“Ngòi nổ” giá lương thực

ANTĐ - Giá lương thực đã không chỉ còn là vấn đề kinh tế. Chuyên gia Shenggen Fan, Giám đốc viện Nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế tại Washington (Mỹ) cho biết giá lương thực cao trở lại trong năm 2011 đã dạy cho chúng ta những bài học cần thiết.

Nạn đói hoành hành đe dọa cuộc sống của 12 triệu người

Nhiều chuyên gia cho rằng tình trạng bất ổn lan rộng khắp Bắc Phi và Trung Đông bắt đầu chính từ các ruộng lúa mì ở Nga. Sự kết hợp giữa nhiệt độ cao, hạn hán và cháy rừng suốt hè năm 2010 đã hủy hoại 1/3 sản lượng lúa mì của Nga khiến giá lương thực thế giới leo thang sau khi Nga ngừng xuất khẩu mặt hàng này. Hệ quả là các vấn đề xã hội xuất hiện và vì không được giải quyết khéo léo đã dẫn tới bùng nổ. Nhìn lại quá khứ, lần cuối giá lương thực leo thang là năm 2008, vào lúc đó Ai Cập là một trong những quốc gia diễn ra các vụ bạo loạn và biểu tình vì lương thực.

Kể từ năm 2000 đến nay, giá lương thực bắt đầu tăng cao mà nguyên nhân không phải là do các nhân tố tạm thời mà đã trở thành một xu hướng trong nền kinh tế thế giới. Mặc dù lũ lụt, hạn hán, cháy rừng… làm giảm sản lượng lương thực, nhưng đó không phải là nguyên nhân duy nhất đẩy giá lương thực tăng cao. Giá nhiên liệu và nhu cầu sử dụng lương thực tăng cùng việc sử dụng lương thực để chế tạo nhiên liệu sinh học đã tác động trực tiếp đến chi phí sản xuất lương thực, làm nạn khan hiếm lương thực trầm trong thêm.

Theo con số thống kê của Tổ chức Lương Nông LHQ (FAO), chi phí nhập khẩu lương thực toàn cầu năm 2011 dự báo đạt mức kỷ lục 1,29 nghìn tỷ USD, tăng 21% so với năm 2010. Đây là lần thứ 3 trong vòng 4 năm qua, chi phí nhập khẩu lương thực toàn cầu vượt quá ngưỡng 1.000 tỷ USD. Các nước thu nhập thấp phải nhập khẩu lương thực và các nước chậm phát triển nhất phải tăng chi phí nhập khẩu lương thực trong năm 2011 lần lượt là 27% và 30% so với năm 2010.

Nhìn về tương lai, nếu không tăng đầu tư sản xuất lương thực, thế giới sẽ tiếp tục phải gánh chịu giá lương thực cao. Hiện tại, lượng lương thực cung cấp cho thị trường chưa thể thỏa mãn nhu cầu của 7 tỉ người. Trong khi đó theo dự kiến, thế giới sẽ có thêm 2 tỉ miệng ăn vào giữa thế kỷ này.

Thực trạng đó là lời cảnh báo về nguy cơ thiếu lương thực trong tương lai với những hậu quả khó lường. Trước mắt, không chỉ gây bất ổn như ở Bắc Phi và Trung Đông, giá lương thực toàn cầu tăng cao đang đẩy những người nghèo khó ở các nước đang phát triển, đặc biệt tại khu vực Sừng châu Phi, vào tình cảnh khốn cùng. Tính toán của các chuyên gia cho thấy nạn đói đang hoành hành ở khu vực này có thể đe dọa mạng sống của hơn 12 triệu người. Chỉ riêng cuộc khủng hoảng nhân đạo xảy ra hồi đầu năm ở vùng Sừng châu Phi đã làm ít nhất 29 nghìn trẻ em dưới 5 tuổi ở Somalia tử vong và khoảng 600 nghìn em khác trong khu vực có nguy cơ cận kề cái chết.

Nhìn xa hơn một chút, Ủy ban LHQ về Kinh tế- Xã hội khu vực châu Á- Thái Bình Dương (UNESCAP) cảnh báo giá lương thực toàn cầu tăng cao có thể làm chậm 5 năm tiến trình thực hiện mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về xoá đói giảm nghèo ở nhiều nước trong khu vực, so với thời hạn chót là năm 2015 mà Liên hợp quốc đề ra. Nó cũng có thể dẫn đễn những tác động tiêu cực với triển vọng phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.