phát triển có thu nhập trung bình thấp.

Trên “bầu trời u ám” kinh tế toàn cầu năm 2020, Việt Nam nổi lên như một điểm sáng đáng ghi nhận và tự hào, như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Chưa bao giời Việt Nam có được vị thế và cơ đồ vững chắc như hiện nay”. Những thành công đó là kết quả một quá trình phấn đấu bền bỉ, không ngừng nghỉ của Đảng và Nhà nước, cũng như toàn thể cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân ta, nhất là từ sự cộng hưởng những thành tựu và động lực tăng trưởng kinh tế những năm qua và thành công khi thực hiện “nhiệm vụ kép” trong năm qua.

Lý giải về thành công của nước ta, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng thế giới (WB) Việt Nam Morisset cho rằng, Việt Nam có kết quả như trên là nhờ khả năng chống chịu của cả khu vực kinh tế trong nước và kinh tế đối ngoại, không những kiềm chế được đại dịch bằng những biện pháp sớm, quyết liệt và sáng tạo mà Chính phủ còn sử dụng các chính sách tài khóa và tiền tệ để tháo gỡ khó khăn cho khu vực tư nhân và thúc đẩy phục hồi. Ông Jacques Morisset nhận định, Việt Nam đã đạt được thành tích gần như độc nhất vô nhị trong khủng hoảng Covid-19. Tương tự, tờ Le Figaro (Pháp) đánh giá, Việt Nam là một trong những quốc gia năng động nhất thế giới trong năm 2020.

Thời điểm bùng nổ của một chu kỳ tăng trưởng mới

“Ngôi sao sáng” trên bầu trời kinh tế toàn cầu năm 2020 là bệ phóng để Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa trong năm 2021 này. Trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam công bố cuối hạ tuần tháng 12-2020, WB cho rằng, triển vọng của Việt Nam được cho là tích cực khi nền kinh tế được dự báo tăng trưởng ở mức khoảng 6,8% trong năm 2021.

Lạc quan hơn, báo cáo mới nhất về dự báo kinh tế châu Á của Khối Nghiên cứu Kinh tế Ngân hàng HSBC nhìn nhận, HSBC tin tưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 7,6% trong năm 2021. Theo kết quả khảo sát của Gallup International được thực hiện với 38.000 người tại 41 nước quốc gia, Việt Nam xếp thứ 3 thế giới về chỉ số kỳ vọng kinh tế.

Đưa ra nhận định về tốc độ tăng trưởng cao của kinh tế Việt Nam trong năm 2021, Ngân hàng HSBC tin rằng Việt Nam có thể hưởng lợi từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đa phương cũng như song phương, dòng vốn FDI ổn định và công nghệ sẽ dẫn đầu quá trình phục hồi. Mức thuế thấp hơn và khả năng tiếp cận các thị trường chính rộng hơn sẽ mang lại lợi thế so sánh cho các nhà xuất khẩu Việt Nam. Đồng thời, việc này giúp đa dạng hóa các điểm đến xuất khẩu của doanh nghiệp, trong khi dòng vốn FDI vào Việt Nam vẫn tiếp tục vì đây là một điểm đầu tư hấp dẫn.

Thời báo Tài chính (Anh) cũng vừa có bài viết nhận định, Việt Nam trở thành điểm đến nhiều hứa hẹn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo bài báo, Việt Nam khẳng định vị thế vững chắc, với các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu và mạng lưới FTA ngày càng mở rộng, trong đó có các FTA với Anh và Liên hiệp châu Âu (EU). Ngày càng có nhiều công ty nước ngoài chuyển hoạt động sản xuất đến và xây dựng cơ sở tại Việt Nam.

Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR) của Anh mới đây cũng công bố báo cáo về triển vọng phát triển của 193 nền kinh tế tới năm 2035, trong đó có Việt Nam. Theo đó, số liệu gây chú ý của CEBR là kinh tế Việt Nam về trung hạn có thể sẽ vươn lên vị trí thứ 19 thế giới vào 2035. Trước mắt, trong giai đoạn 2021-2025, CEBR dự báo kinh tế Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 7%, giảm nhiệt xuống còn 6,6% trong 10 năm tiếp theo và đến năm 2035 sẽ vượt qua Đài Loan (Trung Quốc) và Thái Lan. Đây là hai nền kinh tế được CEBR dự báo có thứ hạng lần lượt là 21 và 25.

Đại hội Đảng lần thứ XIII, theo kế hoạch diễn ra từ 25-1 đến 2-2-2021, là sự kiện chính trị quan trọng và có tính quyết định của 5 năm tới. Những chủ trương, đường lối và chính sách mà Đại Hội đề ra trở thành định hướng quan trọng để phát triển đất nước về mọi mặt, đặc biệt là kinh tế. Chắc chắn trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ Đại hội XIII sẽ có những giải pháp quyết liệt để thực hiện các đường lối, chủ trương mà Đại hội đã đề ra. Chính vì vậy, năm 2021 có thể trở thành điểm bùng nổ của một chu kỳ tăng trưởng tiếp theo của nước ta.