“Ngòi nổ” kinh tế bi đát

ANTĐ - Quốc gia Bosnia-Herzegovina thuộc Nam Tư cũ đang rơi vào tình trạng bất ổn nghiêm trọng sau hàng loạt cuộc biểu tình phản đối chính phủ biến thành bạo động tại Thủ đô Sarajevo cũng như nhiều thành phố khác.

Cảnh sát bất lực đứng nhìn những đám cháy trên đường phố Thủ đô Sarajevo sau cuộc biểu tình 
phản đối chính phủ biến thành bạo động

Bosnia-Herzegovina đang phải trả giá đắt cho làn sóng biểu tình chống chính phủ của Thủ tướng     Nermin Niksic biến thành bạo động ở Thủ đô Sarajevo và hơn 20 thành phố khác. Theo số liệu chính thức công bố ngày 8-2, trong 3 ngày qua đã có ít nhất 348 người bị thương, gồm 187 cảnh sát và 161 dân thường; nhiều trụ sở cơ quan công quyền bị đốt phá.

Làn sóng bạo động tại Bosnia-Herzegovina bùng phát đầu tiên tại thành phố Tuzla vào ngày 5-2 vừa qua khi cuộc biểu tình chống chính phủ của Thủ tướng Niksic bị cảnh sát dùng vũ lực đàn áp, giải tán. Biểu tình và bạo động sau đó lan rộng ra 20 thành phố trên cả nước với quy mô và tính chất nghiêm trọng chưa từng có kể từ khi Bosnia-Herzegovina tách khỏi Nam Tư cũ sau cuộc chiến tranh sắc tộc 1992-1995 khiến khoảng 100.000 người thiệt mạng.

Bạo động nghiêm trọng nhất xảy ra tại Thủ đô Sarajevo khi biểu tình biến thành bạo động với sự tham gia của hàng ngàn người. Những người biểu tình đã tấn công, ném gạch đá vào tòa nhà Dinh tổng thống và nhiều trụ sở làm việc của chính quyền khiến cảnh sát chống bạo động phải dùng vòi rồng, hơi cay và đạn cao su để can thiệp, lập lại trật tự.

Trong khi Hội đồng tổng thống Bosnia-Herzegovina triệu tập họp khẩn cấp thì Thủ tướng Niksic cũng họp khẩn với các bộ trưởng phụ trách an ninh và tư pháp nhằm tìm giải pháp chấm dứt bạo động leo thang. Ông Niksic tỏ ra cứng rắn khi yêu cầu người dân dừng ngay các hành động bạo lực, đồng thời khẳng định chính quyền sẽ mạnh tay xử lý nghiêm những người biểu tình quá khích.

Nhìn nhận về làn sóng biểu tình biến thành bạo động tồi tệ nhất kể từ khi Bosnia-Herzegovina tách khỏi Nam Tư sau cuộc chiến sắc tộc tàn khốc, giới quan sát cho rằng căn nguyên chính là tình hình kinh tế bi đát kéo dài nhiều năm qua. Dù đã trở thành quốc gia độc lập từ gần 20 năm nay song Bosnia-Herzegovina vẫn là nước thuộc loại nghèo nhất châu Âu.

Theo thống kê chính thức từ chính phủ, tỷ lệ thất nghiệp của Bosnia-Herzegovina hiện ở mức 27,5%, cao nhất trong khu vực Balkan, song theo các chuyên gia ước tính con số trên thực tế có thể lên tới hơn 44%. Thu nhập trung bình hàng tháng của người dân ở mức 420 euro (570 USD) và hiện đang có tới 1/5 trong tổng số 3,8 triệu người dân Bosnia-Herzegovina đang phải sống dưới mức nghèo khổ.

Theo các nhà phân tích, biểu tình và bạo động đã phản ánh thái độ bức xúc của người dân Bosnia-Herzegovina trước việc giới lãnh đạo chính trị chỉ lo đấu đá và đục khoét của công trong khi không đủ khả năng vực dậy nền kinh tế thảm hại sau khi cuộc chiến sắc tộc kết thúc vào năm 1995. Bởi thế, dù hành động mạnh tay của chính quyền có khiến làn sóng biểu tình phản đối chính phủ tạm lắng xuống song “ngòi nổ” nguy hiểm của nó vẫn chưa được tháo gỡ nên có thể bùng phát trở lại bất cứ lúc nào.