“Ngòi nổ” trong đất hiếm

ANTĐ - Lại xuất hiện ngòi nổ mới trong quan hệ Mỹ - Trung khi Washington tuyên bố sẽ cùng Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản kiện Bắc Kinh lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) liên quan tới hạn ngạch xuất khẩu đất hiếm.

Một khu mỏ khai thác đất hiếm ở Trung Quốc

Hôm qua (13-3), Trung Quốc đã lên tiếng bảo vệ chính sách hạn chế xuất khẩu đất hiếm của mình. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân nói: “Để bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, Trung Quốc đang thực thi các chính sách kiểm soát xuất khẩu đất hiếm. Chúng tôi tin rằng những biện pháp này phù hợp với quy định của WTO”. 

Cũng là một loại đất nhưng quý hiếm nên người ta mới gọi là đất hiếm. Đã hiếm nhưng đất này lại đặc biệt quan trọng bởi thiếu loại khoáng sản này thì ngành sản xuất các sản phẩm công nghệ cao sẽ bị ngưng trệ ngay lập tức. Tính trên toàn cầu, trữ lượng đất hiếm chỉ khoảng 99 triệu tấn, trong khi Trung Quốc chiếm chừng 36% trữ lượng nhưng lại nắm trong tay trên 95% sản lượng đất hiếm xuất khẩu của thế giới. 

Sự quý hiếm và tầm quan trọng của đất hiếm thì thế giới đã biết từ lâu nhưng nay bỗng thành chuyện, thậm chí trở thành mồi lửa trong quan hệ giữa Trung Quốc với một số nước vốn phụ thuộc vào nguồn đất hiếm nhập khẩu như Mỹ, Nhật Bản, EU. Tất cả bắt đầu từ chính sách thắt chặt xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc. 

Trước năm 2010, Trung Quốc chiếm hơn 90% lượng đất hiếm xuất khẩu trên thế giới nhưng từ năm ngoái, Bắc Kinh đã giảm hạn ngạch xuất khẩu đối với 17 loại kim loại quí và tăng thuế xuất khẩu. Cùng với việc hạn chế xuất khẩu, giá đất hiếm xuất khẩu từ Trung Quốc trong thời gian qua đã tăng mạnh và đến tháng 2-2012 đã lên tới 109.036 USD/tấn, cao gấp 9 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi Trung Quốc giải thích đó là biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng đất hiếm bị “khai thác quá mức” và bị bán quá rẻ cho nước ngoài, thì Mỹ, Nhật Bản và EU lại cho rằng Bắc Kinh đang tìm cách biến đất hiếm thành con bài trong quan hệ đối ngoại nhằm tạo thêm lợi thế cho mình. Chẳng hạn, đẩy giá đất hiếm tăng cao, Bắc Kinh sẽ buộc được các công ty nước ngoài phải chuyển cơ sở sản xuất sang Trung Quốc để tiếp cận nguồn nguyên liệu này. 

Phản kích lại cáo buộc từ bên ngoài, báo chí Trung Quốc bình luận: “Các nước như Mỹ và Nhật Bản muốn có trong tay thứ đất quý giá mà chỉ phải chi ra rất ít tiền”. Trung Quốc còn đưa ra bằng chứng về việc có tới 83% số đất hiếm mà Nhật Bản nhập khẩu là từ Trung Quốc và hiện Tokyo đã tích trữ đủ nguồn nguyên liệu đặc biệt quý hiếm này cho 20 năm sau. Tranh cãi vẫn tiếp tục leo thang và hiện Mỹ cùng với Nhật Bản và EU quyết định kiện Trung Quốc lên WTO.

Không biết WTO sẽ phán xét thế nào nhưng theo thông báo mới đây của Bộ Tài chính Trung Quốc, từ ngày 1-4 tới, Trung Quốc sẽ nâng thuế đất hiếm lên gấp 10 lần so với hiện nay. Phó Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng kêu gọi thiết lập một hệ thống giám sát khai thác đất hiếm, đồng thời đẩy mạnh thăm dò nguồn tài nguyên này. Bình luận về hành động của Mỹ, Nhật Bản và EU, Tân Hoa xã tuyên bố vụ kiện “có khả năng gây tổn hại các mối quan hệ thương mại song phương và buộc Trung Quốc phải trả đũa thay vì dàn xếp vấn đề tranh cãi này”.