“Ngòi nổ quả bom nước”

ANTĐ - Nước không chỉ là nguồn tài nguyên quan trọng đối với mọi quốc gia mà còn có thể trở thành nguyên nhân dẫn tới chiến tranh trên thế giới trong tương lai không xa.

Người phụ nữ Sudan này phải đi rất xa mới có thể lấy được nước sinh hoạt thiết yếu hàng ngày

Đó là nhận định của Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ (DNI) trong báo cáo đưa ra nhân Ngày Nước thế giới (22-3). DNI cho rằng, tình trạng khai thác quá mức dẫn tới nguồn nước bị cạn kiệt cũng như tình trạng ô nhiễm, nạn lụt lội và các cuộc tranh chấp về nguồn nước của các con sông lớn trên toàn cầu hiện nay đang làm tăng mức độ rủi ro, có thể gây bất ổn định đối với các quốc gia. 

Báo cáo của DNI đánh giá, các nguồn cung nước ngọt hiện nay trên thế giới sẽ không thể thỏa mãn nhu cầu của toàn cầu vào năm 2040, do vậy sẽ dẫn tới nguy cơ gây bất ổn định chính trị, làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế và đe dọa các thị trường lương thực thế giới. Khả năng sản xuất lương thực và năng lượng của các khu vực gồm Nam Á, Trung Đông và Bắc Phi sẽ bị hạn chế do phải đối mặt với những thách thức ngày càng lớn liên quan tới nguồn nước ngọt. 

Trước báo cáo trên của DNI, LHQ và các tổ chức môi trường toàn cầu cũng đã không ít lần lên tiếng báo động về những nguy cơ của tình trạng khan hiếm nước đối với thế giới. Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cho biết, khoảng 1,6 tỷ người đang sống ở những vùng khan hiếm nước nhưng con số này sẽ nhanh chóng lên tới 2 tỷ người nếu thế giới tiếp tục cách thức sử dụng nước như hiện nay. 

Nhân Ngày Nước thế giới, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki - moon nhấn mạnh, nếu nhân loại không cải thiện được hiệu quả sử dụng nước, thế giới sẽ thất bại hoàn toàn trong cuộc chiến chống đói nghèo. Với gần 1 tỷ người trên thế giới đang bị đói và 800 triệu người chưa được tiếp cận nguồn nước an toàn, quốc tế cần phải hành động mạnh mẽ để giải quyết vấn đề được xem là một trong các nền tảng ổn định ở các địa phương, quốc gia, khu vực và toàn cầu này. 

Cùng quan điểm trên của người đứng đầu LHQ, DNI nhận định, trong 10 năm tới chưa thể xảy ra một "cuộc chiến thế giới về nguồn nước ngọt" nhưng nguy cơ của các cuộc xung đột sẽ gia tăng do nhu cầu về nguồn nước ngọt của toàn cầu vào năm 2030 sẽ cao hơn 40% so với hiện nay. Cơ quan này cảnh báo, nguồn nước ngọt có thể sẽ bị các quốc gia, nhất là các quốc gia ở đầu nguồn, khống chế và sử dụng như một thứ vũ khí để đe dọa các quốc gia có chung dòng sông mạn hạ lưu. 

Sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước được xem là giải pháp quan trọng nhất để tháo “ngòi nổ” của “quả bom nước”. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho rằng, việc tiếp cận các nguồn nước ngọt có ý nghĩa sống còn đối với từng cá nhân, từng quốc gia và từng nền kinh tế, vì vậy cộng đồng thế giới phải chung sức hợp tác khai thác hiệu quả và bảo vệ nguồn tài sản vô giá này. Trong khi đó, LHQ kêu gọi thế giới hàng năm dành 198 tỷ USD, tương đương 0,16% GDP toàn cầu để giảm tình trạng khan hiếm nước và giảm 50% số người trên thế giới không được tiếp cận bền vững các nguồn nước sạch.